Tờ báo thuở xưa: Bên trong nhà in báo

15/06/2023 07:30 GMT+7

Làm báo, có nhà in thì chủ động. Mà ngân quỹ eo hẹp, phải thuê in nơi khác, thì sự phụ thuộc thật lớn, thậm chí có báo phải đình bản vì… hết tiền.

Giấy in khan hiếm

Không dễ có nhiều tờ báo có được nhà in riêng. Nhiều báo phải thuê nhà in nên lúc thiếu tiền, báo bị giữ lại cho đến khi thanh toán mới lấy ra được. Báo Đời mới sống được 7 số năm 1935, có lúc báo "nằm vạ" ở nhà in Long Quang chờ mấy ngày mới có tiền chuộc ra. Trần Huy Liệu nhớ năm 1936, Tiếng vang làng báo in số 2 không có tiền lấy báo, đành phải nằm nhà in và báo bị đình bản. Các nhà in cũng dăm bảy dạng. Có nhà in sẵn mặt bằng, có nhà in phải thuê mướn để hoạt động. Nhà in của bà Thạnh Thị Mậu mang chính tên bà, thuê số 186 đường d'Espagne, Sài Gòn (đường Lê Thánh Tôn ngày nay), của ông chủ người Ấn, sau bị đòi lại. Sài thành nhật báo số 61, ra ngày 3.2.1931 thông tin khi nhà in này chuyển địa điểm, L'Écho Annamite phải tạm đình bản vì không có chỗ in.

Tờ báo thuở xưa: Bên trong nhà in báo - Ảnh 1.

Báo Con ong rao tin về nhà in Rạng Đông

Có nhà in riêng, các báo in ấn chủ động, định được ngày phát hành, tăng giảm số lượng in khi cần thiết. Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng có nhà in Tiếng Dân, báo Con ong của Nghiêm Xuân Huyến có nhà in Rạng Đông… Xem báo Con ong số 34, ra ngày 24.1.1940, bên trái manchette giới thiệu: "Nhà in Rạng đông nhà in riêng của CON ONG đã khai trương. Số 194, phố Hàng Bông Lờ - Hanoi".

Với Thực nghiệp dân báo, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng có kỷ niệm đẹp. Huỳnh Thúc Kháng tự truyện ghi, năm 1927 chuẩn bị cho việc ra đời Tiếng dân, cụ Huỳnh cùng Đào Duy Anh, Nguyễn Xương Thái ra Hà Nội mua máy in, "may đâu, gặp nhà in Nghiêm Hàm ở Hà Nội phát mãi, chỉ có một máy in nhỏ. Nhờ có ông Mai Du Lân chủ báo Thực nghiệp vừa mới mua một máy in chưa dùng, vui lòng nhượng lại".

In ấn báo chí phụ thuộc nhiều vào giấy in khi phải nhập bên Tây chứ ta không có sẵn. Sự phụ thuộc ấy dẫn tới khổ não về giá báo. Sài Thành nhật báo số 36, ra ngày 3.1.1931 giãi bày việc chậm ra phụ trương: "Hôm trước chúng tôi có hứa rằng ngày 23 Décembre sấp về sau mỗi ngày sẽ in thêm một tờ phụ trương như các bạn đồng nghiệp, song đến nay còn chưa in được là tại giấy mua bên Tây về trể [trễ], vậy đến khi có giấy lại đủ rồi bổn báo sẽ ra 6 trương [trang] cho tròn lời hứa với liệt quí độc giả và sẽ tăng giá mỗi số 7 su [xu]".

Giấy in luôn là chuyện nan giải với nhà in, cũng là cơn đau đầu với các báo, bởi giá giấy không ngừng tăng do chiến tranh gây trắc trở giao thông. Báo Truyền bá số 59, ra ngày 26.11.1942 phải rao tin ở trang 30: "Giấy đắt và khó mua, các đại lý chỉ nên lấy đủ bán báo thôi, báo ế sẽ không trả lại được".

Tờ báo thuở xưa: Bên trong nhà in báo - Ảnh 2.

Mẩu tin rao trên Truyền bá số 59

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Báo Tin mới 2 tiếng in cả vạn bản

Báo viết tay trong lịch sử báo chí nước Việt từng tồn tại, nhưng độ phủ sóng nhỏ hẹp chỉ trong trường học, nhà tù. Nhiều báo viết tay còn để lại dấu ấn như Suối reo ở nhà tù Sơn La do nhà báo kỳ cựu Xuân Thủy phụ trách; Ý kiến chung ở Banh 2 của Côn Đảo tập hợp nhiều cây viết như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Bùi Công Trừng, theo lời Hoàng Quốc Việt trong hồi ký Chặng đường nóng bỏng. In thạch bản thấy nhiều ở những tờ báo bí mật đi ngược với chính sách cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Báo Đuổi giặc nước được Tố Hữu kể trong hồi ký Nhớ lại một thời, in thạch rất vất vả và số lượng không nhiều.

Báo chí ra đời trước nhất tại Nam kỳ với những tờ báo chữ Hán, chữ Pháp trong mục đích của thực dân Pháp. Báo quốc ngữ sinh sau, được Phan Trần Chúc lý giải trong bài Lịch sử nghề làm báo Bắc Kỳ: Đăng cổ tùng báo trên Ngọ báo số 2584, ra ngày 23.4.1936 là bởi chữ quốc ngữ nhiều chữ có dấu trong khi chữ Pháp không có. Muốn in được báo quốc ngữ, phải thuê bên Pháp đúc loại chữ phù hợp, dẫn tới sự bất tiện khi "công đúc đã lâu, đường đi lại xa xôi chứ không tiện lợi được như bây giờ. Cho nên nhà in muốn ra báo hoặc in sách quốc ngữ, ít ra cũng phải dự bị hằng năm". Năng suất in báo, phải kể đến bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, người liên đới tới nhiều tờ như Vệ sinh báo, Bảo an y báo, Tin mới… Phạm Cao Củng làm Tin mới, cho biết báo được in bằng giấy cuộn chứ không in từng tờ rời như nhiều nhà in báo. Vì là máy in cuộn, năng suất đạt tới 10.000 tờ trong 2 tiếng đồng hồ.

Tờ báo thuở xưa: Bên trong nhà in báo - Ảnh 3.

Báo Tin mới số 52, ra ngày 1.4.1940

THƯ VIỆN QUỐC GIA VN

Với những người làm cách mạng khi làm báo, phải thuê nhà in vì ít tiền. Để ít tốn kém không đâu bằng nơi nhà in có những người cảm tình với hoạt động của mình. Trong hồi ký Chặng đường nóng bỏng, Hoàng Quốc Việt kể dạo làm báo "ở các nhà in chúng tôi thuê in báo, nhiều anh em công nhân sắp chữ hay làm máy hết sức chăm lo cho tờ báo của phong trào mình in rẻ và đẹp, ngăn chặn sự phá hoại của Tây, của chủ".

Về mặt hình thức, sự đổi mới báo chí ghi công Đỗ Văn khi đây là người có công chấn chỉnh nghề in, làm cho tờ Hà thành ngọ báo "thành một tờ báo đẹp, trình bày sáng sủa như một tờ báo Pháp", theo lời Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ. Với tờ này, Hoàng Tích Chu thay đổi dung mạo giúp báo hoàn toàn là báo thông tin. Đỗ Văn trông nom in ấn, chọn chữ, phụ trách việc lên khuôn báo cho đẹp. Đây được xem là cuộc cách mạng báo chí với dấu ấn Hoàng Tích Chu về nội dung và Đỗ Văn về kỹ, mỹ thuật.

 (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.