Tòa 'ngâm' án

29/11/2013 09:00 GMT+7

Đối với nhiều người, việc nhờ tòa án phân xử là chuyện cực chẳng đã, nhưng hành trình tố tụng nhiêu khê, kéo dài càng mệt mỏi hơn.

Tòa "ngâm" án

 Minh họa: DAD

Xử rồi lại hoãn !

 

Theo thống kê của TAND tối cao, năm 2012 toàn ngành còn gần 900 vụ án để quá hạn giải quyết. “Mặc dù số lượng các vụ án để quá thời hạn giải quyết đã giảm nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để”, TAND tối cao nhìn nhận trong buổi họp triển khai công tác năm 2013.

Vừa gặp luật sư của ông N.T.P, nghe luật sư than: “Nếu không kiện ra tòa, bây giờ mọi việc đã xong rồi”. Hỏi ra mới biết vụ kiện của ông N.T.P đơn giản chỉ xin hủy hợp đồng cho thuê nhà. Ông P. khởi kiện vụ việc ra TAND Q.10 (TP.HCM) từ ngày 20.12.2010 khi hợp đồng còn hạn. Đến ngày tòa mở được phiên xử (14.6.2013) thì hợp đồng thuê nhà đã hết hạn từ 1.6.2013. Luật sư lắc đầu ngao ngán: “Nếu ông P. không khởi kiện thì đến nay hợp đồng thuê nhà này cũng hết hạn. Đương nhiên, các bên sẽ thanh lý hợp đồng: bên cho thuê sẽ nhận lại nhà, bên thuê sẽ nhận lại tiền cọc. Tuy nhiên, vì vụ việc đã đưa ra tòa nên mọi việc phải chờ phán quyết của tòa và đến khi hợp đồng hết hạn rồi, ông cũng không nhận được nhà. Trong khi đó người thuê thì cứ ở miễn phí với lý do đang tranh chấp!”.

Phiên xử căng thẳng từ đầu, nhiều giải pháp tháo gỡ cũng như hòa giải được đưa ra. Nhưng đến trưa, xuất hiện tình tiết mới: người thuê nhà cho người thứ ba thuê lại 1 phòng nhưng tòa chưa lấy lời khai. Cuối cùng, phiên tòa sơ thẩm mới được mở lại tạm hoãn để chờ xác minh thêm và đến nay vẫn chưa có lịch xử.

Tương tự, ngày 7.7.2010, Huỳnh Tom Vũ (tên gọi khác là Huỳnh Hữu Thông, 52 tuổi, Việt kiều Mỹ) nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam yêu cầu bồi thường thiệt hại 80.000 USD.

Sau gần 2 năm khởi kiện, ngày 18.4.2012, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm. Theo trình bày của ông Huỳnh Hữu Thông tại tòa, tháng 6.2009, do mắt phải bị mờ, ông Thông đến khám tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn (địa chỉ 100 Lê Thị Riêng, trực thuộc hệ thống của Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam). Bác sĩ của bệnh viện cho rằng mắt của ông bị đục thủy tinh thể và đề nghị mổ phaco, chi phí 7,9 triệu đồng. Tuy nhiên, sau ca mổ, ông Thông không nhìn thấy ánh sáng nhưng các bác sĩ bệnh viện này cho rằng tình trạng mắt của ông như vậy là bình thường. Thấy vẫn bất ổn, ông Thông đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám thì được chẩn đoán mắt ông bị loạn dưỡng giác mạc sau phẫu thuật, nếu không chữa trị kịp thời sẽ mù vĩnh viễn. Lo sợ, ông Thông quay trở lại Mỹ điều trị thay giác mạc khác.

Thế nhưng, đến ngày tuyên án thì tòa hoãn tuyên. Mãi đến 5.9.2012, tòa ra quyết định trưng cầu giám định nhưng đến nay vụ việc vẫn còn giậm chân tại chỗ. Ông Thông chỉ biết thở dài: “Tôi là một bệnh nhân ở nước ngoài về nước điều trị bệnh, điều kiện đi lại khó khăn, bất tiện trăm bề khi tòa ngâm án. Từ khi khởi kiện đến nay đã 3 năm mà chưa có phán quyết cuối cùng trong khi tôi chỉ biết chờ đợi mỏi mòn”.

Tòa “ôm” án 10 năm...

 

Theo khoản 1 điều 179 bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2011) quy định thời hạn chuẩn bị xét xử của vụ án dân sự là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn từ khi thụ lý đến khi đưa ra xét xử luôn bị kéo dài.

Phải mất một ngày tìm kiếm, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) mới lôi ra được tập hồ sơ phủ bụi mà ông thụ lý từ nhiều năm trước vì nhiều năm rồi tòa “quên xử”. Năm 2005, phía ông N.S.B và bà T.T.N thành lập một công ty tư vấn kiến trúc xây dựng và ký hợp đồng làm ăn với công ty khác. Họ cam kết nếu thương vụ thành công thì sẽ chia lợi nhuận theo tỷ lệ. Nhưng khi kết thúc hợp đồng, bà N. nói muốn chia lợi nhuận phải trừ các chi phí liên quan và bồi thường vì làm sai thiết kế. Tóm lại, theo bà N., là không có lãi nên không chia.

Cuối năm 2005, ông B. kiện bà N. ra TAND Q.10 (TP.HCM) đòi hơn 50 triệu đồng tiền lợi nhuận. Tháng 6.2006, TAND Q.10 đưa vụ kiện ra xét xử quyết định bà N. phải thanh toán cho ông B. hơn 50 triệu đồng. Sau đó, các bên kháng cáo. Tuy nhiên từ đó đến nay, vụ án vẫn “nằm im” tại TAND TP.HCM. Không biết bao nhiêu văn bản khiếu nại được gửi cho tòa đề nghị sớm được đưa ra xét xử nhưng vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ. 8 năm ròng rã theo đuổi vụ việc, 7 năm chờ án “ngâm tôm” khiến nguyên đơn buông xuôi.

Hy hữu hơn là vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế của ông L.V.N (ngụ Q.1). Theo ông N. trình bày, năm 2003 ông khởi kiện ông L.V.S và ông L.V.D đòi chia thừa kế 1 phần nhà đất ở P.9, Q.8 do ông ngoại để lại (thừa kế thế vị, do ba, mẹ của ông N. đã mất). TAND Q.8 thụ lý từ 11.12.2003. Năm 2012, tòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Chưa kịp vui mừng ông N. phải tiu nghỉu vì đang xét hỏi giữa chừng phiên tòa hoãn xử để thu thập thêm chứng cứ.

Vụ kiện đã qua 3 đời thẩm phán thụ lý và mỗi lần bàn giao từ thẩm phán này sang thẩm phán khác thời gian lại dài ra thêm để thẩm phán mới có thời gian tiếp cận vụ việc. 4 đời luật sư nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông N. đều chào thua, bỏ cuộc vì không thể thực hiện được yêu cầu đơn giản của thân chủ là “sớm đưa vụ kiện ra xét xử”. Đặc biệt, 2 bị đơn trong vụ kiện cũng lần lượt qua đời… Các sự kiện pháp lý mới cứ thế tiếp tục phát sinh theo chiều dài thời gian tòa thụ lý, hồ sơ lại dày thêm và chưa biết đến khi nào tòa thu thập chứng cứ xong.

Quang Hiển

>> Dân kiện tòa vì “ngâm” án
>> Ngâm án hơn 3 năm không xử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.