Có một số hoạt động hằng ngày mà ở đó tốc độ thực hiện chúng thực sự tác động đến sức khỏe.
Ăn quá nhanh
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ trong độ tuổi 40-50 ăn nhanh dễ bị béo phì hơn những người ăn chậm hơn. Theo Giáo sư Ian McDonlad thuộc Đại học Nottingham (Anh), ăn quá nhanh sẽ lấn át cơ chế thông báo cho não biết chúng ta đã no. Thông thường tín hiệu “ngừng ăn” sẽ đến được não bộ trong khoảng 20 phút kể từ khi bạn bắt đầu ăn. Nhưng khi ăn quá nhanh, bạn đã nhanh chóng ăn đầy bụng và rốt cuộc là bạn ăn quá nhiều.
Ngoài ra, việc ăn quá nhanh còn khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, vốn được cho có liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như thu hẹp thực quản, xuất huyết hoặc hội chứng tiền ung thư thực quản Barrett.
Nên làm gì? Bạn nên dành ít nhất 20 phút cho mỗi bữa ăn, hoặc có thể đứng lên vào một lúc nào đó trong khi ăn để kiểm tra xem mình đã no chưa.
|
Thở quá nhanh
Theo chuyên gia vật lý trị liệu Fiona Troup thuộc Tổ chức Six Physio (Anh), thông thường một người trưởng thành hít thở khoảng 10-14 lần/phút, nhưng người thở trên 20 lần/phút sẽ dễ dẫn đến cảm giác hết hơi và một số triệu chứng khác như ngứa ran ở ngón tay và xung quanh môi, tim đập nhanh, mệt mỏi, mất khả năng tập trung và hội chứng co thắt ruột kết.
Các triệu chứng trên cho thấy bạn đang hít thở bằng miệng thay vì hít thở sâu qua mũi. Điều này dẫn đến sự sụt giảm hàm lượng carbon dioxide trong máu, khiến khí ô xy không thể được giải phóng đến các cơ bắp và nội tạng. Hậu quả là gây tình trạng co thắt cơ, thường xảy ra tại ruột kết. Tuy nhiên, việc thở nhanh và thở hết hơi cũng có thể là dấu hiệu của bệnh phổi, nhất là hen suyễn và viêm phế quản.
Nên làm gì? Hãy đi gặp bác sĩ nếu khi nằm nghỉ ngơi mà bạn đếm được hơi thở của mình vẫn trên 20 lần/phút. Họ sẽ giúp bạn kiểm tra chức năng phổi và xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh.
Uống quá nhanh
Theo Giáo sư Paul Wallace thuộc Đại học London, nguy cơ từ việc uống rượu quá nhanh chính là việc cơ thể không kịp xử lý chất cồn. Việc này không những làm cho những người uống rượu sớm say túy lúy mà còn khiến cho họ khó phục hồi do nồng độ cồn tăng cao hơn khả năng chịu đựng của cơ thể.
“Mỗi người có cơ chế xử lý chất cồn ở tốc độ khác nhau tùy theo thể trạng, giới tính”, ông Wallace cho biết. Ngoài ra, uống nước hoặc các thức uống khác quá nhanh cũng gây cảm giác khó chịu, như ợ hơi và nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
Nên làm gì? Dùng một ít thức ăn trước khi uống rượu. Nên uống thật ít chất cồn và uống xen kẽ nhiều nước lọc.
Quyên Quân
Bình luận (0)