Tòa cho phép vợ ly hôn vì chồng không chịu xây toilet

21/08/2017 23:18 GMT+7

Một tòa án ở Ấn Độ vừa cho phép một người vợ ly hôn vì người chồng không chịu xây toilet.

Hãng tin AFP ngày 20.8 đưa tin hôm 18.8, tòa án gia đình ở thành phố Bhilwara, bang Rajasthan (Ấn Độ) đã ra phán quyết chấp thuận đơn ly hôn của một người phụ nữ 24 tuổi với lý do ông chồng không chịu xây toilet trong suốt thời gian năm năm chung sống.
Ông chồng nói rằng yêu cầu của người vợ là bất bình thường vì mọi phụ nữ ở làng quê nơi họ sinh sống đều đi vệ sinh ngoài trời.Tuy nhiên, tòa án xem hành động người chồng là “độc ác”. Thẩm phán Rajendra Kumar Sharma nói rằng phụ nữ ở các làng quê của Ấn Độ thường phải “nín” cơn đau bụng và đợi cho đến khi trời tối để đi ra ngoài giải tỏa “nỗi buồn” vì trong nhà không có toilet và điều này là một nỗi sĩ nhục đối với phụ nữ.
Bản tuyên án của tòa có đoạn: “Chúng ta chi tiền mua thuốc lá, rượu, điện thoại di động nhưng lại không muốn xây toilet để bảo vệ phẩm giá của gia đình chúng ta”.
Luật sư của người vợ trên cho biết việc đi vệ sinh ở ngoài trời sẽ khiến phụ nữ cảm thấy xấu hổ và việc khước từ người vợ một môi trường an toàn cho nhu cầu vệ sinh như vậy chẳng khác nào hành hạ cô ấy.
Đây không phải là lần tiên hôn nhân sụp đổ ở Ấn Độ chỉ vì câu chuyện xung quanh cái toilet. Năm ngoái, một phụ nữ từ chối kết hôn với vị hôn phu ở bang Uttar Pradesh vì người chồng tương lai này không chịu xây toilet.
Tháng 6.2017, một phụ nữ bỏ đi khỏi nhà chồng ở bang Uttarakhand và cho biết chỉ quay trở về khi họ xây toilet.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), gần phân nửa người dân Ấn Độ, tức khoảng gần 600 triệu người, phải đi vệ sinh ngoài trời. Khoảng 70% hộ gia đình Ấn Độ không có toilet mặc dù 90% dân số Ấn Độ được tiếp cận điện thoại di động.
Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mở cuộc vận động nhằm xây dựng toilet ở mọi hộ gia đình Ấn Độ vào năm 2019.
Kể từ đó cho đến nay, có 20 triệu toilet đã được xây dựng ở Ấn Độ. Các chuyên gia nói rằng việc đi toilet ngoài trời không chỉ do túng thiếu tài chính mà còn do quan niệm của nhiều người dân Ấn Độ cho rằng xây toilet trong nhà là mất vệ sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.