‘Tóc dài’… nhảy dù nơi 'hoa vàng trên cỏ xanh'

24/06/2019 16:47 GMT+7

“Tôi đi học nhảy dù cách đây 1 năm ở Câu lạc bộ Hàng không phía Nam. Lúc đi học, người ta đã cảnh báo tôi rằng, đây là một môn chơi mạo hiểm nhưng có khả năng… gây nghiện rất cao”.

Đó là chia sẻ của chị Võ Thị Mỹ Hiền, khi kể về “những cú nhảy dù đầu tiên lao ra không trung ở độ cao gần 1000 m và rơi ổn định trong 3 giây ngắn ngủi đó trước khi mình tự tay mở dù”. Theo chị Hiền, “nói quá lên một chút, tôi như chợt bắt gặp lại tôi trong giây phút ấy vậy. Tôi đã chính thức nghiện bộ môn nhảy dù kể từ giây phút ấy!”.
Khi nghe có đợt huấn luyện nâng cao tại Tuy Hòa (Phú Yên) dành cho học viên câu lạc bộ nhảy dù, chị Hiền đã không chần chừ đăng ký ngay. Chị kể: “Lúc đầu chợt nghĩ sẽ có gần 3 tuần trải qua đời sống ăn ngủ, sinh hoạt, huấn luyện, học tập như một lính không quân thứ thiệt khiến tôi không thể ngăn nổi cảm xúc hồi hộp xen lẫn háo hức. Nghe nói đời sống quân ngũ khắt khe lắm. Đã thế còn được huấn luyện nhảy dù tập trung nữa. Và tôi hình dung "tóc dài nhảy dù" sẽ có những trải nghiệm vô cùng lạ lẫm, mới mẻ và thú vị nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc lẫn cam go, thử thách”.
[VIDEO] Cận cảnh màn nhảy dù từ độ cao 1.000 mét cực phiêu
Nắng và gió Tuy Hòa mùa hạ đón “‘tóc dài nhảy dù” này… bằng sự giòn giã đặc trưng của vùng đất hoa vàng cỏ xanh. Vác ba lô trên vai bước chân vào Trung đoàn Không quân 910, chị Hiền còn mang theo hàng tá những câu hỏi của bạn bè và người thân: “Tại sao là nữ mà lại chọn môn chơi nhảy dù từ trực thăng, một hoạt động được xem là nguy hiểm nhất trong các môn chơi thể thao mạo hiểm hiện nay?”. “Thật tình tôi cũng không biết nữa. Trả lời theo kiểu trào lưu hiện nay thì là mình thích thì mình chơi thôi! Nhưng nó không đơn giản như vậy”, chị chia sẻ.
Khi bóng tối vẫn còn choàng phủ khắp nơi, những "tóc dài nhảy dù" đã thức dậy để bắt đầu hành trình nhảy dù mỗi ngày của họ. Họ phải ăn sáng lúc 3 giờ 45 sáng. Sau đó ra bãi dù để chuẩn bị cho các thao tác cần thiết: khám sức khoẻ, khởi động, kiểm tra lại trang bị nhảy dù, tập dượt lại các động tác cho thuần thục và trong tư thế sẵn sàng chờ đến lượt nhảy V.T.M.H
Một "tóc dài nhảy dù" chia sẻ: "Bạn biết không, mỗi cú nhảy chỉ kéo dài vài phút thôi nhưng để được làm một chiến binh trên không, sẵn sàng cho một cú nhảy hoàn thiện nhất, cần một sự chuẩn bị kỹ càng cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Dài hạn thì là thể lực và ý chí, sự gan lì của bản thân. Ngắn hạn như bạn thấy đấy, để có thể leo lên máy bay lúc 5 giờ 30 sáng, chúng tôi đã thức dậy từ 3 giờ cho mọi công tác chuẩn bị" V.T.M.H
Trước khi thực hiện nhảy dù, học viên phải đi ngủ sớm, luôn giữ tâm trạng trong sự thoải mái, cân bằng nhất có thể. Vì nhảy dù có cái gì đó tựa như bắn cung vậy. Tâm bình khí hòa mới có cú nhảy "chất" được... V.T.M.H
Hành trang của "tóc dài nhảy dù" cũng không hề gọn nhẹ. Tất cả tư trang, dụng cụ... đều được chuẩn bị đầy đủ, an toàn để đảm bảo cú nhảy thành công từ trên không trung V.T.M.H
Khi đứng trước cửa máy bay, chính là lúc học viên đang sẵn sàng cho điều hoàn thiện nhất và cũng là lúc sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất. Sẵn sàng cho điều hoàn thiện nhất là gì? Là đã trong tư thế, trạng thái tâm lý sẵn sàng cho một cú nhảy ra khỏi máy bay hoàn hảo nhất. Còn sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất? Vì bộ môn nhảy dù luôn tiềm ẩn những bất trắc không lường trước, nên học viên đồng thời cũng trong tư thế sẵn sàng ứng phó, xoay chuyển khi có tình huống xảy ra V.T.M.H
"Tôi đã đi. Đã thấy. Đã nghe. Đã chạm. Đã sống. Đã nhảy. Đã là một thành viên của đoàn dù. Và tôi rất tự hào về điều đó!" V.T.M.H
Vì mỗi ngày đều được rèn luyện ở trong 2 trạng thái đối nghịch sinh tử như vậy, nên người nhảy dù ngày càng trở nên vững vàng, lạc quan hơn, bản lĩnh hơn. Điều này cũng có thể lý giải tại sao, lính dù thường sống rất vui vẻ, yêu đời, hiên ngang, khí khái và khi làm gì, họ cũng làm hết mình V.T.M.H
"Khoảnh khắc đứng trước cửa máy bay và lao ra ngoài không trung là cảm giác đáng sợ nhất, đỉnh cao nhất trong suốt quá trình nhảy dù. Có một điều tôi rút ra được là đừng bao giờ tỏ ra thông minh và kiềm giữ bất kỳ điều gì khi đứng trước cửa máy bay! Tôi luôn được các thầy nhắc đi nhắc lại nhiều lần: hãy nhìn, cảm nhận và sống với cú nhảy của mình", một học viên chia sẻ V.T.M.H
Theo các học viên, hòa nhập chính là tinh thần chủ đạo của việc nhảy dù. Với người nhảy dù, cảm giác đi từ hồi hộp, lo sợ đến sung sướng chỉ tính bằng giây, bằng phút, thì cảm giác đứng trước cửa máy bay và lao ra ngoài không trung chỉ tính bằng khoảnh khắc V.T.M.H
"Khi mọi điểm tựa đều biến mất, điều duy nhất người ta còn lại lúc đó để trông cậy, bấu víu chính là bản thân mình. Đó là giây phút mình thật sự đối diện và hoà nhập với chính mình và với sự hiện hữu. Bạn không phải đối diện với cửa máy bay, bạn đang đối diện với chính bạn, nỗi sợ hãi, sự can đảm và giới hạn của chính bạn. Bạn phải là một với bước nhảy của mình. Nếu không, sẽ có đến 2 người nhảy cùng lúc: một con người “phải nhảy” và một con người bị kiềm giữ chưa kịp bung tỏa ở bên trong!" V.T.M.H
Và dù cho đã từng nhảy trước đó bao nhiêu lần, thì ở mỗi cú nhảy tiếp theo, các học viên lại tiếp tục đối diện với sự tươi mới, trọn vẹn và tràn đầy cảm xúc thêm một lần nữa. Không lần nào giống như lần nào! Đó chính là sự kỳ diệu của những cú nhảy. Và người ta bị... nghiện từ chính những trải nghiệm như vậy V.T.M.H
 
Theo kinh nghiệm của các học viên, nếu muốn học nhảy dù, thì ở phía Nam có thể đăng ký ở Câu lạc bộ Hàng không phía Nam (số 368 đường Tân Sơn, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM).
Câu lạc bộ chiêu sinh từ tháng 2 hàng năm, thủ tục gồm: lý lịch tư pháp số 1 hoặc số 2 (2 bản, tự chuẩn bị), đơn xin gia nhập hội viên Câu lạc bộ Hàng không phía Nam (1 bản, có mẫu sẵn), đơn xin học lớp nhảy dù (1 bản, có mẫu sẵn), bản sao Chứng minh nhân dân (còn thời hạn 15 năm) hoặc căn cước công dân (2 bản), ảnh 2x3 (4 ảnh).
Học phí năm 2019 là 8 triệu đồng/học viên. Thời gian học trong 2 tháng liên tục từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, học vào các ngày thứ 7 và chủ nhật (full day).
Chương trình huấn luyện: lý thuyết và thực hành. Lý thuyết: tính năng của dù, cách lái dù. Thực hành: cách ra khỏi cửa máy bay, cách đáp đất, cách gấp dù, xử lý bất trắc trên không và trên mặt đất, cách lái dù trong các điều kiện thời tiết khác nhau.
Yêu cầu đối với học viên: là công dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, độ tuổi từ 15 tuổi trở lên, có lòng đam mê yêu thích chinh phục bầu trời, thể lực tốt, tinh thần ổn định…
Khi học nhảy dù thuần thục xong, người học muốn nhảy trải nghiệm khi cần, thì đăng ký với câu lạc bộ nơi mình đã được đào tạo.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.