Tinh vi hơn 'đường lưỡi bò'

10/04/2023 04:14 GMT+7

Những năm qua, hầu hết người VN ngày càng cảnh giác hơn với bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp do Trung Quốc sử dụng để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, giờ đây cách thức Trung Quốc tuyên truyền sai trái, hợp pháp hóa sự bất hợp pháp đang ở mức len lỏi tinh vi hơn.

Vài ngày qua, liên tục xảy ra 2 vụ sai phạm về bản đồ liên quan đến chủ quyền VN trên Biển Đông. Nếu như những vụ trước đây hầu hết thể hiện hình ảnh "đường lưỡi bò", thì 2 vụ mới đây lại khác. Trong đó, bản đồ của Grab tại VN chứa nhiều thông tin liên quan đến các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN bằng tiếng Trung Quốc và thể hiện theo tên gọi phi pháp do Trung Quốc đặt ra. Không những vậy, bản đồ của Grab còn thể hiện cả "huyện Nam Sa" vốn là cơ quan hành chính phi pháp do Trung Quốc thiết lập để kiểm soát quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Tương tự, bản đồ của ban tổ chức giải bơi quốc tế Oceanman (ban đầu dự kiến tổ chức từ ngày 14-16.4 tại Cam Ranh, Khánh Hòa) thể hiện quần đảo Hoàng Sa là "huyện Tây Sa", còn quần đảo Trường Sa là "huyện Nam Sa".

Đến nay, đơn vị tổ chức giải Oceanman đã bị xử phạt và Công ty Grab VN đã lên tiếng xin lỗi về các vi phạm trên. Tuy nhiên, những vụ việc này cho thấy các thủ pháp của Trung Quốc nhằm hợp pháp hóa chủ quyền phi pháp đang ngày càng tinh vi.

Cách đây khoảng 3 năm, vào tháng 4.2020, giữa bối cảnh nhiều nước, bao gồm cả Trung Quốc, đang phải tập trung đối phó đại dịch Covid-19 thì nước này vẫn thành lập 2 huyện Tây Sa và Nam Sa để lần lượt kiểm soát phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Hành động này về bản chất là hiện thực hóa chủ quyền phi pháp một cách chi tiết hơn so với bản đồ "đường lưỡi bò" vốn đã bị Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016. Khi Trung Quốc thiết lập 2 huyện trên, các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo với Thanh Niên rằng thông qua hành động này, Trung Quốc đang dần tự củng cố chủ quyền phi pháp, tăng cường kiểm soát 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Và nay, khi chúng ta thấy một số bản đồ bắt đầu thể hiện các huyện Tây Sa hay Nam Sa thì rõ ràng chiến lược của Bắc Kinh đang dần len lỏi để "biến không thành có". Nếu không sớm ngăn chặn, cảnh báo người dân và dư luận thì những thuật ngữ, cấp hành chính như "huyện Tây Sa" hay "huyện Nam Sa" sẽ thành chuyện đã rồi dù bản chất là phi pháp và luật pháp quốc tế không công nhận.

Chính vì thế, bên cạnh việc rà soát, kiểm tra chặt chẽ các nội dung, ấn phẩm, phương tiện… có thể hiện các thực thể ở Biển Đông, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để tăng cường nhận thức cho cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.