Tình trạng trẻ bị người thân xâm hại tình dục ngày càng tăng

10/12/2014 18:01 GMT+7

(TNO) Hàng loạt vụ bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra trên khắp cả nước thời gian qua chính là lý do khiến nhiều đại biểu dự diễn đàn “Chung tay xây dựng một môi trường không bạo lực, không xâm hại trẻ em ”, được tổ chức ngày hôm nay 10.12, khuyến nghị gấp rút xây dựng, hoàn thiện luật pháp để bảo vệ thế hệ tương lai.

>> Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em
>> Báo Thanh Niên đoạt giải nhì cuộc thi 'Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em
>> Nhức nhối nạn xâm hại trẻ em
>> Triệt phá đường dây xâm hại trẻ em quốc tế

65% trẻ bị hiếp dâm trong số gần 2.000 trẻ bị xâm hại

Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê, 74% trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 14, bị cha mẹ, người chăm sóc hay những người thân khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.

Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cũng thông tin, mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Trong số đó, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65%, số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm hơn 28%.

 xam-hai-tre-em
            85% trẻ bị bạo lực, xâm hại bởi những người quen biết - Ảnh: Đỗ Trường

Trong những năm qua, mặc dù Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, nhưng theo bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, vấn đề trẻ em bị bạo lực và lạm dụng vẫn rất nhức nhối, số lượng chưa giảm, tính chất dã man, tàn nhẫn, lứa tuổi trẻ bị xâm hại khi còn quá nhỏ.

“Tình trạng đó không chỉ gây thương tích về mặt thể chất mà còn tổn thương nặng nề về tâm lý, tình cảm, tinh thần cả cuộc đời của trẻ. Đó cũng là một thách thức đối với những người đang bảo vệ quyền trẻ em”, bà Thanh nói.

Nhìn nhận tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ trở thành một vấn đề xã hội cấp bách, bà Phạm Thị Thoa, Phó trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) xót xa khi chính nơi an toàn nhất lại là nơi các em dễ bị xâm hại nhất. Bà Thoa chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, 85% trẻ bị bạo lực và xâm hại tình dục bởi những người quen biết, nhiều trường hợp trẻ gái bị chính những người ruột thịt hoặc quen biết xâm hại tình dục. Các vụ án xảy ra rất đa dạng, nhưng đa phần có sự chủ quan của người lớn, vô tình đẩy các bé thành nạn nhân của xâm hại tình dục. Không ít vụ vì sợ xấu hổ, mặc cảm, muốn cho êm chuyện, nhiều gia đình đã đi đến thương lượng, hòa giải và bồi thường mà không tố cáo, đưa ra pháp luật. Điều này vô tình làm cho nạn xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục phát triển và hoành hành, vì kẻ phạm tội không bị trừng phạt nghiêm minh để cảnh cáo, răn đe những kẻ khác”.

Đề xuất thành lập Tòa án trẻ em

Theo luật sư Trần Thị Bích Hoà, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên (Hội Luật gia Việt Nam), một trong những nguyên nhân dẫn tới trẻ bị xâm hại kể trên là do các chế tài trong lĩnh vực này còn bất cập, chưa đủ răn đe vi phạm. Văn bản pháp luật lại không quy định rõ quyền hạn của các cơ quan liên quan để thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra các hành vi xâm hại trẻ em.

“Đơn cử, khi tiếp nhận thông tin, tố cáo về trẻ em bị xâm hại, cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ có quyền xác minh sự việc, kiến nghị với cơ quan công an để tiến hành các biện pháp ngăn chặn, như hạn chế quyền của cha mẹ, gửi trẻ cho các cá nhân hoặc cơ sở chăm sóc, chứ chưa có chế tài về tước quyền nuôi con đối với những cha mẹ ngược đãi, bạo lực, xâm hại con mình. Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng không có quyền tiến hành các biện pháp khẩn cấp trước khi tình hình trở nên trầm trọng hơn. Nhiều vụ việc do không được ngăn chặn kịp thời đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”, bà Hòa nói.

Theo bà Hòa, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 không còn phù hợp, cần sửa đổi để điều chỉnh các hành vi, quan hệ xã hội, để trẻ em được bảo vệ tốt hơn. Trong đó, cần quy định chế tài về tước quyền nuôi con đối với cha mẹ ngược đãi, xâm hại, bạo lực con mình. Ngoài ra, cũng cần quy định thành lập Tòa án trẻ em ở cấp tỉnh và Trung ương.

Thạc sĩ giáo dục học Lê Thị Xuân Lang cũng đồng tình cần phải có tòa dành riêng cho trẻ em. “Trong quá trình tố tụng, do chưa có tòa án dành riêng cho trẻ em nên chưa có đủ cán bộ tư pháp nắm được các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Vì vậy, trong quá trình hỏi cung, cán bộ dùng ngôn ngữ của người lớn, trẻ em thì không biết diễn đạt sự việc nên nhiều vụ hiếp dâm trẻ em đã phải hoãn lại nhiều lần. Thậm chí, do chưa đủ chứng cớ, phải hỏi cung nhiều lần, tòa còn triệu tập cả nạn nhân càng khiến cho trẻ bị hại tổn thương thêm”, bà Lang bày tỏ.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh thêm: “Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ở Việt Nam rất yếu. Tuần nào, tháng nào cũng có vụ xâm hại, bạo lực trẻ em đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng khi có chuyện xảy ra, không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Để giải quyết vấn đề trẻ em, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nghiên cứu, chuẩn bị kỹ 3 dự luật liên quan đến trẻ em sắp trình Quốc hội".

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.