Tóc hay vẫn là tơ?

28/01/2018 07:37 GMT+7

Trong lời “Dẫn nhập” cuốn Từ điển âm từ cổ “Truyện Kiều” thời Nguyễn Du (NXB Hồng Đức, 2017, ảnh), tác giả Bùi Thiết có viết:

“Vấn đề mà chúng tôi theo đuổi là phục nguyên một số âm - từ mà chúng tôi cho rằng, vốn là của Nguyễn Du, cho đến nay đã biến hóa thành những âm - từ khác, không còn nguyên vẹn như 200 năm trước nữa. Do đó, chúng tôi cho rằng, muốn tìm về nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, trước hết là tìm về âm-từ-câu-chữ mà Nguyễn Du đã ký thác trong tác phẩm bất hủ của Thi hào”.
Nhưng đó chỉ là ý định và mục đích chứ trong thực tế thì chính Bùi Thiết đã “phản Nguyễn Du” ở không ít chỗ. Xin nói về việc Bùi Thiết sửa câu Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm (câu 782). Ông viết:
“Hầu hết các bản Truyện Kiều phiên quốc ngữ viết và đọc tơ chia rã (rũ) tằm là không đúng với âm vận cổ cũng như nghĩa câu thơ. Ý câu thơ khá rõ, lụy (lệ) rơi thấm ướt cả đá, còn đầu tóc thì rối bời bời như tơ vò” (trang 116). Và Bùi Thiết ghi câu này thành: Lụy rơi thấm đá tóc chia rối tằm. 
Thực ra, trước Bùi Thiết đúng 100 năm, trong Kim - Túy - tình - từ (Imprimerie Huynh - Kim - Danh, Saigon, 1917, trang 57), Phạm - Kim - Chi cũng đã phiên âm như thế rồi. Hẳn là Bùi Thiết hoàn toàn không biết đến (?) bản này, còn nếu đã biết mà không nhắc đến người đi trước thì ông phải bị phạt... thẻ vàng. Ở câu 782, Nguyễn Du đã dùng ý thơ trong một bài Vô đề của Lý Thương Ẩn (812 - 858) đời Đường. Đây là một bài thất ngôn bát cú mà hai câu thực (câu 3 và câu 4) là:
Xuân tàm đáo tử ti phương tận
Lạp cự thành hôi lệ thủy can
Dịch nghĩa:
Tằm mùa xuân đến chết mới hết tơ
(Chỉ khi) nến lụi tàn thì (những) dòng lệ mới hết chảy.
Chữ “ti” (= tơ) và chữ “lệ” trong hai câu này chính là xuất phát điểm của hai vế trong câu Kiều thứ 782. Trong câu thực thứ nhất, Lý Thương Ẩn đã sử dụng một hình thức tu từ gọi là song quan ngữ. Đây là một kiểu chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm, tương ứng với khái niệm mà tiếng Pháp gọi là calembour. Ở thời của Lý, chữ ti 絲 là tơ tằm đồng âm với chữ tư 思 là nhớ. Âm cổ Hán Việt của cả hai chữ ti và tư đều là “tơ” như trong tơ tằm, tơ lụa (đối với chữ ti) và tơ màng, tơ tưởng (đối với chữ tư) và trong Quảng vận (1008) thì cả hai chữ chẳng những cùng thuộc vận bộ chi 之 mà còn cùng thuộc tiểu vận ti do chữ tư đứng đầu nữa. Cho đến nay, trong tiếng Bắc Kinh và tiếng Quảng Đông, hai chữ ti và tư vẫn hãy còn đồng âm với nhau và đều đọc là [si]. Do tác dụng của song quan ngữ nên câu “Xuân tàm đáo tử ti phương tận” có nghĩa là “con tằm mùa xuân đến chết mới hết tơ” mà cũng có nghĩa là “thân tằm mùa xuân đến chết mới hết... nhớ nhung”. Chính là nhờ tác dụng của song quan ngữ nên mới ra cái ý “tương tư”, “nhớ nhung”.
Vậy chữ thứ nhất của vế thứ hai trong câu 782 chính là tơ chứ “tóc” thì liên quan gì đến con tằm?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.