Bà Mai là Giám đốc Công ty TNHH Mai Vinh. Tháng 5.2006, bà ký hợp đồng bán cho ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Tuấn (Quảng Trị) 400 m3 gỗ lim vốn mua lại từ một doanh nghiệp (DN) khác.
Sau khi nhận tiền cọc, bà Mai giao gỗ cho ông Tuấn, nhưng còn nợ ông Tuấn 724 triệu đồng. Bà Mai viết giấy nợ, sau đó giao lại cho ông Tuấn chiếc xe ô tô (trị giá 200 triệu đồng) để cấn trừ.
Đầu năm 2007, ông Tuấn “tố” bà Mai lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 15.10.2007, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Mai để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 25.7.2008, TAND tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Mai 7 năm tù về tội danh nói trên, bà kháng cáo. Sau đó, TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Ngày 28.1.2010, TAND tỉnh Quảng Trị đưa vụ án ra xét xử lại, tuyên án 7 năm tù như lần xử trước. Bà Mai tiếp tục kháng cáo và TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại vì cơ quan điều tra chưa làm rõ được ý thức chiếm đoạt tài sản của bà Mai.
Ngày 24.12.2011, Viện KSND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ vụ án, khẳng định bà Mai không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhắc lại những ngày bị tù, bà Mai bật khóc: “Việc nợ nần dân sự đơn thuần nhưng người ta đã hình sự hóa vụ việc khiến tui mất hết mọi thứ. Vụ án oan kéo dài hơn 4 năm, con cái bỏ học, nhà cửa bán tháo, danh dự không còn. Đã gần 2 năm sau khi tui được minh oan, nhưng đến nay DN vẫn chưa thể hoạt động trở lại vì không còn vốn, các đối tác cũng e dè với mình hơn vì có người chưa tin tui vô tội”.
Sau khi được minh oan, bà Mai đã yêu cầu TAND tỉnh Quảng Trị bồi thường hơn 4,4 tỉ đồng, gồm tiền thiệt hại về tổn thất tinh thần và các tổn thất khác do bà bị bắt giam. Tuy nhiên, qua thương lượng, TAND tỉnh Quảng Trị không chấp nhận và bà Mai khởi kiện "Vụ án dân sự về bồi thường oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự" ra TAND huyện Đô Lương.
Theo phán quyết của TAND huyện Đô Lương, TAND tỉnh Quảng Trị phải bồi thường cho bà Mai hơn 3,041 tỉ đồng, gồm thiệt hại về tinh thần và các thiệt hại liên quan khác; buộc TAND tỉnh Quảng Trị trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bà Mai có sự tham dự của chính quyền địa phương. Sau phiên tòa này, TAND tỉnh Quảng Trị đã kháng cáo.
Luật sư Nguyễn Vinh Diện, Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự (Nghệ An) cho biết, theo luật định, sau 15 ngày kể từ ngày TAND huyện Đô Lương tuyên án, TAND tỉnh Quảng Trị có quyền kháng cáo. Hiện TAND tỉnh Quảng Trị đã kháng cáo nên bản án sơ thẩm là chưa có hiệu lực. Trong thời hạn tối đa 2 tháng hoặc vụ việc phức tạp thì 3 tháng, cấp phúc thẩm (TAND tỉnh Nghệ An) phải có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc quyết định tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ vụ án... Trường hợp vụ án này, nếu TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử phúc thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực ngay sau khi tuyên án. Nếu TAND tỉnh Quảng Trị không tự nguyện thi hành bản án, bà Mai có quyền yêu cầu Thi hành án (THA) Quảng Trị thực hiện thủ tục THA. Trường hợp nếu TAND tỉnh Quảng Trị không đồng ý với bản án phúc thẩm thì vẫn phải THA nhưng họ có quyền khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm lên TAND tối cao và Viện KSND tối cao. Hai cơ quan này sẽ ra quyết định không kháng nghị hoặc sẽ kháng nghi bản án. |
Khánh Hoan
>> Ai sẽ bồi thường cho người thụ án oan?
>> Những vụ án oan thấu trời xanh - Kỳ 1: Nếu lỡ tử hình thì sao đây?
>> Những vụ án oan thấu trời xanh - Kỳ 2: Hung thủ sa lưới, người ngay vẫn trầy trật minh oan
Bình luận (0)