Tôi là Trần Kim Ngọc, năm nay 79 tuổi, quê ở Huế, cựu học sinh tú tài Pháp, Trường Khải Định - Huế (1940 - 1945). Tôi chuyên dạy tiếng Pháp, từ 1948 đến nay tại Thanh Hóa, Nghệ An (Liên khu Bốn cũ), Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột. Tôi nghỉ mất sức năm 1983 và tiếp tục dạy hợp đồng tiếng Pháp tại ĐH Tây Nguyên (1989 - 2001). Hiện nay, tôi làm cộng tác viên dịch thuật tiếng Pháp cho Phòng Công chứng số 1 - Sở Tư pháp Đắk Lắk và cộng tác viên thường xuyên cho nhật báo tiếng Pháp Le Courrier Du Vietnam (thuộc Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội). Ngoài ra, tôi đang công tác cho Hội Khuyến học TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Tôi vô cùng cảm kích, khi đọc những bài báo trên diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ ?”. Có thể nói, tôi không bỏ sót một bài nào và lưu trữ để tham khảo sau này. Tôi xin góp một tiếng nói chân thành đến Diễn đàn.
Trong số Báo Thanh Niên ngày 26/5/2006, doanh nhân trẻ Đặng Lê Nguyên Vũ đã mạnh dạn đề xuất, một trong những việc cần làm ngay là khơi dậy và thổi bùng lên tinh thần ái quốc mạnh mẽ để đoàn kết mọi người Việt trên thế giới, cùng hướng về một mục tiêu chung.
Lịch sử Việt Nam, từ các Vua Hùng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã có biết bao đấng anh hùng hào kiệt, danh nhân, hiền tài khắp mọi lãnh vực, thế hệ này, qua thế hệ khác, tiếng thơm vẫn lưu truyền đến muôn vạn đời sau, chính là đã kết tinh trọn vẹn ĐỨC-TÀI trong phép XỬ THẾ và HÀNH ĐẠO.
Tài cao phải có Đức trọng; Đức trọng phải cần có Tài cao để thu phục nhân tâm, đưa đến sự đồng thuận, sự nhất quán trong xử thế và hành đạo.
Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu lúc sinh thời đã viết:
"... Cây cao nên rừng xanh,
Giếng trong từ mạch nước,
ĐỨC sáng như nước trong
TÀI - ĐỨC cùng trông mong..."
Đại thi hào Nguyễn Du, trong Truyện Kiều cũng đã viết:
"Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ TM kia mới bằng ba chữ TÀI".
Văn hào Pháp ở thế kỷ thứ 18 - 19, Félicité De Lamennais và cũng là nhà đạo đức học, đã ghi lại tư tưởng rất đẹp về đạo đức như sau: "Đạo đức ví như một cái cây, rễ mọc tự trên trời mà hoa quả xông hương thơm lừng trái đất".
Cũng bàn về đạo đức trong gia đình và học đường, văn hào Ý Edmondo De Amicis (1846 - 1908) đã mạnh dạn phê phán: "Do cử chỉ ngoài đường phố, người ta xét đoán được trình độ giáo dục của một DN TỘC. Nếu ngoài đường phố mà còn trông thấy sự thô lậu, thì chắc hẳn, trong gia đình cũng vậy...".
Tôi nhớ trong một số Báo Thanh Niên tháng trước, có đăng tin ngắn về một cô hàng nước giải khát ở một đường phố, vô tình ném một vỏ lon nước ngọt, vừa đúng lúc một du khách ngoại quốc đến nơi lề đường. Du khách bình tĩnh nhặt vỏ lon, tiến đến một thùng đựng rác bên lề đường, bỏ vỏ lon nước ngọt vào thùng và thanh thản ra đi... Đạo đức hay văn hóa nơi công cộng đã ăn sâu vào huyết quản du khách như một quán tính đáng trân trọng.
Hay một du khách khác, lùi về phía sau, nhường bước cho một phụ nữ, một cụ già, một người tàn tật lên xe buýt trước; một thanh niên ngoại kiều dẫn dắt một cụ già qua đường ở ngã tư...
Nói về đạo đức cách mạng, lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cô đọng trong nhân sinh quan triết lý và khoa học như sau: "Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; đất nước có bốn phương: đông, tây, nam, bắc; người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa, không thành trời; thiếu một phương, không thành đất; thiếu một đức, không thành người".
Như vậy, rõ ràng, đức hay nói rõ hơn là ĐẠO ĐỨC nhất thiết phải là nền móng vững chãi nhất, kiên cố nhất, quan trọng nhất để hỗ trợ cho TÀI hay nói rõ hơn là TÀI NĂNG của con người hội đủ điều kiện tinh thần nội lực để phát triển nhịp nhàng, cân đối.
Những vụ lừa đảo, tham nhũng, tiêu cực đã và đang xảy ra trong xã hội, chính là hậu quả tất nhiên của những kẻ có tài mà thiếu đức (thất đức); tham, sân, si lấn át lương tri; mất hẳn cần thắng (tiếng Pháp là frein, tiếng Anh là foot-brake hoặc hand-brake) đạo đức, và lao vào đường tội lỗi, lao lý...
Bàn đến "KHÁT VỌNG NƯỚC VIỆT VĨ ĐẠI" tức là làm cho đất nước ta DN GIÀU, NƯỚC MẠNH; XÃ HỘI CÔNG BẰNG, DN CHỦ, VĂN MINH, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, bốn biển; khơi dậy và thổi bùng lên TINH THẦN ÁI QUỐC mạnh mẽ.
Nhân dây, tôi xin trích dẫn một đoạn văn đầy ý nghĩa cao quý của văn hào Ý, Edmondo De Amicis (1846 - 1908) giãi bày thiết tha về TÌNH YÊU TỔ QUỐC (Le sentiment patriotique):
"...Bây giờ, con chưa hiểu được trọn nghĩa tình yêu Tổ quốc. Con sẽ cảm thấy nó, khi con trưởng thành; khi đi du lịch xa về, một buổi sáng, đứng tựa lan can tàu, con nhìn thấy, ở chân trời, những núi cao xanh của xứ sở con, lúc đó, con sẽ thấy trào lòng mãnh liệt dâng lệ cảm xúc đôi mắt con và con thốt lên tiếng lòng mừng rỡ.
Con sẽ cảm thấy TÌNH YÊU TỔ QUỐC ở đất khách quê người, khi tâm hồn con thúc giục, xô đẩy con vào giữa đám người thản nhiên để tiến đến phía một người công nhân không quen biết với con, vừa chợt đi qua, nhưng đã thốt lên mấy tiếng của nước con.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước bởi lòng phẫn nộ đau đớn làm con đỏ mặt, khi con nghe một người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con. Con sẽ cảm thấy TÌNH YÊU TỔ QUỐC mãnh liệt và kiêu hùng hơn, ngày nào một nước địch gây trận bão lửa, hăm dọa đất nước con...".
Tôi vẫn còn nhớ, thuở thiếu thời (1935 - 1942), lúc còn theo học bậc tiểu học Pháp - Việt ở cố đô Huế, một bài văn trong sách Giáo khoa thư lớp ba nói đến CHỐN QUÊ HƯƠNG LÀ ĐẸP HƠN CẢ, để NUNG NẤU TÌNH YÊU TỔ QUỐC một cách nhẹ nhàng mà thật sâu sắc: "Một người du sơn du thủy đã quá nhiều; khi quay trở về quê hương, hàng xóm láng giềng đến thăm hỏi ân cần. Khi có người hỏi người bạn đồng hương này rằng: Bạn đã ngao du khắp bốn phương trời, đã được thưởng ngoạn biết bao danh lam thắng cảnh, theo ý bạn, thì chỗ nào là đẹp hơn cả? Người bạn không một chút do dự, đã trả lời rằng: Theo ý tôi thì CHỐN QUÊ HƯƠNG của ta là đẹp hơn cả".
Để kết luận câu chuyện chân tình này về TÀI - ĐỨC và TÌNH YÊU TỔ QUỐC, trong lúc đất nước ta đang trên đường ĐỔI MỚI hội nhập cộng đồng thế giới, tôi vô cùng tâm đắc với ý kiến sau đây của doanh nhân tài năng trẻ Đ.L.N.V: "Chúng ta đang đứng trước cơ hội ngàn năm. Mỗi người Việt Nam, trong hay ngoài nước, đều có sứ mệnh tạo dựng nên một nước VIỆT NAM VĨ ĐẠI, ngàn năm giàu mạnh, ngàn năm thái bình. Để làm được sứ mệnh đó, mỗi người Việt, đều phải GIÀU VỀ TINH THẦN (đạo đức), GIÀU VỀ TRI THỨC (tài năng chân chính, đích thực, chất xám tự có), SUNG TÚC VỀ VẬT CHẤT (kinh tế quốc dân, khoa học kỹ thuật tiên tiến): mỗi người Việt đều có thể ngẩng cao đầu, đại diện cho ĐẤT NƯỚC...".
Trần Kim Ngọc
Bình luận (0)