Sau khi chế tạo thành công máy se chỉ xơ dừa 8 trục vào năm 2008, ông Lê Thanh Liêm (48 tuổi, xã Tân Hội, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) mở luôn xưởng cơ khí để đồng hành cùng thanh niên nghèo muốn khởi nghiệp bằng niềm đam mê nghề cơ khí.
Sáng tạo từ “3 không”
Ông Liêm kể, trước đây nhà nghèo, có đến 4 anh em trai nên ông không có điều kiện học hành. Năm 21 tuổi, sau khi xuất ngũ, ông về cưới vợ và mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp của cha truyền lại. Chắt chiu dành dụm trong nhiều năm, ông học nghề sửa xe máy với mong muốn cuộc sống gia đình khá hơn.
Sau khi tiếp cận với máy móc, những kỹ năng bẩm sinh về cơ khí điện máy của ông Liêm bắt đầu phát huy. Học xong, ông mở tiệm. Ngoài công việc chính là sửa xe máy, ông kiêm luôn sửa chữa máy gọt dừa, máy cắt, máy cưa, chạm gỗ…
Tháng ngày chứng kiến bà con ở quê đầu tắt mặt tối ngồi dùng máy se tay để se từng cọng chỉ xơ dừa khiến ông Liêm trăn trở. Nhìn các trục se chỉ tốc độ chậm như rùa bò, ông Liêm khát khao sáng tạo một máy se chỉ xơ dừa chạy bằng điện cùng lúc ra nhiều trục để cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho bà con.
Nghĩ là làm. Nhưng điểm bắt đầu của ông Liêm là con số 0 bởi ông chưa hình dung ra cái máy ấy như thế nào; không biết sử dụng máy vi tính nên không thể học hỏi trên mạng internet; không có kỹ năng phác thảo các bản vẽ và khó khăn lớn nhất là không có tiền, không có người đồng hành.
Trong khó khăn, ông Liêm chỉ có thể vừa sửa xe máy nuôi gia đình, vừa mua máy móc ve chai để tìm tòi, nghiên cứu. Năm 2003, sau khi có chút thành quả ban đầu, ông đóng cửa tiệm và mò mẫm suốt hơn
5 năm trời. Trong thời gian này, hầu hết các đồ dùng có giá trị trong gia đình lần lượt “đội nón” ra đi. “Nỗi buồn lớn nhất của tôi trong thời gian đó là sự cô đơn vì vợ tôi không đồng tình với việc làm của tôi. Vậy nên cuối năm 2008, khi đã chế tạo thành công máy se chỉ 4 trục, 6 trục tôi cũng chỉ biết mừng thầm”, ông Liêm nhớ lại.
Cuối năm 2008, ông Liêm căn bản thành công với máy se chỉ xơ dừa 8 trục. Khi đó, ông đã làm chủ cả cơ chế vận hành máy. Bên cạnh đó, máy chỉ có một động cơ nên giúp tiết kiệm điện, có thể chạy được 5 loại chỉ từ 2 - 6 li và quan trọng nhất là sản phẩm chỉ được se ra cực kỳ đẹp mắt, chất lượng tương đương với se tay truyền thống.
Tuy nhiên, cái máy mà ông Liêm chế tạo hình dáng chỉ là một khối sắt được chắp vá từ các thiết bị lấy từ các máy móc ve chai nên nói là thành công cũng không ai tin. “Cả gia tài lúc ấy chỉ còn chiếc xe Nouvo. Tôi đề nghị đem bán để mua phụ tùng, vợ tôi chán nản đến đỉnh điểm để chuẩn bị cho một cuộc đổ vỡ nên cũng không quan tâm”, ông Liêm kể.
Sau khi bán xe, ông Liêm lên TP.HCM mua phụ tùng nhưng không đủ tiền, phải năn nỉ gãy lưỡi mới được thiếu lại 15 triệu đồng trong một tháng. Nhưng chưa đầy một tháng, máy se chỉ xơ dừa 8 trục hoàn chỉnh, mỗi trục se chỉ nhanh gấp 3 lần se tay (nghĩa là một ngày ông Liêm làm việc hiệu quả gấp 24 lần một người se tay - PV) nên chiếc máy đã mang về cho ông bộn tiền. Đầu năm sau, ông đi “trình làng” và được thị trường chấp nhận. Từ đó, câu chuyện thần thoại giữa đời thường đã được ông Liêm viết lên, làm thay đổi căn bản đời sống của hàng ngàn hộ gia đình làm nghề se chỉ xơ dừa tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Dạy nghề miễn phí cho thanh niên nghèo
|
Sau khi mở lại tiệm cơ khí, một mặt cần người phụ, mặt khác muốn truyền nghề nên cơ sở cơ khí Văn Liêm của ông Liêm nhận “đệ tử” miễn phí với đòi hỏi duy nhất là có đam mê. Riêng đối tượng là thanh niên càng nghèo càng tốt. “Tôi sẵn sàng trả công hằng ngày để mấy đứa có mà chi tiêu, sinh hoạt... chứ nó nghèo mà lấy học phí, phụ không công cái nỗi gì. Đương nhiên khi đã học thành nghề thì nhận tiền lương của thợ, tức trên 5 triệu đồng/tháng. Nhưng niềm vui với tôi là khi nhìn thấy mấy thanh niên nghèo miệt mài làm việc, nghiên cứu các chi tiết này nọ trong xưởng là tôi lại thấy mình trong đó”, ông Liêm nói.
Là một trong 8 thanh niên đang học nghề miễn phí tại xưởng cơ khí của ông Liêm, Lê Hoàng Khánh được xem là “đệ tử” dày dạn nghề nhất và cũng là người chịu ơn “sư phụ” sâu đậm nhất. Khánh kể, năm 20 tuổi, anh được cha đưa đến xin học nghề chỗ ông Liêm nhưng bị cự tuyệt vì ông thấy anh xỏ lỗ tai, đeo bông đen, thân hình ốm tong teo, xăm mình. Thế nhưng mấy ngày sau, Khánh lại theo bà ngoại đến xin lần nữa và vẫn bị thử thách khi chờ hơn 3 giờ “thầy” Liêm mới tiếp. “Tôi nói với thầy là mình thích nghiên cứu máy móc và muốn sống với nghề. Thế là sư phụ nhận cái rụp”, anh Khánh nhớ lại.
|
Theo ông Liêm, Khánh là học trò “cứng đầu” nhưng có ý chí và siêng năng. Vào học nghề không lâu thì Khánh bị tai nạn giao thông, ông Liêm đã tận tình giúp đỡ. Phục hồi sau tai nạn, Khánh càng miệt mài học nghề, làm nghề cho đến nay đã hơn 3 năm.
Hơn 10 năm qua, ông Liêm chỉ nhớ mang máng rằng mình đã dạy nghề cho hơn 40 thanh niên nghèo được “tốt nghiệp”. Tuy không hề có bằng cấp nhưng trước khi rời khỏi xưởng, các “đệ tử” của ông Liêm đã được các cơ sở sản xuất, công ty tư nhân thuê rồi.
Tiếng lành đồn xa, từ năm 2017, xưởng cơ khí Văn Liêm tiếp nhận đào tạo nghề miễn phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn muốn xuất khẩu lao động đi Nhật Bản. “Tôi không biết các công ty xuất khẩu lao động trên TP.HCM, nhưng họ dẫn 6 đứa đến xin học nghề miễn phí hàn, tiện, kỹ thuật cơ khí tích hợp. 6 đứa nhỏ học ở đây 3 tháng, học xong qua Nhật Bản hết rồi”, ông Liêm chia sẻ thêm.
Không những dạy nghề thuần thục, miễn phí cho thanh niên, đối với những gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, ông Liêm cũng sẵn sàng hướng dẫn nghề cấp tốc đủ kỹ năng rồi ứng trước tiền cho mượn để về nhà sản xuất rồi bán lại cho ông. Hiện có gần 20 gia đình ở hầu khắp các xã trên địa bàn H.Mỏ Cày Nam thuộc nhóm sản xuất phụ tùng “vệ tinh”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Khắc Điệp, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội, cho biết việc hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí để giải quyết việc làm thanh niên địa phương của ông Liêm trong thời gian qua là rất tốt. Xưởng cơ khí của ông đang chuyển đổi lên công ty về lĩnh vực khoa học công nghệ nhưng cũng đang gặp một số vướng mắc...
Bình luận (0)