Tòa truất quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên có đúng luật?

Phan Thương
Phan Thương
30/03/2019 06:00 GMT+7

Dư luận đang đặt vấn đề về phán quyết của HĐXX khi giao toàn bộ cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ để ông Vũ nắm quyền điều hành Trung Nguyên có quá thẩm quyền?

[VIDEO] Tòa tuyên xử vụ ly hôn của vợ chồng Vua cà phê Trung Nguyên
Sau khi tòa tuyên án vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê”, nhiều người đặt vấn đề về phán quyết của HĐXX khi giao toàn bộ cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ để ông Vũ nắm quyền điều hành Trung Nguyên có quá thẩm quyền?
Cụ thể, tại phiên xét xử, chủ tọa Nguyễn Văn Xuân thay mặt HĐXX công bố bản án, nhận định theo luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) năm 2014, nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng là chia đôi, nhưng có tính đến công sức tạo lập, đóng góp và duy trì khối tài sản chung, từ đó HĐXX chia ông Vũ được 60% và bà Thảo được 40%.
Về nhận định giao 40% cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông Vũ sẽ hoàn tiền tương ứng 40% số cổ phần cho bà Thảo, HĐXX phân tích: Điều 64 luật HNGĐ quy định vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
[VIDEO] Các khoản tiền “khủng” trong vụ ly hôn của vợ chồng “Vua cà phê” Trung Nguyên
“Theo điểm 4 khoản 4 điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/ của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Tư pháp "bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập" là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần trị giá tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy xét công sức của ông Vũ trong việc tạo lập, hình thành, phát triển Trung Nguyên, cần thiết giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu 40% cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán phần chênh lệch tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo, có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự”, HĐXX lập luận.

Tòa làm đúng

[VIDEO] Lập luận của tòa khi chia 60/40 tài sản vợ chồng “Vua cà phê” Trung Nguyên
Liên quan đến định giá giá trị cổ phần chung của vợ chồng “vua cà phê” tại 7 công ty, quá trình thụ lý vụ án, TAND TP.HCM đã trưng cầu một hội đồng định giá tài sản để định giá. Tại tòa, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ thống nhất đồng ý với kết quả định giá, tổng giá trị cổ phần chung là hơn 5.654 tỉ đồng.
Bình luận về bản án và lập luận nêu trên của tòa, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, cho rằng các lập luận của tòa đều dựa trên các quy định HNGĐ. Đồng thời điều 213 bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định “tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án".
“Cổ phần cũng là tài sản chung của vợ chồng và khi phát sinh tranh chấp tài sản thì HĐXX giải quyết án HNGĐ sẽ là bên quyết định. Nếu một trong các bên không đồng ý thì có quyền kháng cáo bản án. Mặt khác, bản thân Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty thuộc tập đoàn đã có một bản án tranh chấp quyền điều hành giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Thảo; giữa ông Vũ và bà Thảo thường xuyên phát sinh các vụ kiện về kinh doanh thương mại, điều này làm doanh nghiệp (DN) khó hoạt động. Hơn nữa, phải thừa nhận vấn đề người sáng lập và đi đầu, nắm vai trò chủ yếu phát triển Tập đoàn Trung Nguyên là ông Vũ, giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần và hoàn tiền cho bà Thảo vẫn đảm bảo quyền lợi của bà Thảo và xuất phát vì lợi ích của DN”, ông Tiến phân tích.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cho biết trong án HNGĐ, HĐXX sẽ giải quyết 3 vấn đề, gồm tình cảm, con chung và chia tài sản. “Tài sản bao gồm bất động sản, động sản và tài sản có giá khác. Cổ phần chính là tiền góp vốn của hai bên vào DN, khi phát sinh tranh chấp thì cổ phần của hai bên là tài sản chung của vợ chồng, không phải của cá nhân ai nên thẩm quyền giải quyết là tòa dân sự là đúng”, LS Hậu nêu.
LS Hậu dẫn chứng khoản 3 điều 38 quy định tòa kinh tế có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về kinh doanh, thương mại và phân tích thêm: “Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại gồm những tranh chấp giữa pháp nhân và pháp nhân riêng, hoặc giữa pháp nhân và thể nhân độc lập. Còn cổ phần trong vụ này là tài sản chung trong hôn nhân, vì vậy HĐXX phân chia theo tỷ lệ và giao cho một bên quản lý, và hoàn tiền cho bên kia là phù hợp”.
Tương tự, LS Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) nêu: “Luật DN quy định cổ phần cá nhân sẽ do người đó quyết định, nhưng phải xác định cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên là tài sản chung của vợ chồng, không phải cổ phần của cá nhân ông Vũ hay bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nên tòa dân sự giải quyết là đúng, sau đó tòa tuyên cho một bên quản lý, và hoàn tiền cho bên kia là chuyện bình thường”.

Chỉ nên dừng ở việc quyết tỷ lệ

[VIDEO] Tòa đọc nhầm khiến án phí vụ “Vua cà phê” ly hôn từ 8 tỉ lên hơn 80 tỉ?
Trong khi đó, LS Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn LS TP.HCM, nêu luật DN quy định việc chuyển nhượng vốn là cổ phần thì do chính người nắm cổ phần quyết định, vì vậy tòa tuyên luôn giao cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ là sai, trái với quy định luật DN, làm thiệt hại đến quyền lợi của bà Thảo.
“Cổ phần sẽ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cổ đông đang sở hữu cổ phần đó. Muốn chuyển nhượng cổ phần này không ai có quyền phán quyết mà phải thực hiện theo trình tự thủ tục của luật DN. Trong phạm vi xét xử của tòa dân sự về án HNGĐ thì tòa chỉ nên dừng lại ở mức độ là chia tài sản, tức chia cổ phần chung theo tỷ lệ. Trường hợp sau khi tòa phán quyết chia tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40%, ông Vũ muốn tước quyền cổ đông của bà Thảo thì phải thông qua thủ tục nội bộ đại hội cổ đông và bằng quyết định của HĐQT. Khi đó, bà Thảo không đồng ý với quyết định của HĐQT thì các bên sẽ giải quyết tranh chấp tại tòa kinh tế”, LS Hưng nêu ý kiến.
Tương tự, một thẩm phán Tòa Kinh tế TAND TP.HCM cho hay, chia tài sản chung trong hôn nhân là thẩm quyền của tòa dân sự nhưng khi tài sản là cổ phần, liên quan đến quyền lợi cổ đông thì thẩm quyền của tòa chỉ nên dừng lại chia tài sản chung là cổ phần ấy như thế nào. Còn sau khi chia thì cổ phần đã chia đương nhiên là tài sản riêng của người được chia, lúc đó việc chuyển nhượng cổ phần riêng là quyền của cá nhân sở hữu cổ phần đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.