Tổ chức tín dụng trong nước đứng trước sự cạnh tranh gay gắt

29/10/2015 05:50 GMT+7

Sự nhập cuộc của các tổ chức tín dụng lớn trên thế giới như HSBC, ANZ... buộc các đơn vị trong nước phải gia tăng tính tiện ích, chất lượng sản phẩm cho vay tiêu dùng, giảm lãi suất và đặc biệt chú ý tới các quy định bảo vệ người đi vay.

Sự nhập cuộc của các tổ chức tín dụng lớn trên thế giới như HSBC, ANZ... buộc các đơn vị trong nước phải gia tăng tính tiện ích, chất lượng sản phẩm cho vay tiêu dùng, giảm lãi suất và đặc biệt chú ý tới các quy định bảo vệ người đi vay.

Vay tiêu dùng phải đáp ứng nhu cầu đa dạng, lãi suất rẻ cho khách hàng- Ảnh: Ngọc ThắngVay tiêu dùng phải đáp ứng nhu cầu đa dạng, lãi suất rẻ cho khách hàng- Ảnh: Ngọc Thắng
Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh, cán bộ Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN), từ năm 2007 đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có sự phát triển mạnh mẽ ở VN. Thị trường tài chính tiêu dùng ước tính đạt khoảng 10,4 tỉ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước (số liệu StoxPlus và NHNN). Tính đến tháng 8.2014, tốc độ phát triển của thị trường đạt 18% so với cùng kỳ năm trước.
Cần tạo đột phá thông qua sản phẩm và dịch vụ
Thị trường chứng kiến sự cạnh tranh về thị phần ngày càng gay gắt giữa các tổ chức tín dụng nội và ngoại. So với điều kiện ngặt nghèo của các ngân hàng nội, thì các ngân hàng nước ngoài cho vay tiêu dùng với điều kiện vay dễ dàng hơn, thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn. Các tổ chức tín dụng trong nước cũng đã nhanh chóng tìm ra cách giành lại thị trường, bằng con đường đa dạng hóa sản phẩm.
Sự gia tăng của các hình thức cho vay tiền mặt và hệ thống ví điện tử được cho rằng sẽ trở thành xu hướng mới và định hình lại thị trường tài chính tiêu dùng ở VN. Việc bùng nổ của thương mại điện tử tạo cơ sở cho các hoạt động tài chính tiêu dùng trực tuyến. Sự xuất hiện của các loại ví điện tử có thể phục vụ như những kênh phân phối cho vay cũng như thanh toán cho các công ty tài chính.
Sự ra đời của các công ty tài chính với thế mạnh là các sản phẩm cho vay tiêu dùng vừa đóng vai trò khơi thông dòng vốn, vừa mang đến những lựa chọn tối ưu cho người tiêu dùng.
Xây dựng mô hình kinh doanh và quản trị rủi ro bền vững
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng đối với thị trường cho vay tiêu dùng là phải tăng cường sự hiểu biết cho khách hàng về các sản phẩm. Bởi lâu nay, các tổ chức tín dụng thường chỉ có thói quen tung ra chương trình bằng những lời mời hấp dẫn như khuyến mãi, ưu đãi lãi suất, tặng hiện vật… mà quên rằng người đi vay rất cần những thông tin cụ thể, chi tiết và dễ hiểu về thủ tục. Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm chia sẻ: “Sản phẩm cho vay tiêu dùng phải dễ hiểu, đơn giản về thủ tục, công khai và minh bạch. Có như vậy người vay mới thấy dễ dàng. Chứ như hiện nay người dân vẫn ngại đến các tổ chức tín dụng vì không biết đến đó hỏi ai, vay như thế nào, cần giấy tờ gì”.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh, chính phủ các nước đang nỗ lực để hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh. Muốn vậy, các ngân hàng và công ty tài chính cần minh bạch hóa các điều kiện tín dụng, đặc biệt là khâu tư vấn, để bảo vệ người đi vay khỏi các sai sót và hiểu lầm trong việc tính toán lãi vay, đồng thời giúp các tổ chức tín dụng tránh khỏi những khiếu kiện không đáng có sau này.
Đồng thời, các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cũng đang nỗ lực để tạo ra các kênh hỗ trợ cần thiết, đảm bảo để người đi vay có thể tiếp cận được các cơ quan thanh tra, giám sát khi có khiếu nại về khoản vay. Thực hiện giám sát chặt chẽ đối với các tổ chức cho vay các sản phẩm tín dụng có rủi ro cao, đảm bảo các công ty cho vay tiêu dùng phải có mô hình kinh doanh và quản trị rủi ro phù hợp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hướng đến một thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.