Tính thuế TNCN theo hộ gia đình

03/03/2011 10:27 GMT+7

Bộ Tài chính đề nghị mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân là 8 lần lương tối thiểu vùng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết đã phối hợp với Bộ Tư pháp trình Chính phủ bổ sung Luật Thuế TNCN vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh trình quốc hội năm 2012 trong phiên họp Chính phủ ngày 2-3 và đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2012, trong đó có sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN.

 

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, thuế TNCN sẽ được tính theo hộ gia đình.
Trong ảnh: Một gia đình công nhân trong một buổi họp mặt - Ảnh: Hồng Thúy

Hợp lý, công bằng
 
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ lấy lương tối thiểu của khu vực sản xuất làm căn cứ tính thu nhập chịu thuế. Mức khởi điểm chịu thuế được xác định là bằng 8 lần lương tối thiểu của khu vực này. Như vậy, với mức lương tối thiểu hiện hành của vùng 1 (Hà Nội, TPHCM, Bình Dương...) là 1.350.000 đồng/tháng, mức khởi điểm chịu thuế sẽ là 10.800.000 đồng/tháng. Mức khởi điểm chịu thuế ở vùng 2 là 9.600.000 đồng/tháng, vùng 3 là 6.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 6.480.000 đồng/tháng. 

Sẽ không thu thuế từ cổ tức?

Bộ Tài chính nhận định một số quy định trong Luật Thuế TNCN  hiện nay đã lỗi thời. Do đó, việc sửa đổi luật tại thời điểm này là rất cần thiết nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân. Ngoài việc sửa đổi về phương pháp tính, mức khởi điểm chịu thuế, Bộ Tài chính cũng cân nhắc khả năng không thu thuế đối với cổ tức từ cổ phiếu.
 
Theo cách tính này, mức khởi điểm chịu thuế sẽ được nâng lên khá nhiều so với mức thuế hiện hành và bảo đảm hợp lý, công bằng. Bộ Tài chính cho biết nhiều nước trên thế giới cũng tính thuế TNCN theo phương pháp này.

Điểm mới trong phương án tính thuế TNCN lần đầu tiên được Bộ Tài chính cho biết là sẽ đề xuất tính thuế TNCN theo hộ gia đình. Mức khởi điểm chịu thuế sẽ được tính trên cơ sở tổng thu nhập của cả gia đình, chia bình quân cho từng người. Người đang có thu nhập được tính là suất, mỗi người phụ thuộc được tính là 1/2 suất chia ra mức giảm trừ gia cảnh và quy về một mối chịu thuế là một người có thu nhập để khấu trừ thuế lại nơi chi trả thu nhập.
 
Tổng thu nhập được tính gồm tiền lương, tiền công và tất cả các khoản thu khác. Ví dụ một hộ gia đình có 2 vợ chồng, 2 ông bà và 2 con nhỏ, cách tính thu nhập như sau: tổng thu nhập là 20 triệu đồng chia cho 4 ra mức thu nhập trung bình là 5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này thấp hơn 8 lần lương tối thiểu, do đó, hộ gia đình này không phải chịu thuế TNCN. 
 
Tổng thu năm 2011 khoảng 29.000 tỉ đồng
 
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến nguồn thu từ thuế TNCN năm 2011 đạt khoảng 29.000 tỉ đồng. Đại bộ phận cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và người làm công ăn lương tại doanh nghiệp trong nước nộp thuế không nhiều. Trong số khoảng 75% tiền thuế TNCN thu được từ tiền công tiền lương, phần lớn là nguồn thu từ người nước ngoài làm việc ở Việt Nam (chiếm 80%). Số thu từ hộ sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 5,8%, từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 13,6%, còn lại từ thu nhập khác.
 
Luật Thuế TNCN được xây dựng từ năm 2006, dựa trên Pháp lệnh Thuế thu nhập cao và được Quốc hội thông qua cuối năm 2007, có hiệu lực từ ngày 1-1-2009. Tuy nhiên, do những bất lợi của nền kinh tế trong thời gian đầu có hiệu lực, Quốc hội đã đồng ý thời hạn dãn nộp thuế TNCN trong 6 tháng (hết ngày 31-5-2009) để kích cầu và giảm khó khăn cho đời sống người dân.
 
Trong hai năm đầu thực hiện Luật Thuế TNCN, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng thêm gần 18%. Nếu tính từ thời điểm bắt tay xây dựng luật, CPI đã tăng lên hơn 65% nên mặc dù đã tính đến việc trượt giá, tăng lương nhưng mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng cùng với mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc đã trở nên lạc hậu.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.