Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng trước ngày xét xử: Những nhân vật bị 'gọi tên'

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng trước ngày xét xử: Những nhân vật bị 'gọi tên'

Yến Thi
Yến Thi
20/09/2023 20:01 GMT+7

Được một nhóm dân mạng tung hô là 'người hùng', được coi là thần tượng, sau các livestream tự cho là 'bóc phốt' hàng loạt người nổi tiếng, bà Nguyễn Phương Hằng có thể đã dần nhầm tưởng về quyền lực của bản thân trên không gian mạng, có những lời lẽ được xác định là xúc phạm nhiều người rồi tự đẩy mình vào vòng lao lý.

Ngày 24.3.2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự; đồng thời khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng để điều tra.

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng trước ngày xét xử: Những nhân vật bị 'gọi tên'

Livestream 'gọi tên' nhiều cá nhân

Theo hồ sơ vụ án, từ khoảng tháng 3.2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân, gồm: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (luật sư, nhà báo), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), vợ chồng bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và ông Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Việt Hà.

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng trước ngày xét xử: Những nhân vật bị 'gọi tên' - Ảnh 1.

10 người bị bà Nguyễn Phương Hằng xúc phạm trên livestream

YẾN THI

Phân công, chuẩn bị kỹ lưỡng

Cơ quan điều tra xác định, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội hàng chục lần, trong đó: 27 lần tại nhà riêng ở quận 3 (TP.HCM); 12 lần tại Khu du lịch Đại Nam; 7 lần trên ô tô và nhiều lần khác tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 (tỉnh Bình Dương); 1 lần tại thành phố Hà Nội.

Để thực hiện các buổi livestream gây chấn động mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng giao cho đội ngũ 'hậu cần' chuẩn bị. Những người này cũng được xác định là đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng trong vụ án.

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng trước ngày xét xử: Những nhân vật bị 'gọi tên' - Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (trái) và Lê Thị Thu Hà (phải)

Bà Nguyễn Phương Hằng giao bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (là trợ lý của bà Hằng) lập các tài khoản TikTok và các Fanpage Facebook để thông báo chủ đề, lịch livestream của bà Hằng và đăng tải các bài viết theo yêu cầu của bà Hằng. Sau khi được bị can Nguyễn Phương Hằng cho biết chủ đề, bị can Nhi sẽ chuyển cho bị can Huỳnh Công Tân đánh máy lại và sau đó đưa cho bà Hằng trước buổi livestream. Thông báo số người xem, số người like và bình luận cho bị can Hằng biết.

Bị can Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), được phân công sắp xếp sân khấu, bố trí nơi đặt máy quay, lập Fanpage Facebook để thông báo chủ đề, lịch livestream của bà Hằng và đăng tải các bài viết theo yêu cầu của bà Hằng.

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng trước ngày xét xử: Những nhân vật bị 'gọi tên' - Ảnh 3.

Bị can Huỳnh Công Tân

Trong khi đó, bị can Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam), được phân công quản lý và phát livestream cho bà Hằng qua các kênh YouTube, dẫn chương trình, đọc bình luận và chèn các hình ảnh minh họa theo yêu cầu của bị can Hằng khi livestream.

3 bị can này dù không có mâu thuẫn với những cá nhân bị nêu tên nhưng do là nhân viên và hưởng lương của Nguyễn Phương Hằng nên liên tục thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bị can Hằng.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Bà Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh sẽ đến tòa

Mời nhiều người 'phụ họa'

Trong các buổi livestream, trò chuyện, bà Nguyễn Phương Hằng thường mời một số khách mời tham gia để 'phụ họa' khi xúc phạm một số cá nhân.

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng trước ngày xét xử: Những nhân vật bị 'gọi tên' - Ảnh 4.

Bị can Đặng Anh Quân trong một buổi livestream

Trong đó, bị can Nguyễn Phương Hằng cho rằng giữa Đặng Anh Quân (là tiến sĩ luật, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM) và bản thân là những người có kiến thức, hiểu biết pháp luật, có trình độ chuyên môn cao, bị can Quân là người cùng chí hướng và cùng quan điểm với mình, nên bà mời ông Đặng Anh Quân tham gia bình luận, tương tác trực tiếp về các nội dung bị can Hằng đã phát ngôn trong 11 buổi livestream từ tháng 10.2021 đến tháng 3.2022.

Đến nay, sau hơn 18 tháng khởi tố vụ án và 4 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 21 và 22.9.2023, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm về tội 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân', khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù.

Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa trong các bản tin sau.

Toàn cảnh vụ án Nguyễn Phương Hằng trước ngày xét xử: Phía sau những livestream đình đám



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.