Tọa đàm trực tuyến: Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội
Sau tình trạng chen lấn bất kể ngày đêm xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội (NOXH) và sự kiện khoảng 1.500 người tập trung xếp hàng bốc thăm trúng suất mua NOXH ở TP.Hà Nội, có thể thấy nhu cầu của người dân hiện nay đối với phân khúc này quá lớn.
Đáng tiếc là nhiều năm qua vấn đề thiếu nguồn cung NOXH vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải. Nhất là những ngày gần đây, tại Hà Nội, dư luận lại nóng lên vì người dân chen lấn nộp hồ sơ mua căn hộ NOXH dự án NHS Trung Văn (P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm) bất kể ngày đêm. Quá đông người nộp hồ sơ, ngày 20.5 vừa qua, dưới thời tiết oi bức, buổi bốc thăm mua NOXH NHS Trung Văn được tổ chức tại Nhà thi đấu Q.Cầu Giấy với khoảng 1.500 người đến bốc thăm giành quyền mua gần 150 căn hộ. Tỷ lệ chọi bốc thăm căn hộ NOXH được ví như thi lên cấp 3 vào trường công.Khi nhu cầu quá cao, liền xuất hiện một số đối tượng “cò” rao mua, bán suất ngoại giao NOXH.
Tại Đà Nẵng, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp mua, bán, chuyển nhượng sai đối tượng…Phía sau câu chuyện này là gì? Như chúng ta đã biết, từ năm 2009, Chính phủ đưa ra chính sách phát triển NOXH, mục đích hướng tới đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp, cho sinh viên và người dân có thu nhập thấp đang sinh sống tại các đô thị. Đây là chính sách kinh tế nhưng cũng rất nhân văn nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2011, “Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Chính phủ đưa ra quy định những dành cho các đối tượng này để hỗ trợ. Ngày 3.4.2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, việc triển khai phát triển NOXH bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2021: Hà Nội chỉ xây dựng được 28.300/56.000 căn chỉ tiêu; tương tự: TP.HCM 21.200/69.700; Bình Dương 9.000/86.900, Long An 2.600/71.200.
Trong khi đó nhu cầu cụ thể: Hà Nội 136.000 căn, TP.HCM 345.000 căn, Long an 310.000 căn. Tức tỷ lệ xây dựng chỉ chiếm đâu đó khoảng 10-20% nhu cầu. Để làm rõ bức tranh về nhà ở xã hội, đề xuất các giải pháp lên Chính phủ, Quốc hội, ngày 31.5, Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm “Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội”.
Tham dự tọa đàm có: bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước; ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT; ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình; ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội.
Bình luận (0)