Toàn cảnh chi phí quốc phòng của thế giới

22/04/2011 08:50 GMT+7

(TNTS) Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính khởi đầu từ mùa thu năm 2008 cuối cùng cũng tác động mạnh đến ngân sách quốc phòng của phần lớn các nước châu u. Đây là báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu những vấn đề quốc tế Stockholm - SIPRI.

Theo số liệu thống kê của SIPRI, năm 2010, ngân sách quốc phòng (NSQP) của các nước châu u giảm 2,8%. Trong khi đó, các quốc gia Nam Mỹ, châu Á lại tăng chi cho quân đội của mình.

Tổng NSQP toàn thế giới năm 2010 theo đánh giá của SIPRI là 1.630 tỉ USD, tăng 1,3% (20,6 tỉ USD) so với năm 2009. Trong đó Mỹ chiếm phần lớn nhất là 19,6 tỉ USD khi NSQP của cường quốc này tăng 2,8%. Nếu không tính Mỹ, chi phí cho quốc phòng toàn thế giới trong năm 2010 chỉ tăng 0,1%.

 
Tàu sân bay Ark Royal - Ảnh: Reuters 

Nhưng nếu tính cả Mỹ thì tốc độ tăng của NSQP năm 2010 là thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo thống kê của SIPRI, từ năm 2001 - 2009, trung bình chi phí quốc phòng thế giới tăng 5,1%/năm.

Bên tăng

Khủng hoảng kinh tế - tài chính không gây ảnh hưởng tới nền quốc phòng các nước châu Á, Nam Mỹ và châu Phi. Các quốc gia tại ba châu lục này không bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, tuy kinh tế phát triển có chậm lại. Chính vì thế, các nước Nam Mỹ trong năm 2010 vẫn tăng chi NSQP 5,8%, còn châu Phi - 5,2%. Các quốc gia Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương tăng NSQP lần lượt là 2,5% và 1,4%.

Theo đánh giá của SIPRI, đáng ngạc nhiên là các quốc gia Nam Mỹ lại tăng NSQP.  Bởi phần lớn các nước thuộc khu vực này kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, không có những đe dọa về quân sự. Dù vậy, các quốc gia Nam Mỹ năm 2010 chi 63,3 tỉ USD cho vũ khí, tăng 3 tỉ so với năm 2009. Trong số này, riêng Brazil đã chiếm 2,4 tỉ USD.

 

Như vậy, Brazil trong năm 2010 tăng NSQP 9,3% so với năm 2009. Có lẽ cường quốc bóng đá này đang muốn đóng vai trò lớn hơn trong khu vực. Những năm gần đây, Brazil đã nâng cấp hàng loạt các cơ sở công nghiệp quốc phòng và mua của nước ngoài nhiều vũ khí, khí tài kể cả trực thăng, tàu ngầm, tiêm kích. Tuy thế, trong năm 2011 này, Chính phủ Brazil sẽ cắt 2,41 tỉ USD giảm NSQP xuống còn 15,165 tỉ USD.

Tại Nam Mỹ, ngoài Brazil còn có Peru tăng NSQP lên 15% (2,15 tỉ USD) và Colombia tăng 7,2% (10,7 tỉ USD). Theo SIPRI, hai quốc gia này tăng chi cho quân đội chủ yếu nhằm giữ gìn an ninh trong nước.

Các quốc gia châu Phi trong năm 2010 chi cho quốc phòng 30,1 tỉ USD. Điều này cho thấy vài năm qua kinh tế châu lục đen phát triển khá ổn định. Các quốc gia chi cho quốc phòng năm 2010 nhiều nhất là Angola (tăng 19,2%), Nigeria (14,6%), Ma-rốc (6,6%) và Angeria (5,7%). Đáng chú ý là Nam Phi luôn là quốc gia chi mạnh cho quốc phòng, nhưng năm ngoái lại cắt giảm 2,04%.

 
AS532 Cougar - Ảnh: Wikimedia

Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 có tổng chi NSQP là 317 tỉ USD. Chi mạnh nhất là Indonesia (tăng 28%), Mông Cổ (26%), Philippines (12%), Bangladesh (11%). Việc tăng chi quốc phòng cho thấy các quốc gia này bắt đầu nâng cao tiềm lực quân sự của mình. Indonesia đang đẩy mạnh việc mua sắm vũ khí trên thị trường thế giới. Trong khi đó Đông Timor cắt giảm chi phí quốc phòng 51%, Sri Lanka giảm 14% và Thái Lan là 12%.

Sau cùng các nước vùng Trung Đông chi 111 tỉ cho NSQP năm 2010. Theo SIPRI, chi mạnh nhất có Ả Rập Xê-út, tăng 3,9% (1,6 tỉ USD), Iraq tăng 12% (4,9 tỉ USD), Li-băng tăng 9,7% (1,6 tỉ USD).

Bên giảm

Ngược lại, các nước châu u lại giảm 2,8% NSQP, xuống còn 382 tỉ USD. Trong đó các nước phương Tây giảm 2,5%, Đông u giảm 1,3%, còn Trung u và Nam u giảm 5,5%. Giảm NSQP nhiều nhất là Bulgaria (28%), Latvia (26%), Georgia (25%), Moldova (24%) và Estonia (23%). Các nước này chịu tác động khá lớn của khủng hoàng kinh tế - tài chính thế giới.

 
Tornado F3 - Ảnh: Reuters

Cắt giảm các chương trình quân sự rõ nhất còn thấy ở Anh và Hà Lan. Hà Lan hủy bỏ kế hoạch mua 60 tăng Leopard, 2 tàu tuần dương, 4 tàu phóng thủy lôi, 17 trực thăng AS532 Cougar và máy bay vận tải DC-10, 19 tiêm kích F-16 Fighting Falcon. Anh cắt giảm chi cho hạm đội và một số vũ khí, như hàng không mẫu hạm Ark Royal, máy bay tiêm kích Tornado F3, máy bay do thám Nimrod MRA4, 2.798 xe thiết giáp các loại …

Phần lớn các nước châu u đều có thể cắt giảm NSQP, bởi nhiều nước trong số này thuộc khối NATO. Hơn nữa, các nước này không có mối đe dọa quân sự nào. Một số nước đồng minh của Mỹ cũng có thể cắt giảm chi phí quân sự để củng cố nền kinh tế. Bởi Mỹ hằng năm đều cố tăng NSQP.  Chẳng hạn, năm 2010, chi phí quân sự của Mỹ là 698,3 tỉ USD, chiếm 42,8% tổng chi quốc phòng của thế giới. Đứng ngay sau Mỹ là châu u với 23%.

Nga trong năm 2010 có chi phí quân sự là 58,7 tỉ USD, giảm 1,4% so với năm 2010. Nói là giảm bởi tỷ giá giữa đồng rúp/USD có biến động, nên khi SIPRI quy đổi cho kết quả như thế. Nhưng nếu chỉ tính bằng rúp, năm qua Nga chi NSQP là 1,8 nghìn tỉ rúp, tăng 5,2% so với năm ngoái. Sự biến động về tỷ giá và khi quy đổi một đồng nội tệ nào đó sang đồng USD theo cách tính của SIPRI sẽ gây ra sự tăng giảm về NSQP đối với một quốc gia. Chẳng hạn, theo đánh giá của SIPRI, NSQP của Anh năm 2010 là 59,6 tỉ USD, giảm 0,8%. Nhưng nếu tính bằng đồng bảng, thì NSQP của Anh năm qua là 38,5 tỉ, tăng 3,7%. Mặt khác, đảm bảo tính chính xác khi đánh giá là khó, nhưng SIPRI quy đổi tỷ giá đã tính đến yếu tố lạm phát, trượt giá nên có thể nói số liệu thống kê của tổ chức này là khá tốt.

SIPRI cũng đưa ra bảng thống kê 10 nước có mức chi ngân sách quốc phòng lớn nhất trên thế giới tính bằng USD. Trong đó cho thấy mức tăng giảm theo phần trăm đối với NSQP của từng nước. Cũng cần nói thêm, các số liệu này SIPRI công bố vào ngày 11.4.2011. Đây là lần công bố cuối cùng, trước khi tổ chức này đưa ra bản công bố chính thức hằng năm vào tháng 6.2011.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.