Theo website của WHO, 10,4 triệu người trên thế giới đã bị bệnh lao, 1,7 triệu người trong số này đã tử vong (bao gồm 400.000 người bị nhiễm HIV), trong năm 2016, năm gần nhất có dữ liệu thống kê. Bảy nước chiếm 64% số trường hợp, đó là Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Pakistan, Nigeria và Nam Phi.
Trong khi đó, khu vực châu Âu chiếm 3% trong số các trường hợp lao toàn cầu. Theo báo cáo mới do Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh tật châu Âu (ECDC) và Văn phòng khu vực châu Âu của WHO công bố, số trường hợp lao ở khu vực châu Âu đã giảm với tốc độ bình quân 4,3% trong thập niên qua. Theo bà Zsuzsanna Jakab, giám đốc Văn phòng khu vực châu Âu của WHO, dù đây là tỷ lệ giảm nhanh nhất thế giới, nhưng xu hướng này không đủ để đạt mục tiêu xóa bỏ dịch lao vào năm 2030.
“Chúng ta cần xốc lại cam kết chính trị ở tất cả các cấp nhằm đạt các kết quả rõ ràng và tức thời vốn có thể thay đổi và bảo toàn mạng sống của tất cả những người bị lao hôm nay cũng như đảm bảo một thế giới không còn bệnh lao cho trẻ em của chúng ta ngày mai”, trang PM News ngày 22.3 dẫn lời bà Jakab phát biểu trong một cuộc họp diễn ra đầu tuần này.
Các biện pháp bao gồm triển khai các công nghệ chẩn đoán mới, tăng cường nghiên cứu, và cải thiện việc tiếp cận những loại thuốc mới và các chế độ điều trị ngắn hạn hơn.
Theo ECDC và Văn phòng khu vực châu Âu của WHO, các dạng lao kháng thuốc vẫn là một mối đe dọa.
Văn phòng khu vực châu Âu của WHO phụ trách 53 nước từ Iceland đến Uzbekistan, bao gồm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
WHO đã xác định lao là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tháng 9 năm nay, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ có phiên họp đầu tiên về lao nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến nỗ lực xóa bỏ bệnh này trên toàn cầu.
Bình luận (0)