Xác tàu Titanic đã được phát hiện năm 1985 trong một chiến dịch quân sự bí mật tìm kiếm 2 xác tàu ngầm hạt nhân Mỹ mất tích thời chiến tranh lạnh.
Đêm 14 rạng sáng 15-4-1912, tàu chở khách RMS Titanic sang trọng và lớn nhất hành tinh lúc bấy giờ đã gặp nạn trên Đại Tây Dương ngoài khơi đảo Newfoundland, Canada. Sau khi đụng phải một tảng “băng đen” khổng lồ, tàu bị gãy làm đôi, chìm xuống biển trong vòng 2 giờ 40 phút, làm 1.517 người chết đuối trên tổng số 2.223 hành khách đi trên tàu.
100 năm đã trôi qua nhưng thảm họa trên biển thời bình lớn nhất trong lịch sử hàng hải thế giới không ngừng ám ảnh các nhà hàng hải và sử học.
Người phát hiện là một sĩ quan tình báo hải quân Mỹ
Cam go nhất là việc truy tìm xác tàu Titanic nằm sâu 4.600 m dưới đáy biển. Sau nhiều lần thất bại, 73 năm sau, người Mỹ mới có phương tiện và kỹ thuật tìm thấy xác tàu này.
|
Người phát hiện xác con tàu huyền thoại Titanic vào tháng 9-1985 là tiến sĩ Robert Ballard, giáo sư hải dương học Trường ĐH Rhodes Island. Ông cũng là một nhà thám hiểm thuộc biên chế Hội Địa lý Quốc gia Mỹ từng thực hiện 125 cuộc thám hiểm dưới biển. Cuộc thám hiểm truy tìm xác tàu ngầm hạt nhân USS Thresher và USS Scorpion mất tích một cách bí ẩn năm 1963 và 1968 là sự kiện đáng nhớ nhất đối với ông bởi nhờ nó mà ông có cơ hội phát hiện xác tàu Titanic. Chiến dịch quân sự bí mật này đã được giữ kín suốt 24 năm qua.
Mọi sự bắt đầu từ năm 1982. Robert Ballard - lúc đó là sĩ quan tình báo hải quân Mỹ - tìm đến phó chỉ huy trưởng đội tàu ngầm Mỹ Ronald Thunman để xin hỗ trợ tài chính dự án phát triển công nghệ tàu ngầm robot của ông. Đây là công cụ tối cần thiết để ông hy vọng tìm thấy xác tàu Titanic, một mục tiêu mà ông theo đuổi từ năm 1973.
Năm 2008, ông Thunman - hiện nay là phó đô đốc về hưu - lần đầu tiên tiết lộ trên tạp chí National Geographic một phần sự thật về chiến dịch nói trên. Mới đây, ông Ballard đã bổ sung nhiều tình tiết chưa công bố xung quanh việc tìm kiếm 2 tàu ngầm hạt nhân Mỹ và tàu Titanic trong phim tài liệu Cứu hộ Titanic với Bob Ballard chiếu trên kênh truyền hình National Geographic đêm 9-4 vừa qua.
Ông Thunman xác nhận rằng lúc đó có nói với Ballard rằng hải quân Mỹ rất quan tâm đến công nghệ nói trên. Ballard sẽ được hỗ trợ tài chính với điều kiện: Tìm kiếm và thu thập dữ liệu nhằm xác định nguyên nhân mất tích của 2 chiếc Thresher và Scorpion. Đây là một chiến dịch quân sự bí mật, Ballard không được tiết lộ. Ông Thunman nhấn mạnh rằng không hề tuyên bố cho phép Ballard tìm xác tàu Titanic.
Khi 2 chiếc Thresher và Scorpion mất tích, Mỹ lo ngại bí mật động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân lọt vào tay Liên Xô. Đặc biệt, họ muốn biết có chứng cứ nào không cho thấy chiếc Scorpion bị hải quân Liên Xô đánh chìm bằng ngư lôi để chiếm đoạt vũ khí hạt nhân trang bị trên tàu hoặc trả đũa một vụ do thám như tin đồn lan truyền lúc bấy giờ. Nhiệm vụ chủ yếu của ông Ballard là thu thập dữ liệu xung quanh 2 xác tàu ngầm hạt nhân nói trên rồi chuyển giao cho hải quân xử lý.
Sau khi hoàn thiện công nghệ, tàu ngầm robot có khả năng lặn sâu 5.000 m, đoàn thám hiểm của Ballard bắt đầu tìm xác chiếc Thresher năm 1984 tại phía Đông duyên hải Mỹ và chiếc Scorpion năm 1985 ở phía Đông Đại Tây Dương.
Tin đồn vô căn cứ
USS Thresher là tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất của Mỹ vào đầu thập niên 1960. Nó mất tích trong một chuyến thử nghiệm lặn sâu ngày 10-4-1963 cách Cape Cod, bang Massassuchetts 350 km. Toàn bộ thủy thủ đoàn 129 người đều thiệt mạng. Những dữ liệu mà Ballard thu thập được cho biết nguyên nhân tàu chìm là nổ ống dẫn cao áp làm lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động. Mất điện, nó lao nhanh xuống đáy biển, cú va chạm mạnh ở độ sâu 4.600 m làm nó nổ tung thành hàng ngàn mảnh.
Số phận con tàu USS Scorpion bí ẩn hơn nhiều. Nó mất tích ngày 22-5-1968 cùng với 99 người trong hoàn cảnh không rõ ràng. Tàu được trang bị máy móc do thám hiện đại, 2 ngư lôi vận hành bằng bình ắc-quy mang đầu đạn hạt nhân chống “tàu ngầm chạy nhanh, lặn sâu của địch”. Bởi vậy, sau khi tàu mất tích một cách bí ẩn, có tin đồn nó bị tàu ngầm Liên Xô đánh chìm.
|
Ballard tìm thấy xác chiếc Scorpion không toàn vẹn vào đầu năm 1985 ở độ sâu 3.000 m. Những dữ liệu thu thập được cho thấy tàu không bị tác động của ngoại lực, lò phản ứng trên tàu còn nguyên, cho thấy tin đồn là vô căn cứ. Phân tích dữ liệu mà Ballard thu thập được, các chuyên gia hải quân Mỹ ngờ rằng một quả ngư lôi tầm nhiệt bắn đi từ chiếc Scorpion không tìm thấy mục tiêu đã quay trở lại đánh đắm chính chủ nó. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết. Tình báo và hải quân Mỹ viện cớ bảo vệ bí mật quân sự, không muốn nói nhiều về chiếc Scorpion hơn 40 năm qua.
Trong quá trình tìm kiếm xác 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân Mỹ, tiến sĩ Ballard đã tích lũy được một số kinh nghiệm giúp ông tìm thấy xác con tàu Titanic trong vòng 12 ngày cuối cuộc tìm kiếm xác tàu ngầm. Và khi thông tin tìm thấy xác chiếc Titanic được đăng tải rộng rãi, Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Lehman đã nổi cáu vì sợ lộ tẩy bí mật quân sự. Tuy nhiên, lúc đó dư luận chỉ chú ý đến xác tàu Titanic huyền thoại cho nên chiến dịch quân sự bí mật tìm kiếm tàu ngầm hạt nhân Mỹ không bị lộ cho đến khi nó được giải mật.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)