Năm 18 tuổi đang học THPT, anh Hồ Nhật Trường (ngụ P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy) đã nghỉ học để làm thợ hồ cho những công trình xung quanh TP Cần Thơ. Năm 2002, khi vừa ăn tết xong, anh lên TP.HCM tiếp tục làm thợ hồ nhưng chỉ khoảng nửa tháng thì tai họa ập đến. Khi leo lên giàn giáo xây nhà, bất ngờ tấm ván ở giàn giáo bị gãy khiến anh ngã xuống đất chấn thương nặng. Sau hai tuần nằm viện với chẩn đoán chấn thương cột sống, anh bắt đầu tuyệt vọng khi biết mình mãi mãi không bao giờ có thể đi lại được như người bình thường.
Do từ nhỏ đã không có mẹ (mẹ mất từ khi anh lên 5), cha đưa anh về căn nhà nhỏ ở hẻm 194 Cách Mạng Tháng Tám để chăm sóc nhưng đến năm 2006 ông cũng mất vì bệnh. Cha mất, nhìn đôi chân anh teo dần mỗi ngày thì niềm hi vọng về cuộc sống trong anh cũng “teo” theo. Thế nhưng lúc đó người hàng xóm là bà Hồ Thị Vui (còn gọi là Út Nhỏ) đã không chút do dự khi quyết định đưa anh Trường về nhà chăm sóc với một ý nghĩ đơn giản: “Thấy tội nghiệp nó quá, không nuôi rồi biết đời nó ra làm sao”.
Vốn là dân lao động chân tay, để có tiền nuôi anh Trường bà phải đi giữ con cho một người hàng xóm, nhưng gần đây em bé lớn phải gửi mẫu giáo nên bà “thất nghiệp” và chuyển sang nghề lau dọn nhà cửa cho bất kỳ ai có nhu cầu. Anh Trường nói: “Tôi là một kẻ phế nhân nên nhiều lúc không muốn sống nữa, những lúc đó cô động viên tôi rất nhiều nên nghĩ về tình thương và sự chăm sóc của cô nên tôi bỏ ý định. Chuyện vệ sinh, giặt giũ, ăn uống cô Vui lo cho tôi thậm chí còn hơn công việc của người mẹ dành cho con trai nữa”.
Theo C.Quốc - T.Trang / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)