Quang Toán (SN 1979) hiện sống ở Quảng Bình. Đến nay, Toán có 7 năm gắn bó với hoạt động vì cộng đồng. Đó là quãng thời gian Toán trả lời thắc mắc của nhiều người đặt ra: “Cậu bị khuyết tật như thế, tình nguyện làm gì? Người ta không tình nguyện giúp cậu thì thôi chứ!”.
|
Toán là trẻ sinh ra bị thiếu tháng, nặng chưa đầy 1kg, phải nằm trong lồng kính. Ngày ấy, thiết bị y tế chưa hiện đại như bây giờ nên không ít người đã nghĩ tới chuyện cậu bé khó ở được. Sự lo lắng càng đè nặng lên ba mẹ Toán khi cơ thể cậu phát triển không bình thường. Đầu to dần mà chân tay Toán tong teo. Ba tuổi nhưng Toán chỉ nằm một chỗ. Năm tuổi, Toán mới lẫm chẫm bước những bước đi đầu tiên nhưng với sự trợ giúp của chiếc xe gỗ 4 bánh.
Đến tuổi đi học, nhìn đôi chân yếu ớt của Toán, cả gia đình đều buồn lo. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, biết bao lần bố Toán nhẫn nại chở đứa con khát khao được đi học đến gõ cửa các trường ở TP Huế để xin vào học. Mãi tới năm 10 tuổi Toán may mắn được trường tiểu học Lý Thường Kiệt, thôn Vĩ Dạ (TP Huế) nhận vào học lớp 1. Hết năm học này, gia đình Toán chuyển về Quảng Bình sinh sống.
Niềm vui được cắp sách đến trường của Toán nhanh chóng thay bằng những khó khăn. Không có người đưa đón, Toán phải chống nạng đến lớp. Chân tay yếu, Toán té ngã liên tục nên vết chầy xước này chưa lành đã bị những vết mới chồng lên. Chưa hết, Toán thường bị chúng bạn trêu chọc nên có những lúc cậu học sinh khuyết tật muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của bố, Toán lại tiếp tục đi học và không ngừng phấn đấu.
Hằng ngày, Toán tự tập luyện cho đôi thêm cứng cáp. Cậu vin vào cạnh bàn, cạnh ghế để tập đi. Mỗi lần như vậy, cả người Toán túa mồ hôi nhễ nhại, đôi chân bé tí lại rung lên run rẩy. Kiên trì tập luyện, Toán đã tự bước đi mà không cần tới đôi nạng gỗ. Mười mấy năm vất vả, Toán tốt nghiệp phổ thông, kết thúc khóa học trung cấp chuyên nghiệp về Tin học tại trường Trung cấp Kỹ thuật Công nông nghiệp (Quảng Bình). Toán tiếp tục học và tốt nghiệp hệ tại chức ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Khát khao sẻ chia
|
Với triết lý “Cuộc sống là tinh thần và tấm lòng”, Toán tham gia tất cả hoạt động từ thiện của diễn đàn Quảng Bình online (QBO). Những bước chân tập tễnh, yếu ớt của Toán đã đi thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam tại huyện Bố Trạch; đến thăm tặng quà học sinh nghèo các xã vùng đệm của Phong Nha Kẻ Bàng; Toán cùng QBO tích cực tham gia cứu trợ lũ lụt tại Quảng Bình năm 2010…
|
Ngoài QBO, Toán còn tham gia nhiều chương trình từ thiện khác như Chút tình san sẻ cuối năm của diễn đàn Câu cá Quảng Bình. Chính anh là người kết nối tổ chức chương trình Công dân toàn cầu (VTV3) trao tặng áo phao, cặp phao, phao cứu sinh cho học sinh thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.
Quang Toán tham gia hoạt động thiện nguyện ngay cả những lúc tưởng chừng phải dừng lại để lo tìm việc ngày mới ra trường. Nhưng ở thời điểm khó khăn nhất, Toán vẫn cứ cơm nhà vác tù và hàng tổng, gắn mình với những chuyến đi, đến với nhiều vùng khó khăn giúp đỡ, trao quà cho những người nghèo khó.
Tháng 9-2011, Toán và các nhóm tình nguyện đến thăm và tặng quà cho bệnh nhân trại phong Phú Bình (Thai Nguyên); Cùng nhóm Ước mơ xanh Hà Nội thực hiện chương trình Tết yêu thương tại Bệnh viện Phong - Da liễu (Thái Bình)...
“Nghe nói trên cao nguyên đá Mèo Vạc, Đồng Văn đồng bào còn nghèo khó hơn nhiều ở quê Quảng Bình nên tôi muốn được lên để tận mắt chứng kiến và sẻ chia với mọi người”.
Toán hăng hái và nhẫn nại đi vận động, kêu gọi ủng hộ quần áo ấm cùng với các thành viên của trang web chatdocdacam.vn tổ chức chương trình Mùa đông ấm. Những ngày đầu năm 2011, Toán đã lên cao nguyên đá Mèo Vạc để tặng những phần quà ý nghĩa cho người nghèo.
Mong muốn thêm lần nữa trở lại Mèo Vạc, Toán đang cùng với các tình nguyện viên khác chuẩn bị quà tặng Xuân cho đồng bào nơi đây. Năm 2013, Toán cùng các bạn khuyết tật Quảng Bình hoàn thiện hồ sơ thành lập CLB khuyết tật để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Toán chia sẻ, thời gian này anh cùng sinh viên hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức chương trình Đông ấm Hà Tĩnh tại 2 xã nghèo huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Theo Mai Xuân Tùng / Tiền Phong
>> Hơn 140 học sinh tình nguyện hiến máu nhân đạo
>> Hiến máu tình nguyện 16.12.2012
>> “Pru- Tình nguyện 2012” tiếp tục hướng về cộng đồng
>> Sôi nổi thảo luận hoạt động tình nguyện
Bình luận (0)