Tổ chức Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ.
Tổ chức Fitch đánh giá những thách thức đối với nền kinh tế từ khó khăn trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ít tác động đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn, cùng với dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn. Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục củng cố nền tài chính công lành mạnh, với nợ Chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm.
Trong trung hạn, Tổ chức Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 7% nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào. Bên cạnh đó, việc tham gia vào mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp của khu vực và toàn cầu trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ tiếp tục thúc đẩy thu hút FDI mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổ chức Fitch, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã dần cải thiện sau mức giảm mạnh trong năm 2022 và sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm các 2024, 2025, phản ánh dòng vốn quay trở lại và thặng dư thương mại lớn hơn.
Một trong những yếu tố được Tổ chức Fitch đánh giá cao trong hồ sơ tín dụng của Việt Nam là nợ Chính phủ ở mức thấp hơn nhiều so với các nước có cùng xếp hạng BB. Cơ cấu nợ nước ngoài của Chính phủ thuận lợi, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài thấp đã góp phần giảm gánh nặng nợ nước ngoài và củng cố chỉ số thanh khoản. Trong trung hạn, thu ngân sách sẽ được củng cố nhờ vào các giải pháp mở rộng cơ sở thu thuế đặt ra tại Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Việt Nam.
Tổ chức Fitch cho rằng, cùng với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Bình luận (0)