Tồn tại do cơ chế
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (GDĐH) tại Quốc hội sáng 6.11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, về những băn khoăn với mô hình tổ chức của đại học quốc gia, đại học vùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc thành lập các đại học quốc gia (ĐHQG), đại học vùng được thực hiện theo tinh thần nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh đó, trên thế giới, mô hình này không phải là mới và cũng đang là xu hướng phát triển nhằm hình thành các hệ thống đại học liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những nhiệm vụ, yêu cầu mới về phát triển khoa học và công nghệ và cạnh tranh thế giới.
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, mô hình hai ĐHQG đã ổn định và mang lại kết quả nhất định cả về chuyên môn, khoa học lẫn quản lý, đi đầu trong hệ thống giáo dục đào tạo với việc có mặt trong danh sách 1000 trường đại học hàng đầu thế giới.
Theo ông Bình, những vấn đề tồn tại của các đại học vùng hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách và cơ chế quản lý chưa phù hợp, dự thảo luật quy định hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở này tự chủ, tự quyết định cơ chế quản lý, phát huy thế mạnh của tổ hợp các trường đại học mạnh.
Trên cơ sở kế thừa thực tiễn, bảo đảm giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu cho giữ quy định như dự thảo.
Mô hình chỉ có ở Việt Nam
Tuy nhiên, tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) bày tỏ những vướng mắc của tổ chức bộ máy của cơ sở GD ĐH vẫn chưa được giải quyết.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, từ kỳ họp thứ 5, ông đã khẳng định bất cập, vướng mắc không phải là sự tồn tại của ĐHQG hay ĐH vùng mà là tổ chức bộ máy của các ĐH này.
Đại biểu tỉnh Long An dẫn chứng, theo Nghị quyết T.4 khóa 7 vào năm 1993, việc thành lập ĐH vùng có 3 mục tiêu là giảm đầu mối quản lý, biên chế; dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất; tập trung xây dựng ĐH vùng thành ĐH mạnh nhưng thực tế 24 năm qua cho thấy mục tiêu này không làm được.
“Nguyên nhân tóm lại là ĐH bao gồm các ĐH thành viên được tổ chức 2 cấp tức là ĐH có bộ máy riêng còn ĐH thành viên có bộ máy riêng. Quy định như vậy dẫn đến bộ máy chồng bộ máy. ĐH có bao nhiêu phòng ban chức năng thì trường ĐH thành viên có chừng ấy phòng ban tương ứng”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh dẫn chứng và khẳng định, những bất cập này đã được các cơ quan, tổ chức và các đại biểu nêu ra từ nhiều năm qua.
“Bất cập, vướng mắc của tổ chức đại học đã được nhìn nhận từ nhiều năm qua và hiện nay vẫn đang là nút thắt quan trọng cần sửa đổi để thực hiện tự chủ đại học, không thể muộn hơn”, ông Nguyễn Tuấn Anh nêu. Theo đại biểu này, nếu sắp xếp lại tổ chức, khắc phục được bất cập này, thì về tài chính mỗi năm tiết kiệm được 120 tỉ cho mỗi đại học.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng dẫn lại nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khẳng định, mô hình ĐH hai cấp như ĐHQG và đại học vùng chỉ có ở Việt Nam. Việc phân cấp như hiện tại không tận dụng đầy đủ lợi thế khiến tài năng, tri thức, năng lực bị phân tán.
“Ngân hàng Thế giới góp ý sửa đổi luật lần này nên sắp xếp các trường ĐH thành viên trong ĐH thống nhất một bộ máy tổ chức để phát triển thành ĐH đa lĩnh vực, tiến tới đào tạo và hội nhập quốc tế”, ông NguyễnTuấn Anh nêu.
Đại biểu tỉnh Long An khẳng định, những vướng mắc và hệ quả trong tổ chức bộ máy đại học đã kéo dài trong 25 năm qua, bằng 1/3 đời người, ảnh hưởng lớn tới giáo dục đại học Việt Nam. Từ đó, ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Bình luận (0)