Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử như thế nào?

04/04/2016 10:01 GMT+7

Sáng nay (4.4), TAND TP.HCM chính thức ra mắt Tòa gia đình và người chưa thành niên đầu tiên.

Sáng nay (4.4), TAND TP.HCM chính thức ra mắt Tòa gia đình và người chưa thành niên đầu tiên.

Chung quanh sự kiện này, ông Chu Thành Quang (ảnh), quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học - TAND tối cao, đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.
Ông Quang cho biết đây là tòa chuyên trách theo mô hình giải quyết các tranh chấp vụ việc liên quan đến hôn nhân - gia đình theo bộ luật Tố tụng dân sự; người phạm tội chưa đủ 18 tuổi hoặc người phạm tội đã đủ 18 tuổi nhưng bị hại là người dưới 18 tuổi; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án đối với người chưa thành niên...
“Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ là mô hình tòa thân thiện, không khô khan, cứng nhắc”, ông Quang nói.
Trong một xã hội phát triển, ly hôn không là ghê gớm nhưng chia tay như thế nào cho văn minh thì đó là cái hay cần làm, sẽ được khai thác ở tòa gia đình
Ông Chu Thành Quang

Ly hôn là chuyện nhỏ, nuôi con mới là chuyện lớn
* Thưa ông, tại sao cần lập mô hình tòa chuyên trách về gia đình?
- Có một vụ án ly hôn xảy ra tại Hà Nội, khi đó người mẹ sống và làm việc tại Hà Nội, bố ở nước ngoài. Khi ra tòa, thẩm phán hỏi người con muốn ở với ai thì đứa con không nói. Lúc này, thẩm phán mới đưa một tờ giấy cho người con, bảo “con muốn gì ghi ra đây không phải nói”.
Khi vào phòng nghị án và đọc tờ giấy, vị thẩm phán đã rơi nước mắt khi người con nói lên những nỗi lòng, tình cảm của mình: con muốn ở cùng ba mẹ con nhưng vì không được nên con đành chịu. Con sẽ cố gắng học thật tốt để trở về chăm sóc cho mẹ con... Bản thân người lớn chúng ta, ngồi phiên tòa đã thấy căng thẳng, phát khiếp thì hỏi sao trẻ nhỏ không sợ.
Ở Hàn Quốc có một hình thức phát tờ rơi mà chúng ta có thể học hỏi, nội dung thể hiện “chúng ta không còn là vợ chồng nhưng chúng ta vẫn là cha mẹ”. Đặc biệt, khi giải quyết tranh chấp này, bên cạnh yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật, cần bảo đảm yếu tố tình cảm, truyền thống của dân tộc, đạo lý, tập quán. Trong một xã hội phát triển, ly hôn không là ghê gớm nhưng chia tay như thế nào cho văn minh thì đó là cái hay cần làm, sẽ được khai thác ở tòa gia đình.
* Để giải quyết tốt vụ việc, các thẩm phán sẽ được hỗ trợ những gì, thưa ông?
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho ngày ra mắt Tòa gia đình và người chưa thành niên đầu tiên, Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết: “Về nhân sự , TAND TP.HCM đã sẵn sàng 18 thẩm phán, 18 thư ký chuyên trách được đào tạo tất cả những kiến thức, kỹ năng cần thiết; về cơ sở vật chất, do điều kiện trụ sở chính đang trùng tu, không có phòng làm việc nên TAND TP bố trí Tòa gia đình và người chưa thành niên cùng trụ sở với Tòa kinh tế tại số 26 Lê Thánh Tôn, Q.1”.

- Sẽ có phòng tư vấn - hòa giải với nhiệm vụ tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình, về hậu quả nặng nề sau ly hôn, trách nhiệm của cha mẹ với con là người chưa thành niên. Có phòng giám sát tâm lý trẻ là nơi tòa án quan sát, đánh giá về tâm lý, tình cảm của trẻ em trong những vụ án ly hôn có tranh chấp nuôi con để quyết định, cha mẹ được tạo cơ hội tiếp xúc với con cái để tòa án quan sát, đánh giá là sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng.
Trong phòng còn có sách, đồ chơi trẻ em phù hợp với lứa tuổi để trẻ có cảm giác gần gũi, tự tin bộc lộ cảm xúc trong phòng, được trang bị thiết bị cần thiết để quan sát, đánh giá từ phía tòa án; phòng trợ giúp y tế.
Người dưới 18 tuổi không phải cứ phạt tù là tốt
* Còn “chuyên trách về người chưa thành niên” thì sẽ giải quyết được những vấn đề gì?
- Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng nhận thức, kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình. Do đó, người chưa thành niên dễ phạm tội do bị chi phối bởi tác động bên ngoài và thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ chín chắn. Tòa chuyên trách người chưa thành niên sẽ giúp các em có những thay đổi về suy nghĩ, hành động. Từ đó, không chỉ cứ bỏ tù là xong mà cần có các biện pháp xử lý nhân văn hơn.
* Phòng xử án có gì thay đổi với mô hình các tòa khác?
- Phòng xử án cũng sẽ phù hợp với tính chất của tòa chuyên trách như với vị trí bị cáo chưa đủ 18 tuổi sẽ được đứng gần với vị trí của người đại diện cho họ, người bào chữa để được hỗ trợ, tạo tâm lý tự tin cho bị cáo trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng.
* So với các tòa chuyên trách khác, tòa người chưa thành niên sẽ có điểm khác biệt?
- Đúng vậy. Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến độ tuổi này, có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Hội thẩm phải có một giáo viên hoặc người của Đoàn thanh niên, hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tòa chuyên trách mới này ngoài những người tiến hành tố tụng chuyên trách được đào tạo chuyên nghiệp thì sẽ có thêm nhân sự khác như thẩm tra viên, trợ giúp viên, điều đình viên, có trách nhiệm thu thập và cung cấp các thông tin ngoài luồng vụ việc để thẩm phán cân nhắc trước khi đưa ra quyết định xử lý đối với họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.