Tọa đàm 'Văn hóa Đọc và Phát triển Văn hóa Đọc' với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

21/04/2016 16:05 GMT+7

Hưởng ứng Ngày hội “Đọc sách và Bản quyền Thế giới” (23.4), Thư viện Trường Đại học (ĐH) Duy Tân đã tổ chức buổi Tọa đàm “Văn hóa Đọc và Phát triển Văn hóa Đọc” với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm vào ngày 20.4.2016.

Hưởng ứng Ngày hội “Đọc sách và Bản quyền Thế giới” (23.4), Thư viện Trường Đại học (ĐH) Duy Tân đã tổ chức buổi Tọa đàm “Văn hóa Đọc và Phát triển Văn hóa Đọc” với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm vào ngày 20.4.2016.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, TS Lê Nguyên Bảo (từ trái qua phải) phát biểu tại tọa đàm và chụp hình lưu niệmGS.TSKH Trần Ngọc Thêm, TS Lê Nguyên Bảo (từ trái qua phải) phát biểu tại tọa đàm và chụp hình lưu niệm
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm hiện là Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, kiêm Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam.
Buổi tọa đàm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo môi trường để phát triển văn hóa đọc tại ĐH Duy Tân, giúp cho giới trẻ thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập.
Đọc sách để nâng đỡ tâm hồn
Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức và nâng cao khả năng tư duy. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay thì mọi người trong xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng đang ngày càng có xu hướng thờ ơ với việc đọc sách. Bởi vậy, trong buổi tọa đàm với sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐH Duy Tân, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã có những phân tích sâu sắc về mục đích, vai trò của việc đọc sách cũng như bàn về thực trạng Văn hóa Đọc hiện nay ở Việt Nam. Qua đó, Giáo sư đã chỉ ra những kinh nghiệm bổ ích trong việc lựa chọn những cuốn sách có chất lượng, các phương pháp đọc sách khoa học, bổ ích,vàcách thức vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được từ việc đọc sách vào đời sống một cách hiệu quả nhất,…
Nhận định về tầm quan trọng của Văn hóa Đọc, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết:“Mục đích của Văn hóa Đọc là để con người sống tốt hơn, chất lượng hơn, giúp nâng đỡ tâm hồn và hoàn thiện cuộc sống. Hiện nay giới trẻ hầu như thích Nghe và Nhìn hơn là Đọc, nhưng nếu các bạn biết cách kết hợp giữa Văn hóa Nghe, Nhìn với Văn hóa Đọc thì sẽ đạt được những kết quả tích cực trong việc giải quyết các vấn đề cuộc sống. Tôi đánh giá cao sự đầu tư của ĐH Duy Tân trong việc phát triển nguồn sách cho thư viện cũng như những nỗ lực của nhà trường trong việc phát triển Văn hóa Đọc sâu rộng đối với giới trẻ”.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã phân tích thêm về những Hệ giá trị Văn hóa Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp như: lạc quan, yêu đời, lòng biết ơn,… bên cạnh những biến động của Hệ giá trị Việt Nam truyền thống trong giai đoạn hiện đại với những tính cách “xấu xí” của người Việt. Các giảng viên và sinh viên Duy Tân đã chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến Văn hóa Đọc và Hệ giá trị Văn hóa Việt Nam, cách giữ gìn truyền thống tốt đẹp và tránh xa thói hư, tật xấu trong thời buổi hội nhập,…
Thư viện ĐH Duy Tân: Kho tài liệu phong phú
Nhận thức rõ tầm quan trọng của sách, ngay từ những ngày đầu thành lập, ĐH Duy Tân đã chú trọng quan tâm và đầu tư mạnh cho việc phát triển hệ thống thư viện.
Từ khoảng 2.000 đầu sách khi mới thành lập đến nay, Thư viện Duy Tân đã có một sự phát triển nhảy vọt với gần 58.000 bản sách bằng nhiều thứ tiếng trải đều trên các lĩnh vực chuyên môn khác nhau với hai cơ sở phục vụ rộng rãi bạn đọc, có tổng diện tích sử dụng lên tới 1.600m2. Đây được đánh giá là kênh thông tin hữu ích giúp cho giảng viên và sinh viên trong toàn trường tiếp cận được với những nguồn kiến thức mới, “bắt nhịp” được với xu hướng phát triển của thế giới. Ngoài ra, thư viện ĐH Duy Tân còn được trang bị các sản phẩm công nghệ cao như: Amazon Kindle, Nook Tablet, hệ thống cổng từ, máy tính iMac, máy tính xách tay, máy đọc mã vạch,… cùng nguồn truy cập tự do vào các thư viện điện tử lớn như tailieu.vn, Vista, ProQuest, Springer,… để hỗ trợ tối đa cho người đọc và nghiên cứu.
Đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên, Thư viện ĐH Duy Tân đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch trao Bằng khen là 1 trong 15 tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động thư viện của các trường đại học giai đoạn 2011-2015. ĐH Duy Tân cũng là đơn vị duy nhất trong hệ thống các trường đại học ngoài công lập nhận được bằng khen này tại Hội nghị-Hội thảo Thư viện Đại học và Cao đẳng cả nước.
Khuyến khích sinh viên dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách, TS Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân - nhấn mạnh: “Sách là nguồn tài nguyên quý giá, mang đến cho chúng ta vốn kiến thức bất tận. Chính vì thế, rèn luyện cho mình thói quen đọc sách và đọc có hiệu quả là ‘chìa khóa’ để các em mở ra những chân trời mới với tương lai tươi sáng. Trong những năm tới, nhà trường sẽ đầu tư hơn nữa cho hệ thống thư viện, đẩy mạnh việc xây dựng Tủ sách Duy Tân cũng như xuất bản các giáo trình chuyên ngành,... nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Qua đó, góp phần phát triển Văn hóa Đọc ở ĐH Duy Tân, đồng thời tạo môi trường thư giãn, giải trí lành mạnh cho giới trẻ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.