Tình yêu Mai qua hồi ký Nguyễn Cao Kỳ

24/04/2010 15:21 GMT+7

Vì sao "chuyện nhỏ hơn hạt đậu" về vụ "va chạm" giữa phu nhân tổng thống Thiệu với phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trên sân thượng dinh Độc Lập lại được nhắc đến qua hồi ký và hồi ức của một số nhân vật có tiếng đương thời?

Tiêu biểu là tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ qua hồi ức của mình đã kể - để nhà văn Hữu Mai nhắc đến trong cuốn Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên - rằng ông Kỳ rất say mê lái máy bay, đi đâu cũng thích tự mình lái và “sáng nào Kỳ cũng lượn một vòng, giơ tay vẫy chào mọi người, rồi mới đáp xuống bãi cỏ trước dinh Độc Lập. Một dạo không hiểu vì sao, Kỳ cho máy bay hạ xuống ngay trên nóc dinh, mà bên dưới chỗ hạ cánh là phòng ngủ của vợ chồng Thiệu…”. Bực tức lắm, song vì đang ở cương vị “nguyên thủ quốc gia” chẳng lẽ Thiệu phải đi cằn nhằn đôi co với Kỳ? Phu nhân tổng thống, bà Anh thì không thế. Bà mách với Vũ Ngọc Nhạ, than phiền với ông Nhạ và nhờ phân trần với ông Kỳ việc đó.

Tướng Nhạ bảo bà hãy nói thẳng với ông Kỳ xem sao vì chuyện nhỏ nói đi nói lại không hay. Một bữa ông Nhạ đến dinh Độc Lập thấy bà Anh tươi cười, báo rằng vừa rồi bà đã nói với Kỳ là bà “định trồng mấy cây bông trên sân thượng, để những khi làm việc mệt ông Thiệu lên đó ngắm cảnh, nhưng cái trực thăng quạt gió quá chừng, hư hết bông”. Kỳ nói: “Tôi vô ý, sao ông Thiệu không nói sớm với tôi một câu?”. Và mấy hôm nay, ông Kỳ không quằn trên nóc dinh nữa, mà bay đậu xuống bãi cỏ dưới kia rồi”. Còn cái vườn hoa của phu nhân tổng thống sẽ không bao giờ nở lấy một đóa vì đó là vườn hoa tưởng tượng, chỉ nói chứ không làm.

Thật ra lúc ấy ông Kỳ không thích dây dưa với những chuyện đâu đâu như thế vì ông đang đắm mình trong hạnh phúc mới với Tuyết Mai như ông thuật lại qua hồi ký nằm trong tài liệu tham khảo của Thông tấn xã Việt Nam: “Trong những ngày cuồng nhiệt của nhóm tướng trẻ, tôi không chỉ dính líu vào những cuộc đảo chính và bận bịu với công cuộc tác chiến của không quân mà tôi còn đem lòng yêu thương một người nữa. Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với một phụ nữ Pháp – và chúng tôi đã có 5 đứa con với nhau – đã kết thúc bằng sự ly thân và tiếp theo đó chúng tôi đã ly dị. Sau khi ly dị với vợ tôi, theo lời của một nhà báo, tôi đã hưởng được “hai năm hết sức sôi động của một người có số đào hoa”. Có lẽ tôi không cần phải đính chính là sự nhận xét trên đã được phóng đại như thế nào và thực ra tôi cũng đã vui chơi nhiều và thoải mái trong lúc bấy giờ bởi vì tất cả chúng tôi đều không biết sống chết ngày nào và cần phải sống vội khi mình được sống”.

Ông kể năm 1964, trên một chuyến bay của hàng không Việt Nam đến Thái Lan, ông đã gặp một cô chiêu đãi viên: “là một cô gái 20 tuổi, với những nét đẹp cổ kính nhất mà tôi chưa thấy bao giờ. Nàng tên là Đặng Tuyết Mai và tôi đã thuyết phục mời đi dùng cơm với tôi chiều hôm đó. Qua sáng hôm sau, biết Tuyết Mai sẽ rời Băng-cốc sớm trong chuyến bay trở về Việt Nam, tôi thấy là phải đến chào từ giã nàng. Nhưng thông thường đàn ông Việt Nam không được đột nhập vào phòng ngủ đàn bà lúc 6 giờ sáng. Tuy nhiên tôi cũng đã tìm ra cách để vào. Tôi mặc bộ quân phục thiếu tướng không quân màu trắng có hồ bột cứng sẵn sàng để đi dự cuộc diễu hành chính thức, rồi kín đáo đứng chờ người phục dịch khách sạn mang điểm tâm lên phòng Mai và tôi dúi cho người này mấy “đồng bạt” (tiền Thái Lan) để thay anh ta bưng mâm điểm tâm đến gõ nhẹ nhẹ cửa phòng Mai. Lúc ấy Mai đang đứng nhìn ra ngoài cửa sổ và gần như là không ngó ngàng gì đến tôi, không quay mặt lại, mà chỉ đứng yên bảo hãy để mâm điểm tâm xuống bàn. Sau này Mai nói với tôi là lúc bấy giờ Mai đang chăm chú nhìn xuống đường để chờ nhìn tôi, vì Mai biết thế nào tôi cũng đi trên đường ấy đến dự cuộc diễu hành sắp diễn ra”.

Gặp gỡ lần đầu chỉ có thế, song dường như vì duyên tiền định nên về sau họ không thể rời nhau, dẫn đến lễ cưới tại nhà hàng Caravelle  - Sài Gòn. Để chúc mừng, thủ tướng Trần Văn Hương đã gởi đến một món quà là 200.000 đồng tiền mặt, theo Kỳ số tiền ấy cho phép trang trải đầy đủ phí tổn của tiệc cưới tại nhà hàng Caravelle mà “ai ai” quen biết cũng đều được mời dự - trong đó có cả ngoại giao đoàn và hầu hết bạn bè thân thiết của Kỳ trong lực lượng không quân. Tướng Nguyễn Khánh “đã cho tôi một món quà lộng lẫy – một chiếc xe Ford Falcon cũ, kiểu năm 1960 mà Khánh không dùng nữa vì Khánh đã có một chiếc xe hơi khác của nhà nước. Đây là chiếc xe hơi đầu tiên mà tôi được làm chủ từ trước tới giờ (mãi cho đến lúc đó tôi chỉ luôn luôn lái chiếc xe díp của quân đội cấp cho)”.

Cưới nhau xong, lúc hội đồng tướng lĩnh họp lại đồng thuận để Kỳ làm thủ tướng, thành lập nội các mới, Kỳ từ chối mãi không được, cuối cùng đồng ý với điều kiện: “tôi phải xin phép vợ tôi đã”. Và Kỳ về nói với Tuyết Mai: “phản ứng đầu tiên của vợ tôi là “không được” (không được làm thủ tướng)”. Lý do? Kỳ viết: “Vì lúc ấy chúng tôi là cặp vợ chồng mới cưới, chúng tôi không muốn dính líu đến các mưu đồ chính trị. Tuy nhiên, sau khi tôi giải thích cho vợ tôi nghe các sự việc đã xảy ra (về cuộc họp và sự ủng hộ cuồng nhiệt của các tướng lĩnh), vợ tôi đã hiểu và đồng ý với việc tôi quyết định đứng ra thành lập chính phủ. Ngày hôm sau, tôi trở lại phòng họp của hội đồng quân lực để xác nhận quyết định này của tôi”. Dầu làm thủ tướng, Kỳ vẫn tiếp tục ở trong căn cứ không quân như cũ thay vì chuyển đến một công thự dành cho mình theo cương vị mới, đó là một nhà lầu ba tầng cách dinh Độc Lập không xa, khá thuận tiện cho việc liên lạc với dinh bất cứ lúc nào. Song ông chỉ dùng nơi ấy làm văn phòng, tại đó có sẵn bếp, người phục dịch và phòng ngủ để ông có thể chiêu đãi, hoặc ngủ lại khi công vụ bề bộn.

Nguyễn Cao Kỳ viết, lúc bộ máy chính quyền khởi động, ông thú thật là hết sức bỡ ngỡ, lạ lẫm với mọi biện pháp quản lý, tuy vậy chẳng có một âm mưu đảo chính hoặc một làn sóng chống đối Kỳ, ông tự hỏi:“Có thể nào lại xảy ra trường hợp người không chuyên nghiệp (trên chính trường như Kỳ) đã thành công trong công việc mà người lành nghề đã bị thất bại chăng?”. 

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.