Chàng trai H’Mông Sùng A Lùng: Yêu tình, yêu múa cuồng dại

Nguyên Vân
Nguyên Vân
06/02/2019 07:45 GMT+7

Câu hỏi thăm nhiều nhất của bà con mỗi khi anh về bản dịp tết là gì, tết của người H’Mông bây giờ ra sao, người trong bản xem múa thế nào... là những chia sẻ của nghệ sĩ múa Sùng A Lùng dịp đầu năm mới.

Tết không còn đậm nét H’Mông ngày xưa

* Tết đến, Lùng hay nghĩ về điều gì nhiều nhất?
- Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng: Lo thì không quá nhiều, nhưng vài năm nay tôi về tết như một nghĩa vụ của người con, cháu. Với lại, sẽ cảm thấy tội lỗi nếu mình không về nhà. 16 năm xa nhà nhưng đến tết luôn "phải về", vừa làm tròn nghĩa vụ với gia đình vừa là để cho bản thân không áy náy. Tôi không muốn bị lãng quên trên quê hương của mình, nên mình vẫn là Sùng A Lùng, là con của gia đình, của quê hương.
Hoa mận nở rợp núi rừng mỗi độ xuân về ẢNH: NSCC
* Mỗi dịp về nhà, Lùng hay mang những gì từ TP.HCM để làm quà?
- Tôi luôn có nửa ngày để đi chợ, mua quần áo cho em gái, cho mẹ, bố,... còn vài người thì biếu tiền, ai muốn mua gì thì mua. Nói chung tết tốn lắm (cười), vì tôi là cháu cả, anh cả của một đàn em rất đông, không chỉ riêng mấy em nhà mình mà còn các em nhà dì và cậu nữa, giờ có thêm cháu... Vì không muốn ai bị thiệt thòi, nên trong khả năng của mình là mọi người ai cũng phải có quà.
* Gia đình, bà con trong bản hay "thăm hỏi” người ở thành phố về những điều gì?
- "Khi nào lấy vợ?", "Sao lâu thế không lấy vợ, các em cháu lấy vợ có con rồi?"... Những câu hỏi đó khiến mình thấy vẫn có được sự quan tâm nào đó hay trong mọi người vẫn chưa quên một người cháu - con xa nhà, nhưng khá mệt vì gần như ai cũng hỏi. Mệt thôi, chứ bản thân mình luôn tự hiểu và "không sao, ổn mà".
* Không khí tết đồng bào H’Mông nơi Lùng ở hiện nay thế nào?
- Trước tết 3 ngày là cả bản (Chảng Phàng, huyện Phong Thổ, Lai Châu) bắt đầu làm bánh dày, loại bánh rất đặc trưng của tết người H’Mông. Bánh không có nhân gì hết, và đập bánh thì vui mà cũng rất mệt, đập từ sáng đến tối, hết nhà này đến nhà kia. Khoảng 27 - 28 tết là ngày bắt đầu ăn tết. Bây giờ có nhiều thay đổi lắm, ngày xưa nhà ai nấy ăn, một lợn thì mời cả bản đến ăn cùng, nay thì sẽ là 2 - 4 nhà mổ hoặc mua về để làm bữa cơm mời cả bản đến, vẫn vui, nhưng không còn đậm nét H’Mông ngày xưa. Người ta vẫn thường lấy ngày thầy cúng là ngày đầu tiên của lễ tết, sau ngày cúng là bắt đầu ăn, và ăn tết trong khoảng 10 - 12 ngày tùy từng nơi. Không còn ném pao, đánh cầu, chơi tù lu, mất đi nhiều thứ đẹp đẽ… Nhưng tết mà, vẫn vui khi đầy đủ con cháu, anh em…
Làm bánh dày - loại bánh truyền thống của người H'Mông dịp tết ẢNH: NSCC
Sùng A Lùng cho biết cột mốc đánh dấu tết thường bắt đầu từ việc giã bánh dày và làm lễ cúng. Đây là lễ bắt buộc trước tết của người H'Mông để cầu sức khỏe cho gia đình trong năm mới.  ẢNH: NSCC

Tôi là niềm tự hào của gia đình, bản làng

* Không ngại công khai giới tính của mình với bạn bè đồng nghiệp…, nhưng với gia đình thì Lùng nói chuyện cùng ba mẹ thế nào?
- Tôi bị giục lấy vợ suốt thôi, mà tôi nói chuyện ấy thì chẳng ai hiểu đồng tính là gì và quan điểm của họ vẫn là phải lấy vợ. Bà tôi luôn nói: "Nó ngoan, chẳng làm phiền lòng ai, cái gì cũng làm được, cái gì cũng nghe, mỗi lấy vợ và về quê sống là nó không". Tôi quen những câu hỏi đó rồi nên cũng tránh, hoặc tìm câu nói thích hợp để họ ậm ừ cho qua. Tôi luôn tìm cách làm sao để ngắt câu chuyện đó nhanh nhất (cười), nếu giải thích thì cả ngày họ cũng vẫn không hiểu.
Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng trong MV của ca sĩ Bích Phương ẢNH: NSCC
* Còn các em của Lùng, họ có đọc báo hay biết gì về cuộc sống của anh trai mình ở TP.HCM?
- Tôi giống như cha mẹ mấy đứa em tôi, vì tôi cực kỳ khó tính, đôi khi giận vì mấy đứa chẳng ai làm được những điều mình nói. Tâm sự với em út thì gần như tôi sẽ không nói chuyện ở thành phố thế nào, mấy đứa lại không muốn tôi lo nghĩ về gia đình nhiều và tôi cũng không muốn mấy đứa bận tâm về cuộc sống của mình. Chỉ cần mình thấy bình yên là được rồi. Tuy nhiên vì hay trò chuyện nên những câu chuyện của tôi mấy đứa biết hết và chẳng ai ý kiến gì vì tôn trọng tôi trong chuyện giới tính, lâu lâu chúng còn trêu sao chẳng thấy anh rể nào về nhà nữa (cười).
* Xem bộ ảnh Lùng tham gia Daydreamers, với hình ảnh 2 người đàn ông và đứa trẻ, có thể hiểu đó là ước mơ của Lùng về “ngôi nhà và những đứa trẻ”?
- Không hẳn như thế, tôi muốn có ai đó yêu tôi, tôi yêu họ, lãng mạn một chút, cảm thông và chia sẻ. Yêu, nhẹ nhàng thôi, không giông tố, dành thời gian để yêu, để thương, cùng tận hưởng cuộc sống chứ không nghĩ đến chuyện cưới nhau hay gia đình to - nhỏ gì cả.
"Tôi ôn hòa, an toàn trong mọi vấn đề của cuộc sống" ẢNH: NSCC
* Tình yêu đồng tính khó bền, đó là chia sẻ của nhiều người trong cộng đồng này khi tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề. Còn Lùng quan niệm thế nào?
- Tôi cũng thấy khó! Bản thân mình thấy dễ nếu chấp nhận nhau, nhưng họ thì không hoặc nghi ngờ, khá phức tạp. Tôi gặp nhiều trường hợp rồi và tự tạo hàng rào chắc chắn an toàn cho bản thân. Trái tim có thể khao khát đến cháy bỏng, nhưng tôi không được vượt chính cái hàng rào tự rào ấy, tôi phải sống vui vẻ, đó là mục đích sống của tôi. Tôi ôn hòa, an toàn trong mọi vấn đề của cuộc sống.
Tôi muốn có ai đó yêu tôi, tôi yêu họ, lãng mạn một chút, cảm thông và chia sẻ. Yêu, nhẹ nhàng thôi, không giông tố, dành thời gian để yêu, để thương, cùng tận hưởng cuộc sống chứ không nghĩ đến chuyện cưới nhau hay gia đình to - nhỏ gì cả. 
Sùng A Lùng

Không múa thì sẽ “khó ở” lắm

* Lùng đến với múa thế nào?
- Là duyên nghề chọn mình. Ông tôi đưa đi thi vì có giấy tuyển sinh về đến xã đúng nghỉ hè năm lớp 8, cứ thế rồi thi huyện, tỉnh, ra Hà Nội, đỗ, học, đi làm ở Hà Nội, lao vào TP.HCM... Mọi thứ vừa là nhờ duyên, vừa là may mắn và TP.HCM là bước đi liều lĩnh khi tôi 20, lúc đó chẳng biết Sài Gòn như thế nào, vào đó với ý nghĩ cứ thử thôi, không ổn thì về. 12 năm tận dụng những may mắn và sự liều lĩnh, cố gắng của bản thân để tìm kiếm những trái ngọt vướng mùi thanh xuân mà tôi đã dùng cả trái tim và mồ hôi để chăm tưới.
* Khi Lùng học múa, bạn bè, bà con bản làng nơi Lùng ở có ngạc nhiên hay thắc mắc gì không?
- Mọi người luôn tự hào, cũng có vài người hỏi "Cái nghề đó chỉ làm được vài năm, sau sẽ thế nào?". Tôi để ngoài tai những câu hỏi, tôi trân trọng những yêu thương. Có nhiều người còn chưa biết múa là thế nào, họ hỏi thì tôi nói "Chẳng khác gì mọi người làm nông, chẳng sung sướng, mồ hôi đầm đìa mỗi ngày". Tôi vẫn luôn là niềm tự hào của gia đình và bản làng, vẫn nhận được sự yêu thương và tôn trọng của họ.
Sùng A Lùng (bìa trái) trong vở múa đương đại Café Sài Gòn ẢNH: HBS0
* Ba mẹ có khi nào xem Lùng biểu diễn trực tiếp chưa?
- Chưa ai xem cả! Ông bà thì xem qua ti vi vài lần, mỗi lần xem là bà lại khóc, bà khóc vì đứa cháu bà yêu thương từ nhỏ có ngày lại được múa trong cái ti vi nhỏ xíu kia…
* “Điên cuồng, đầy ngây dại” mà Lùng giới thiệu về mình trên trang cá nhân, đó là tính cách con người hay của một Sùng A Lùng với múa đương đại?
- Đó là tôi, mọi thứ điên cuồng lắm, yêu tình, yêu nghề, yêu mọi thứ cuồng dại, nhưng vẫn đầy ngây dại, ngây ngô, ngu ngơ...
Nhưng, tôi có điên cuồng thế nào thì vẫn chỉ là thằng người rừng, vẫn rất quê mùa, dễ bị lừa, rất cả tin, bị trêu chọc mà cứ nghĩ là thật. Tôi không biết trêu chọc nên người ta nói A là sẽ là A. Tuy nhiên cũng nhờ cái ngu ngơ, thật thà ấy mà tôi được anh chị bạn bè yêu thương nhiều lắm.
Trong vở múa Ru đêm ẢNH: NSCC
* Lương của diễn viên múa như Lùng ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM hiện nay có… dư để gửi cho gia đình không?
- Tôi chưa vào biên chế Nhà hát. Lương Nhà hát đủ trả tiền nhà, tiền diễn cũng đủ để ăn đấy (nhưng có tháng không diễn buổi nào), còn lại mọi thứ ổn định và có thể gửi về nhà phụ giúp là đến từ show bên ngoài hết. Tôi yêu tự do, muốn bay nhảy, bay nhảy trong tự do chứ không phải bay nhảy trong lồng, đó là lý do tôi không thích biên chế.

Tôi có điên cuồng thế nào thì vẫn chỉ là thằng người rừng, vẫn rất quê mùa, dễ bị lừa, rất cả tin… Cũng nhờ cái ngu ngơ, thật thà ấy mà tôi được anh chị bạn bè yêu thương nhiều lắm.

Sùng A Lùng
* Lùng thường chia sẻ thẳng thắn trên Facebook về việc hãy ủng hộ diễn viên bằng cách mua vé, nói không với chuyện tặng vé. Vậy tình trạng “xin vé” đến nay đã được “khắc phục” ở mức nào?
- Tính tôi thẳng thắn xưa nay. Ngoài tập luyện ra thì chúng tôi quảng cáo và là "nhân viên" bán vé online luôn nên được khán giả yêu thương, ủng hộ thì vui lắm, cứ cháy vé là diễn không biết mệt, sung ơi là sung. Chuyện xin vé cũng bớt rồi, gần như không còn, hay họ tránh xin tôi hay không thì tôi không biết (cười), nhưng lượng khán giả yêu thương những giọt mồ hôi, ủng hộ tình yêu múa của chúng tôi cũng nhiều lắm, đó cũng là động lực để chúng tôi nâng cao kỹ năng mỗi vở diễn, cố đem đến khán giả những tác phẩm thực sự tốt và hiệu quả, luôn cho họ thấy được sự trưởng thành của chuyên môn.
* Một Sùng A Lùng không có múa sẽ như thế nào?
- Đôi khi tay chân nó tự múa chứ tôi còn chưa kịp biết mình vừa làm gì (cười). Có lẽ quen rồi nên không múa là sẽ "khó ở" lắm! Hôm nay, bây giờ thì không thể thiếu múa được, chuyện mai hay sau này là chuyện của tương lai, hôm nay múa như dòng máu đang chảy trong mình, là trái tim luôn yêu cháy bỏng, là những niềm vui, những điều tốt đẹp và mọi thứ luôn như nhẹ nhàng hơn khi múa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.