Bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), khẳng định Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các đề xuất được Thanh Niên đăng tải để tiếp tục cải tiến, bổ sung thêm chính sách giúp hoạt động kinh doanh xổ số ngày càng hiệu quả.
|
Theo bà Hiền, năm 2012, tổng doanh số từ phát hành xổ số cả nước đạt 53.800 tỉ đồng, trong đó 90% là ở miền Nam, 10% còn lại là miền Trung và miền Bắc. Miền Bắc có nhiều tỉnh nhất, nhưng doanh số thấp nhất do thị hiếu của người dân, 80% doanh thu từ xổ số lô tô thủ công. Tại miền Nam tỷ lệ tiêu thụ bình quân 70%, trong khi tỷ lệ tiêu thụ miền Bắc chỉ đạt 15-18%.
Nhân rộng xổ số điện toán
Trả lời câu hỏi trong khi đang có quá nhiều công ty phát hành vé số, làm sao có thể quản lý tốt, chống tiêu cực nảy sinh? Bà Hiền nói việc quản lý có yếu tố lịch sử của nền kinh tế, khi từ năm 1962 mỗi tỉnh đã có một công ty. Từ năm 2012, Thủ tướng đồng ý thành lập Công ty xổ số điện toán quốc gia, dành cho một bộ phận có nhu cầu, có điện thoại di động, internet, không thích vé xổ số truyền thống hiện nay.
“Thời gian tới, dự kiến phát hành xổ số điện toán trong phạm vi toàn quốc. Còn về thời điểm nào chuyển hẳn vé số từ truyền thống sang điện toán thì phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Định hướng của Bộ là dần dần từng bước hiện đại hóa ngành xổ số. Chúng ta không thể 1 phút, 1 ngày, 1 năm thành lập công ty chung, tuy nhiên ý tưởng của Thanh Niên là rất tốt để có thể tiến tới, nhưng cũng phải phụ thuộc vào phát triển kinh tế, nhu cầu của người dân. Trước mắt sẽ phát triển bổ sung, sau đó xổ số truyền thống giảm bớt thị phần, tăng điện toán lên cũng là giải pháp tối ưu”, bà Hiền nói.
Ông Lê Việt Hùng, Chủ tịch Công ty XSKT Cần Thơ, cũng dự báo trong tương lai xổ số điện toán sẽ thay thế xổ số truyền thống hiện nay. Bởi lẽ loại hình mới này ra đời phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, giúp cho người chơi vé số có thêm sự lựa chọn và thuận lợi khi mua vé số (qua mạng internet, điện thoại...), đặc biệt là tính hấp dẫn khi giải thưởng sẽ được cộng dồn nếu không có người trúng giải.
|
Cộng dồn giải độc đắc
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, để hoạt động XSKT lành mạnh, đem lại nguồn thu hợp lý phát triển phúc lợi địa phương, đem lại sự hài lòng cho người chơi trong việc đóng góp khi mua vé và thu lợi khi trúng giải thì ngành XSKT cấu trúc lại theo một số định hướng sau:
Hình thành một số ít các công ty gồm TP.Hà Nội, TP.HCM và các khu vực như Tây nguyên, Đông Nam bộ, ĐBSCL. Cơ cấu tham gia và quyền lợi các tỉnh trong công ty XSKT khu vực có thể theo các tiêu chí dân số, nhiệm vụ phát triển từng giai đoạn. Điều này sẽ giúp giảm chi phí phát hành, quy mô phát hành lớn, giảm mật độ xổ số. Đa dạng hệ thống phát hành, có sự tham gia của các cửa hàng tạp phẩm, cây xăng… như mô hình ở Mỹ. Các đơn vị này được hưởng tỷ lệ chiết khấu vừa phải, nhưng sẽ được hưởng tỷ lệ trúng thưởng khi bán được vé số trúng giải đặc biệt. Điều này giúp tăng năng lực phát hành nhưng không phải đầu tư thêm hệ thống, tạo thói quen mua vé số tự nguyện thuận lợi, thí dụ vào mua tạp hóa còn tiền lẻ mua thêm tờ vé số…
|
Ông Hiển đặc biệt lưu ý cần xác định cơ chế XSKT là dịch vụ hưởng phí chứ không trực tiếp thắng - thua với người chơi. Cơ chế thu - chi phải minh bạch, thí dụ theo cơ chế một số giải xổ số lớn của Mỹ thì công ty XSKT được hưởng tỷ lệ để chi phát hành và thu công ích trên doanh thu, phần còn lại là trả thưởng. Nếu kỳ đó không có người trúng giải đặc biệt thì số tiền được nhập vào kỳ sau giúp giải thưởng tăng lên và càng thu hút người chơi vì giá vé không đổi.
Thu gọn đầu mối
Ông Trần Phùng, Giám đốc Công ty XSKT Quảng Ngãi, cho rằng hoạt động xổ số theo mô hình thị trường cạnh tranh như hiện nay giúp doanh nghiệp (DN) tự chủ và năng động hơn trong kinh doanh. Tuy nhiên, mô hình này làm chi phí tăng và rủi ro lớn, lãng phí nguồn nhân lực và số tiền nhiều tỉ đồng do việc tiêu thụ vé số ế ẩm phải hủy. Do vậy, nếu hình thành theo mô hình công ty mẹ - công ty con sẽ tránh được những nhược điểm trên. Tuy nhiên, nếu quyết tâm triển khai mô hình này cần phải có sự nghiên cứu thận trọng. Những công ty con ở mỗi tỉnh hoạt động độc lập hay hạch toán báo sổ, ăn chia lợi nhuận… cũng cần phải tính đến. “Điều quan trọng nhất là bộ máy ở công ty mẹ phải làm việc công tâm và minh bạch, nếu không sẽ xảy ra tình trạng xin - cho. Chẳng hạn như công ty con nào quan hệ tốt thì cấp đầu số đẹp, còn đầu số xấu thì đẩy về cho các công ty khác”, ông Phùng nói. Lo ngại này của ông Phùng thực ra sẽ được giải quyết khi có xổ số điện toán, người mua tự chọn số và có thể nhiều người cùng trúng một giải.
Lãnh đạo Công ty XSKT Quảng Nam cũng đề nghị nên thống nhất vé số tại các tỉnh trong cả nước về một mối. “Tôi ủng hộ việc thống nhất các loại vé số trên các tỉnh vào một tổng công ty vé số quốc gia. Đó sẽ là mô hình: nhà nước phát hành chung 1 loại vé số, với tư cách là công ty mẹ, tổng công ty trung ương sẽ phát hành cho mỗi tỉnh, thành một số lượng vé số giống nhau. Các tỉnh chỉ việc bán vé, trả thưởng với mô hình công ty con”, vị này nói.
Một chuyên gia XSKT sống ở Ninh Thuận tiếp xúc với chúng tôi cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất cải tổ, hình thành một tổng công ty quốc gia hoặc từng tổng công ty theo vùng miền. Các công ty xổ số ở địa phương sẽ là đại lý hoặc là thành viên của tổng công ty này. Theo ông, cách đây 10 năm nhiều người đã đặt vấn đề cải tổ theo hướng đó nhưng do nguồn thu từ kinh doanh xổ số đóng góp cho ngân sách địa phương quá lớn, có năm đạt 50%/tổng thu nên quan điểm của một số công ty xổ số cũng như địa phương này là “cố giữ nguyên”.
Tuy nhiên cũng theo chuyên gia này, hiện nay phần thu xổ số chỉ góp một phần rất nhỏ cho ngân sách địa phương. Vì vậy, đây là thời điểm tốt nhất để cải tổ hệ thống kinh doanh xổ số trên toàn quốc.
>> Vé số bán ế vẫn lãi cao - Kỳ 4: Từng xảy ra gian lận
>> Vé số bán ế vẫn lãi cao - Kỳ 3: Giành giật đại lý, lãng phí nguồn lực
>> Vé số bán ế vẫn lãi cao - Kỳ 2: Lãng phí khổng lồ
Thanh Niên
Bình luận (0)