Tờ báo thuở xưa: Để một tờ báo thành hình

14/06/2023 07:41 GMT+7

Sự ra đời, hoạt động của một tờ báo cần có bộ máy nhân sự gồm nhiều thành phần với nhiệm vụ, vai trò khác nhau.

Trăm dâu đổ đầu quản lý

Quản lý chịu trách nhiệm cho tờ báo trước pháp luật, trả lương cho nhân sự, tiền công nhà in. Báo bị kiện hay nhà nước truy tố, quản lý sẽ là người hầu tòa. Nếu rủi báo bị kết án, quản lý là người chịu phạt, thậm chí bị án tù. Do đó trên mặt báo, quản lý phải ký tên thật. Báo L'Union Indochinoise đăng một bài phản đối nhà binh ở Đông Dương, bị Tòa Trừng trị Hà Nội kết án 500 quan tiền phạt, người chịu án là ông Bùi Ngọc Ái, Quản lý báo. Sau vụ việc đưa lên tòa Thượng thẩm, ông Ái bị y án; không có tiền nộp phạt, báo bị đình bản, còn ông Ái bị giữ tại nhà pha. Tin này được báo Tràng An số 15, ra ngày 19.4.1935, đưa.

Tờ báo thuở xưa: Để một tờ báo thành hình - Ảnh 1.

Tòa soạn của Trung hòa nhật báo ở số 33 đường Mission, tức phố Nhà Chung Hà Nội nay

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Trên tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định báo, chữ gérant lúc đó không dịch là quản lý, mà là kẻ làm nhựt trình. Gia Định báo số 1, năm thứ hai, ra ngày 15.1.1866, ở trang 4 ghi rõ "E.Potteaux, Kẻ làm Nhựt trình". Với báo Pháp ngữ, quản lý phải có quốc tịch Pháp, như báo La Cloche Fêlée, quản lý là Dejean de la Bâtie, vốn là Tây lai.

Chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm bài vở. Có báo ghi chủ nhiệm chính trị (directeur politique). Báo Đàn bà mới trang nhất in chủ nhiệm chính trị là Băng Dương, chồng Thụy An; báo Le Peuple, vị trí ấy là Dương Bạch Mai. Có báo lại ghi chủ sự. Tản Đà biện bạch ở An Nam tạp chí số 11 ra ngày 1.7.1930 rằng nhiều báo ghi chức danh chủ nhiệm, chủ bút, quản lý "làm bận mắt cho người xem". Do đó từ số 11 về sau, bản thân ông làm "chủ sự", dịch từ chữ Pháp là directeur, "là một kẻ chủ coi công việc trong báo quán, trên đối với Chánh phủ nhận trách nhiệm, trong đối với mọi người làm việc giữ trật tự, ngoài đối với các bạn độc giả, việc gửi bài, việc mua báo, thư tín vãng lai".

Nói tới vai trò của chủ bút, Phạm Cao Củng xem đó như người có uy tín trong báo giới, đứng chân tổ chức tờ báo với việc chọn biên tập viên, trợ bút, giao việc cho nhân viên. Thư ký tòa soạn chịu trách nhiệm bài vở cho báo. Nếu đủ bài, có bài gối đầu thì thư ký đỡ vất vả, bài vở thiếu thì phải xoay.

Trong báo có đội ngũ phóng viên lấy tin, viết bài, còn có phóng viên ở các tỉnh thành để chạy tin. Phạm Cao Củng từng được ông Nghiêm Xuân Huyến cử làm phóng viên đại diện cho Bắc Kỳ thể thao tại Nam Định. Báo nào có mục thời sự thế giới thì phải dịch tin từ báo Pháp gửi qua, hoặc nghe đài để dịch, sẽ có "thợ dịch". Vũ Ngọc Phan từng dịch cho Thực nghiệp dân báo.

Để báo đến được với độc giả, không thể thiếu khâu in. Báo có sẵn nhà in như Tiếng dân không nhiều, mà phải in ở nhà in ngoài. Nhà in có trách nhiệm liên đới với báo. Trang cuối tờ báo có phần ghi báo được in ở nhà in nào, có chữ ký của quản lý báo và đại diện nhà in.

Như trên là những thành phần cơ bản tạo nên một tờ báo, nhưng không phải bao giờ cũng đủ. An Nam tạp chí tục bản, trong số 3 ra ngày 1.10.1932, Tản Đà bộc bạch ban trị sự và tòa soạn chỉ có hai người là ông và viên thư ký Nguyễn Trọng Hợp trông coi sổ sách, đánh máy bài vở kiêm người đi thu tiền báo.

Tờ báo thuở xưa: Để một tờ báo thành hình - Ảnh 2.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu xưng chủ sự trong bài “Kính ngỏ cùng độc giả chư vị” trên An Nam tạp chí số 11

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Hơn nhau ở cái "mặt tiền"

Ở thời báo chí chạy ăn từng bữa vì đa phần phải tự lực cánh sinh, cơ cấu tổ chức của báo gọn nhẹ. Cảnh trí một tòa soạn được ghi qua tác phẩm Nghề làm báo: "Trên một cái gát [gác] tối tâm [tăm] chừng mười thước vuông, hai cái bàn viết song song nhau, bốn chiếc ghế mây xịch xoạc đã trổ màu đen đen mốc mốc, và một cái bàn con trong một góc để anh đi giấy! Cái quan [quang] cảnh Tòa soạn của chúng tôi như thế đó".

Tòa soạn - báo quán là bộ mặt của tờ báo. Trên trang nhất Trung hòa nhật báo số 853 ra ngày 18.1.1930 giới thiệu báo quán cùng ảnh kèm chú thích: "Mặt trông ra ngoài phố là mặt cửa hiệu sách của bản báo, nay mai sắp mở cửa hàng. Sưởng [xưởng] thợ và máy in đều ở mạn đằng sau cửa hiệu sách, tầng dưới. Còn tầng trên, có hai phòng: giám đốc nhà báo và nhà in, tòa soạn và phòng trị sự". Báo quán của Tiếng dân cũng ra dáng khi nơi này là trụ sở công ty Huỳnh Thúc Kháng.

Những tờ báo có tiềm lực, nhất là nhật báo, tòa soạn thường to đẹp, khang trang. Phạm Cao Củng nhớ tòa soạn báo Tin mới, "căn nhà đồ sộ mới xây cất tọa lạc ở góc phố Hàng Bông Đệm và phố Nhà thương Phủ Doãn". Tòa nhà này gồm phòng giám đốc - chủ nhiệm, phòng giám đốc trị sự, phòng lớn của các biên tập viên, phòng của ban phát hành, quảng cáo, ngoài ra còn có phòng rửa và rọi ảnh, phòng làm bản kẽm, phòng đúc các bản chữ in, phòng sắp chữ, lại có phòng đặt máy in ở tầng dưới cùng…

Có những báo quán tài chính không dư dả, phải thuê mướn, thậm chí thay đổi thường xuyên. An Nam tạp chí khi thì báo quán ở Hà Nội, lúc về Nam Định. Hồ Hữu Tường làm tạp chí Tháng Mười đã miêu tả cơ quan biên tập trong hồi ký 41 năm làm báo: "Nó là một cái chòi lá, cất trên mé rạch Cầu Chong, thuê mỗi tháng hai đồng bạc". Tòa soạn báo Vịt đực là cái gác bé tí, nóng hầm hập và chỉ có Phùng Bảo Thạch và Vũ Bằng túc trực tại tòa soạn, theo hồi ký Bốn mươi năm "nói láo". Số 17 phố Hàng Khoai, Hà Nội là tòa soạn của báo Đời mới, nghe to tát nhưng thực ra chỉ là căn gác chật hẹp... Có báo như Tiếng chuông sớm, tòa soạn nằm trong chùa Bà Đá, Hà Nội. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.