Trong phiên tranh tụng diễn ra khoảng 2 giờ rưỡi đồng hồ ngày 25.4, đa số các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ có vẻ như không đồng ý với những lập luận do phía luật sư đại diện cựu Tổng thống Trump trình bày, vốn cho rằng cựu lãnh đạo Mỹ phải được hưởng "quyền miễn trừ tuyệt đối" cho các hành động trên vai trò tổng thống.
Tuy nhiên, các thẩm phán bảo thủ, giữ thế đa số 6-3 của Tòa Tối cao, bày tỏ quan ngại về việc các tổng thống không được hưởng bất kỳ quyền miễn trừ nào, đặc biệt đối với các hành vi ít nghiêm trọng hơn, theo Reuters hôm nay 26.4.
Thẩm phán Samuel Alito nói rằng việc các tổng thống đương nhiệm thua cuộc khi tái tranh cử sẽ phải rơi vào tình thế khó khăn nếu họ bị chính quyền kế nhiệm tiến hành truy tố.
"Chúng ta có thể quan sát trên khắp thế giới và tìm ra những đất nước diễn ra quy trình khi mà người thua cuộc bị đưa vào tù", thẩm phán Alito bổ sung.
Điều đó khiến giới quan sát khó đoán được Tòa Tối cao sẽ phán quyết như thế nào, nhưng ông Trump nhiều khả năng sẽ hưởng một phần quyền miễn trừ tổng thống.
Các đồng minh của Mỹ chuẩn bị ra sao cho khả năng "Trump 2.0"?
Trước đó, tòa cấp thấp hơn bác bỏ yêu cầu của ông Trump về việc ông được quyền miễn trừ tổng thống và không phải đối mặt xét xử theo cáo trạng của công tố viên đặc biệt Jack Smith liên quan đến cáo buộc hình sự tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020.
Một số thẩm phán nêu lên lo ngại về tác động sâu rộng của phán quyết đối với các tổng thống tương lai của nước Mỹ.
Tòa án Tối cao Mỹ có thể hoãn xử và trả lại cho tòa cấp thấp để đưa ra các phân tích kỹ lưỡng hơn về các cáo buộc mà ông Trump phải đối mặt.
Việc kéo dài quy trình tố tụng sẽ khiến các phiên tòa xử ông Trump khó diễn ra trước khi nước Mỹ bầu cử vào tháng 11.
Bình luận (0)