(TNO) “Em không được chết. Em chết đi, bố mẹ em còn các em của em. Anh thì chỉ còn em thôi”, Mạnh thủ thỉ với Hà như thế cả trăm lần, trên một giường bệnh có những 5 bệnh nhân đang nằm thoi thóp giữa Bệnh viện K (Hà Nội).
Đó mãi mãi là những ngày tháng không thể nào quên của cặp vợ chồng Đinh Văn Mạnh, 31 tuổi và Lương Thị Hà, 30 tuổi, trú ở thôn Xuân Trung, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Những con người bình thường từng bị thần chết gõ cửa. Nhờ tình yêu, họ giành lại được hy vọng và sự sống.
Hai vợ chồng Mạnh, Hà luôn bên nhau - Ảnh: Lương Thu
|
“Chân của em đâu?”
Năm 2008, sau 2 năm yêu nhau, Mạnh cưới Hà. Thuê một căn nhà nhỏ ở phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Mạnh làm công nhân điện nước cho một siêu thị, Hà làm kế toán.
Sau ngày cưới đúng 6 tháng, Hà bị trượt chân, khiến một bên chân trái bị gẫy lủng lẳng. Hà được mổ ghép xương, nhưng vết thương mãi không lành, cái đùi ngày một phình to ra, như quả bom chờ nổ.
Ngày Mạnh nhận kết quả từ bác sĩ, vợ mình bị ung thư xương, thế giới như sụp đổ. Anh mới 24 tuổi, Hà 23, cả hai vợ chồng còn quá trẻ, họ từng vạch ra bao nhiêu hy vọng và dự định.
Mạnh giấu tất cả mọi người trong nhà bệnh tình của Hà, trừ bố vợ. Anh "bịa" ra cho Hà một thứ bệnh gì đó rất phức tạp về xương. Hà không hỏi gì thêm, chỉ thấy cái chân ngày càng đau nhức nhối. Chị được chuyển xuống Bệnh viện K2, huyện Thanh Trì, Hà Nội nằm ghép giường ở Khoa nhi.
Hà phải truyền hóa chất, mỗi lần 8 chai. Tổng cộng là 12 đợt truyền, trong 1 năm rưỡi.
Những đợt truyền đầu tiên, ch ịchỉ nằm thoi thóp, hơi thở rất mỏng. Chị nôn mửa, đi vệ sinh trong vô thức - ngay trên giường bệnh, không thể ăn bất cứ thứ gì, người rơi vào những giấc ngủ rất dài, tưởng không tỉnh lại.
“Mẹ ơi, mẹ đừng khóc. Nếu con chết, anh Mạnh sẽ lấy vợ mới. Mẹ cứ yêu thương cô ấy. Thế là bố mẹ có thêm con cháu, chứ có mất đi đâu”, Hà nói với người thân những lúc tỉnh dậy.
Số phận lấy đi của chị Hà một bên chân trái nhưng cho chị một người chồng tuyệt vời - Ảnh: Cẩm Giang
|
10 người nhìn Hà đều nghĩ cô sẽ qua đời. Từ 50 kg, sau nửa năm, Hà sụt xuống còn 29 kg, đầu trọc lốc. Tết thiếu nhi, sinh viên tình nguyện vào thăm bệnh nhi thường ngồi bên cạnh Hà, xoa xoa đầu chị và khẽ nói: “Cháu ơi, cố gắng lên nhé”. Mạnh ngồi cạnh vợ, nước mắt ứa ra.
Mạnh quyết định, đồng ý để cưa chân vợ, cứu vãn sự sống đang bị đe dọa. Bác sĩ nói nếu nhanh, Hà chỉ sống thêm 3 tháng. Nếu cưa chân, thời gian của chị còn 6 tháng.
“Hà không biết mình bị cưa chân. Cô ấy vẫn đang ngủ say vì thuốc mê. Tôi bàng hoàng nhìn chân trái vợ được cưa ra, bọc trong một chiếc chăn. Tôi nhờ người nhà mang nó về Bắc Giang để chôn ngoài cánh đồng. Sau đó, tôi ngồi xuống cạnh Hà, cầm tay cô ấy thật chặt, rất chặt. Tôi phải nói làm sao với Hà đây khi em tỉnh dậy và biết một bên chân của mình không còn nữa”, Mạnh nhớ lại.
Hà tỉnh lại, hỏi: “Anh ơi, chân của em đâu rồi”, và cô khóc như một con mèo con bị nhúng ướt sũng nước mưa, vì không còn sức, tiếng rên như những nhát dao cứa vào ruột Mạnh.
Hà đã biết bệnh của mình, những ngày tiếp theo của đợt truyền hóa chất, chị tưởng mình sẽ ngủ, không bao giờ dậy được nữa. Gần 50 người trong khoa nhi lần lượt ra đi. Có người lúc sáng mới kêu khóc, chiều đã tắt thở. Ngày nào cũng có người chết.
“Em biết không, anh đã nghỉ việc, anh phải vay mượn rất nhiều tiền để chữa bệnh cho em. Em không được chết. Em chết đi, bố mẹ còn các em của em. Anh chỉ còn mỗi em thôi”, Mạnh thủ thỉ như thế với Hà cả trăm lần. Một tích tắc nào đó yếu lòng, muốn buông xuông trong cuộc chiến với hóa chất, Hà thấy mờ mờ bóng Mạnh đang ngồi bên giường. Chị lại cố mở mắt, và nghĩ mình phải sống.
Cõng em đi khắp thế gian
Mạnh bảo vợ cứ thích ăn gì, khó đến đâu anh cũng làm ra được. Biết vợ muốn ăn bún chả Định Công, anh phi xe máy giữa trưa hè từ Tựu Liệt về phố Định Công; nghe vợ thèm dâu tây, giữa mùa hè, anh đi khắp Hà Nội, may mắn tìm được một hàng ở bờ Hồ.
Mạnh vay mượn khắp nơi để có tiền cho Hà truyền hóa chất, bố mẹ đẻ của anh ở Nam Định cũng chỉ làm nông nên khó khăn. Anh và bố vợ dự định bán ngôi nhà ở Bắc Giang vì số tiền chữa cho Hà sắp cạn.
Đêm ở viện K dài như cả thế kỷ. Anh ở cạnh Hà đến khoảng 10 giờ đêm thì xách xe máy ra ngoài Giáp Bát, chạy xe ôm lấy tiền trang trải. Có đêm bị “đầu gấu” đuổi, đánh vì “giành” sân làm ăn. Đuổi chỗ này, Mạnh chạy chỗ khác. Tầm 3 giờ sáng, anh vào viện xem sức khỏe của Hà rồi ra hành lang chợp mắt. Giấc ngủ vật vờ thường xuyên bị đánh thức bởi muỗi, tiếng người đi vệ sinh, mùi hôi thối của toilet bệnh viện. Sáng hôm nào thức dậy, người anh cũng chi chít vết muỗi cắn.
Sau khi chị Hà khỏi bệnh, anh Mạnh trở thành đôi chân của chị Hà, họ luôn đi bên cạnh nhau
- Ảnh: Lương Thu |
Thay quần áo, lau người, cho Hà ăn, cho Hà đi vệ sinh, thông táo bón cho Hà, cõng Hà đi khắp các phòng của bệnh viện để khám, chụp, truyền hóa chất, một tay Mạnh làm hết. Mẹ đẻ của Hà chỉ ngồi với Hà cho có bạn.
Mạnh cao trên 1m70, người lực lưỡng, Hà 29 kg, như em bé lớp 3, các y bác sĩ tưởng Mạnh đi chăm em gái.
“Chỉ cần em còn sống, anh sẽ cõng em đi khắp thế gian”, anh bảo Hà giữa những vòng ngược xuôi của viện K. Mạnh cõng Hà như thế ròng rã 1 năm 6 tháng…
Bình luận (0)