Mất bình tĩnh khi bị đề nghị án tử hình
Hôm 15.11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như: thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn hối cả, tự nguyện đưa ra phương án khắc phục hậu quả toàn bộ vụ án, bị cáo có nộp thêm khoảng 3.000 tỉ đồng...
"Tuy nhiên, bị cáo Lan chưa đủ điều kiện được giảm nhẹ hình phạt đối với hai tội danh tội tham ô tài sản và tội đưa hối lộ", Viện kiểm sát nêu.
Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, để phạt bị cáo Trương Mỹ Lan y án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ.
Đồng thời, Viện kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận 1 phần kháng cáo của bị cáo Lan, tuyên phạt từ 16 - 18 năm tù, về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (sơ thẩm 20 năm tù). Tổng hình phạt chung mà bị cáo Lan bị đề nghị là án tử hình cho cả 3 tội danh. Ngoài ra, bị cáo còn bị đề nghị bồi thường cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 673.000 tỉ đồng.
"Nếu bị cáo không nói chắc bị cáo sẽ ngất tại chỗ. Đến hôm nay nếu tiếp tục giữ mức hình phạt như thế thì bị cáo không còn tâm trí nào, tinh thần bị cáo bấn loạn", bị cáo Trương Mỹ Lan run rẩy nói trước tòa.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin tòa xem xét suốt 10 năm qua, bị cáo đã cống hiến rất nhiều cho SCB, không chiếm đoạt tiền của ngân hàng này.
"Gia đình bị cáo bây giờ cũng đã tan nát. Bị cáo thật sự đã rất ăn năn hối cải, đã nhận tội hết. Bị cáo chỉ xin tòa xem xét cho bị cáo một con đường sống. Xin cho bị cáo được đối chiếu với SCB một lần nữa", bị cáo Lan nghẹn ngào, lạc giọng khi bị đề nghị y án tử hình.
Xuất hiện tỉ phú mua dự án 6A ở H.Bình Chánh
Phiên tòa có diễn biến bất ngờ, chủ tọa phiên tòa thông báo cho luật sư lưu ý khi bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan vì phát sinh thêm 20 thửa đất mới của bị cáo tại Đồng Nai.
Cụ thể, hồi tháng 9, bản án giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã hủy một bản án của TAND tỉnh Đồng Nai liên quan đến phần tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo đó, có hơn 20 thửa đất do 2 người đang đứng tên giúp bị cáo Trương Mỹ Lan. Về vấn đề này, bị cáo Lan khẳng định tài sản này là của bị cáo bỏ tiền ra mua, không bị kê biên nên sẵn sàng đưa vào khắc phục hậu quả cho vụ án này.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Lan đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ cả 3 tội danh. Theo đó, luật sư đưa ra những tình tiết giảm nhẹ mới của bị cáo là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng như: tài trợ 25 triệu liều vắc xin Covid-19, mua máy thở cho các bệnh nhân, tiếp tế thực phẩm cho người dân trong giai đoạn bị phong tỏa…
Theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới. Tổng cộng bị cáo Trương Mỹ Lan đã nộp 15.000 tỉ đồng (bao gồm nộp cho ngân hàng). Thân chủ của bà đã được cơ quan thi hành án dân sự xác nhận 5.500 tỉ đồng, chứ không phải là khoảng 3.000 tỉ đồng như Viện kiểm sát nêu trong phần đề nghị mức án. Tính cả những tài sản của bị cáo, thì không những bị cáo có thể khắc phục toàn bộ hậu quả mà còn dư.
Luật sư Huyền Trang cho biết thêm, dự án 6A với diện tích 26 ha (H.Bình Chánh, TP.HCM) hiện chưa bị kê biên, cũng chưa bị thế chấp, đang do SCB nắm giữ. Dự án này hiện đã có tỉ phú Vincent Tan (người Malaysia) đồng ý đầu tư vào dự án. Sau khi trừ các chi phí, bị cáo còn dư 20.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Còn tòa nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội), luật sư Huyền Trang cũng đề nghị tòa xem xét tạo điều kiện để giúp bị cáo khắc phục hậu quả. "Nếu bị cáo được áp dụng hình phạt tù chung thân, thì dễ khắc phục cho Nhà nước nhanh chóng thu lại tài sản thiệt hại", luật sư Trang nói.
Ngoài ra, luật sư Giang Hồng Thanh bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho rằng thân chủ của ông có rất nhiều tài sản. Nếu áp dụng theo quyết định mới của UBND TP.HCM về bảng giá đất, thì tài sản của bị cáo tăng lên rất nhiều lần so với định giá cũ tại giai đoạn điều tra, giúp bị cáo khắc phục được hậu quả cho vụ án.
Luật sư đề nghị tòa tránh đi vào vết xe đổ cũ
Luật sư Lê Hồng Nguyên (người bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB) không đồng tình với phương án giao vật chứng là tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan cho bị hại SCB xử lý. Luật sư ví dụ trong các vụ án khác, nếu như bị cáo chiếm đoạt ô tô thì phải có nghĩa vụ trả cho bị hại. Tuy nhiên, trong vụ án này, các bị cáo chiếm đoạt tiền, nên việc giao tài sản cho bị hại xử lý là không phù hợp.
Cũng theo luật sư Hồng Nguyên, trước đây, trong vụ án Epco Minh Phụng, có tổng số nợ hơn 6.000 tỉ đồng, sau đó cơ quan chức năng giao nhà xưởng, máy móc, tài sản giao cho ngân hàng xử lý. Dù đã 20 năm qua, nhưng tài sản này vẫn chưa khắc phục được... Bởi theo luật sư, việc giao tài sản cho ngân hàng nhưng không đem bán đấu giá mà sử dụng vào các chi nhánh ngân hàng. Do đó, luật sư đề nghị tòa "không đi vào vết xe đổ cũ".
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Minh Tâm, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại SCB đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu trên của luật sư Lê Hồng Nguyên. Bởi theo luật sư Tâm, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn không bị tòa sơ thẩm tuyên buộc phải bồi thường cho SCB, nên việc bào chữa của luật sư Nguyên là không hợp lý.
Bất ngờ Viện kiểm sát bị SCB từ chối cung cấp hồ sơ
Trong quá trình nghe các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị SCB cung cấp thông tin để làm rõ trước khi 3 ngân hàng hợp nhất thì nợ cũ của SCB là bao nhiêu, tổng số tiền ngân hàng cho rằng dư nợ thì có bao nhiêu tiền vay để đảo nợ, bao nhiêu tiền bị cáo Lan rút ra... Về vấn đề này, đại diện SCB hứa sẽ cung cấp bằng văn bản.
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư của bị cáo Chu Lập Cơ (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, chồng của bị cáo Lan)… cũng đề nghị SCB cung cấp một số tài liệu liên quan đến khoản vay tại SCB và các vấn đề khác. Đề nghị này đã được chủ tọa phiên tòa chấp nhận.
Tuy nhiên, bất ngờ hôm 21.11, luật sư Nguyễn Minh Tâm, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại SCB từ chối không cung cấp những tài liệu theo yêu cầu của Viện kiểm sát và các luật sư. Vì theo luật sư Minh Tâm: "Tất cả đã được xác định trong hồ sơ. Các bị cáo kháng cáo liên quan đến quyền lợi của mình thì sử dụng tài liệu trong hồ sơ".
Cũng theo luật sư Minh Tâm: "Trong phiên phúc thẩm, chúng tôi nhận thấy sự chuyển hóa nhận thức của bị cáo Trương Mỹ Lan nên đề nghị tòa cần ghi nhận và ghi nhận cả việc bị cáo cam kết chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho SCB".
Bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội cả 2 giai đoạn
Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 4 của TAND TP.HCM, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, trong 10 năm (từ 2011 - 2022), bị cáo Lan đã chỉ đạo các cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm bị cáo hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Khi SCB bị thanh tra, bị cáo Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), Trưởng đoàn thanh tra. Đồng thời, bị cáo Lan chỉ đạo Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa 5,2 triệu USD hối lộ cho Nhàn.
Ngoài vụ án trên, hôm 17.10, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm còn bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Tòa phạt bị cáo Lan tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân về 3 tội danh: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); tội rửa tiền (12 năm tù); tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (8 năm tù).
Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.800 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại. Lý do bị cáo Lan và 33 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỉ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỉ đồng.
Bình luận (0)