Toan tính của các bên xung quanh 'chảo lửa' Trung Đông

28/08/2024 05:30 GMT+7

"Chảo lửa" Trung Đông có vẻ như chưa đến nỗi bùng phát quá mức, nguyên nhân được đánh giá là vì sự kiềm chế bởi toan tính hiện tại của các bên liên quan.

Hôm qua, tờ The Guardian đưa tin Một số quan chức và phương tiện truyền thông Israel đã phản ứng hài lòng sau khi cuộc tấn công tên lửa do phong trào Hezbollah ở Li Băng tiến hành tuần trước đã bị cản trở hiệu quả nhờ các cuộc tấn công phủ đầu mà Israel tiến hành ở miền nam Li Băng. Người phát ngôn chính phủ Israel David Mencer cho biết Hezbollah đã phải hứng chịu một "đòn chí mạng" từ các cuộc tấn công của Israel nhưng vẫn cần một giải pháp lâu dài hơn.

Toan tính của các bên xung quanh 'chảo lửa' Trung Đông- Ảnh 1.

Hiện trường một khu vực ở nam Li Băng bị tấn công bởi Israel hồi tuần trước

Ảnh: Reuters

Liên quan tình hình khu vực, Reuters dẫn lời tướng Charles Quinton Brown Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận xét xung đột ở Trung Đông đã hạ nhiệt phần nào sau khi Hezbollah và Israel "ăn miếng trả miếng" mà không leo thang. Tuy nhiên, vị tướng này cũng cảnh báo rủi ro bùng nổ chiến sự ở khu vực vẫn chưa thực sự trôi qua.

Xung đột chưa thực sự leo thang ?

Trả lời Thanh Niên ngày 27.8, chuyên gia tình báo quốc phòng Mỹ Carl O.Schuster nhận xét: "Giao tranh ở Gaza và những nơi khác tại Trung Đông sẽ tiếp tục ở mức độ hiện tại cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Iran không muốn có những biến động xung đột ở khu vực dẫn đến ảnh hưởng kết quả bầu cử theo chiều hướng bất lợi cho nước này".

Theo ông Schuster, xung đột qua lại của Israel-Hezbollah hiện nay chưa thể xem là leo thang, mà mang tính tiếp diễn xung đột giữa 2 bên trong hơn 20 năm nay.

"Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah là một nhà lãnh đạo tính toán rất cẩn thận để đảm bảo cân bằng nhiều bên, từ Iran, Syria cho đến đồng minh chính trị của ông ở Li Băng. Lãnh đạo Nasrallah dựa vào Iran để có nguồn tài trợ, nhưng đồng thời cũng tranh thủ cộng đồng Sunni và Cơ đốc giáo ở Li Băng để có sự ủng hộ trong nước. Nếu khiêu khích Israel tấn công quy mô lớn như đã làm vào năm 2006, ông Nasrallah sẽ mất đi sự ủng hộ của những cộng đồng Sunni và Cơ đốc giáo ở Li Băng. Tuy nhiên, ông cũng cần tiến hành các cuộc tấn công vào Israel để không đối diện nguy cơ bị mất đi sự hỗ trợ tài chính và hỗ trợ quân sự của Iran. Cả hai mặt vừa nêu đều có ý nghĩa quan trọng để ông Nasrallah giữ vững vị thế chính trị ở Li Băng. Ngoài ra, nếu không trả đũa Israel vì các cuộc tấn công vào lực lượng Hezbollah, ông Nasrallah sẽ mất quyền lãnh đạo", vị chuyên gia phân tích.

Vì vậy, chuyên gia Schuster cho rằng nhà lãnh đạo Nasrallah không có nhiều chọn lựa, đồng thời cần cẩn thận trong cuộc xung đột hiện tại, điều chỉnh hành động để cân bằng các bên.

"Ngược lại, các nhà lãnh đạo Israel dường như cũng có toan tính tương tự, chủ yếu tấn công vào các cơ sở quân sự và các đơn vị của Hezbollah trực tiếp tham gia tấn công Israel, chứ không nhắm vào toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự và chính trị Hezbollah", cựu đại tá Schuster đánh giá.

Nguy cơ căng thẳng vào cuối năm

Phân tích rộng hơn tình hình khu vực, vị chuyên gia chỉ ra: "Mặc dù một số chuyên gia đã tuyên bố rằng lực lượng Houthi ở Yemen vẫn không bị tổn thất do các cuộc tập kích của Mỹ cùng đồng minh, nhưng thực tế Houthi đã thu hẹp các cuộc tấn công trong tháng qua. Việc tập kích của Houthi vào các tàu trên biển Đỏ cũng đã xảy ra với tần suất thấp hơn cũng như quy mô nhỏ hơn. Nguyên nhân có thể là vì bị tổn thất nguồn lực. Nếu Iran hỗ trợ cho Houthi thì vẫn cần thêm thời gian. Ngoài ra, không giống như Mỹ, Israel sẽ sử dụng vũ lực áp đảo chống lại các cơ sở quân sự và nơi trú của lãnh đạo Houthi nếu nhóm này tấn công Israel, nên Houthi cũng cần dè chừng".

"Bản thân Iran không có khả năng tấn công trực tiếp Israel ở mức độ gây thiệt hại lớn. Chính vì thế, các lực lượng thân Iran có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc tấn công quân sự, gây áp lực lên người dân và lãnh đạo Israel. Và mức độ tấn công, xung đột có thể gia tăng từ giữa tháng 11, sau khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ", ông Schuster đánh giá.

Giá dầu tăng do căng thẳng Trung Đông

Giá dầu tăng vọt trong ngày 26.8 do căng thẳng leo thang ở Trung Đông, theo AFP. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 3,0%, lên hơn 81 USD/thùng. Đến ngày 27.8, giá dầu thô giảm nhẹ nhưng vẫn giữ được phần lớn mức tăng của ngày 26.8.

Thị trường dầu mỏ cũng đang phản ứng với việc chính quyền Libya có trụ sở ở phía đông nước này hôm 26.8 tuyên bố sẽ đóng cửa các mỏ dầu do mình kiểm soát, tạm dừng mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu cho đến khi có thông báo mới. Động thái này của chính quyền đóng tại TP.Benghazi, kiểm soát hầu hết các mỏ dầu của Libya, được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi chính phủ Libya được LHQ công nhận có trụ sở tại TP.Tripoli thay thống đốc ngân hàng trung ương vào sáng 26.8.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán ngày 26.8 có lúc tăng lúc giảm, sau đợt tăng ngày 23.8, khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell ra tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.