(TNO) Cộng đồng hippie được biết đến với phong cách sống khác lạ so với số đông. Tự thuật dưới đây của một cô gái trẻ người Việt cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về thế giới của những người hippie.
Bob Marley - hình tượng âm nhạc lớn của cộng đồng hippie - Ảnh: AFP
|
Cộng đồng Việt Nam vài năm gần đây bắt đầu tiếp xúc nhiều với những cụm từ như “du lịch bụi”, “backpacking” (kiểu du lịch với chỉ một chiếc ba lô to đùng trên vai), “phượt”… Những cụm từ này đều hướng về phong cách du lịch không đi theo tour, không đặt khách sạn, không có kế hoạch chính xác giờ nào đi đâu làm gì, không hành lý cồng kềnh. Điểm quan trọng của phong cách du lịch này là càng rẻ càng tốt, đi một mình hoặc với một số người thân, tự mình tìm hiểu nơi đi nơi đến, tự dùng phương tiện cá nhân hoặc tự mua vé tàu xe địa phương, càng vất vả càng vui, không chen chúc nơi nổi tiếng…
Tuy có thể mới mẻ với số đông người dân Việt Nam, nhưng phong cách du lịch này là một phần của văn hóa hippie xuất thân từ phương Tây đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua. Vào thập niên 1940, sau hai cuộc chiến tranh thế giới và khủng hoảng kinh tế chỉ trong vòng 30 năm, cộng đồng phương Tây nhen nhúm phong trào phản kháng và giải phóng bản thân khỏi các giá trị xã hội cứng nhắc. Họ lo cho hiện tại và tương lai của một thế giới hỗn loạn, bạo lực và vật chất. Họ bắt đầu chia sẻ với nhau qua văn thơ và âm nhạc (The Beat Generation, Jazz) tại các “nhà café” (Coffee House) họ tự mở. Từ thời điểm này, họ bắt đầu được gọi là cộng đồng/văn hóa hippie. Hip là từ lóng tiếng Anh chỉ sự phức tạp/sâu sắc, phá cách, thời đại; hippie chỉ những người thuộc cộng đồng này.
Phong trào hippie phát triển, lan tỏa mạnh vào thập niên 1960, đặc biệt với những cuộc biểu tình hòa bình chống chiến tranh Việt Nam. Nhà tâm lý học người Mỹ Timothy Leary từng nói: "Hippie khởi đầu phong trào sinh thái học. Họ chiến đấu chống kỳ thị chủng tộc. Họ giải phóng những thành kiến khuôn mẫu về giới tính, khuyến khích sự thay đổi, tự hào và tự tin vào bản thân. Họ chất vấn chủ nghĩa vật chất máy móc. Trong bốn năm họ đã tìm cách chặn đứng được cuộc chiến tranh Việt Nam".
Vậy là Việt Nam đóng một vai trò lớn trong việc kéo cộng đồng hippie quốc tế lại gần nhau! Hippie trên toàn thế giới từ Mỹ, châu Âu, Mexico, đến New Zealand và Úc tổ chức biểu tình và các đại hội âm nhạc thể hiện sự chống đối và tức giận trước các vấn đề của thế giới như bạo lực, nạn phân biệt chủng tộc, nghèo khổ, bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng giới… Nổi bật nhất và được coi là đỉnh cao của “thời đại hippie” là đại nhạc hội Woodstock kéo dài 3 ngày vào tháng 8.1969 tại New York, Mỹ với nửa triệu hippie kéo về nhảy múa và ca ngợi sự chung sống hòa bình.
Cộng đồng hippie được biết đến với phong cách sống hoàn toàn khác lạ so với số đông. Họ coi trọng và sống gần gũi với thiên nhiên nên không sử dụng các sản phẩm hóa chất mà tự làm xà phòng, dầu gội đầu, quần áo từ tự nhiên và đa phần ăn chay. Trang phục của họ thường nhiều màu sắc trẻ trung vui mắt và rộng rãi để thoải mái vận động. Họ thường để tóc dài hoặc để “dreadlocks” (kiểu tóc dài cuốn thành từng lọn không cần gội) và đi chân đất để cảm nhận được nắng, gió và đất. Đối với họ thế giới là ngôi nhà chung và tất cả đều là gia đình nên họ thường cởi mở, vui vẻ và luôn sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với mọi người, kể cả người lạ. Họ thường không có nhiều của cải vì họ không thích sở hữu gì, thay vì dùng tiền mua bán họ thích trao đổi bằng hàng hóa hoặc bằng kiến thức, kỹ năng. Họ thích đi “lang thang” khắp thế giới để nhìn ngắm, trải nghiệm và chia sẻ tư duy lối sống hài hòa. Chính họ đã khởi nguồn cho phong cách du lịch bụi qua “Con đường Hippie” họ đi từ thập niên 1950 đến thập niên 1970. Một số lớn hippie đã đi đường bộ từ châu Âu (London, Amsterdam, Athens, Luxembourg) qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal bằng caravan (vừa xe vừa nhà), hitchhiking (đi nhờ xe), và đi bộ đường trường. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều hippie thế hệ cũ này ở độ tuổi 50, 60 vẫn sống tại các vùng như Kathmandu (Nepal), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và đặc biệt là Goa (Ấn Độ) - nơi cả trăm hippie sống, làm việc và vẫn tổ chức nhạc hội hằng tuần.
Hippie thế hệ trẻ làm tóc dreadlocks cho nhau
|
Dòng chảy văn hóa hippie chậm lại từ đầu thập niên 1980, có thể là do sự thay đổi tiến bộ hơn của xã hội, cũng có thể bởi cái gì lên đỉnh cao rồi cũng sẽ dần đi xuống. Nhưng ngày nay thế giới bắt đầu hình thành một thế hệ hippie mới, tiếp nối lối sống cởi mở, hòa bình và chia sẻ của thế hệ cũ, đồng thời kết hợp với những vấn đề thời đại. Bạn sẽ ít gặp các hippie trẻ lái xe đi lang thang khắp thế giới trong nhiều năm, một phần vì bây giờ có máy bay giá rẻ, một phần vì họ không còn tách biệt mình hoàn toàn khỏi xã hội như trước đây. Hippie ngày nay không chỉ thể hiện sự quan tâm trong nhóm mà dùng nhiều hình thức, đặc biệt là công nghệ thông tin để đưa ra cộng đồng những thông điệp về các vấn đề xã hội họ quan tâm như môi trường, tôn giáo, đạo đức… Bên cạnh reggae và country music (nhạc đồng quê), ngày nay hippie trẻ tụ hội ở nhiều lễ hội âm nhạc psytrance với hàng trăm ngàn người tham gia (rất nhiều điểm diễn ra quanh năm ở Mỹ, châu Âu, Israel, Nam Phi, Ấn Độ…). Ở những lễ hội này bên cạnh chia sẻ âm nhạc, nghệ thuật, họ luôn đề cao việc bảo vệ môi trường xung quanh và nhặt rác mọi nơi mọi lúc.
Nhiều người có quan niệm sai lầm cho rằng hippie là những người chỉ biết cả ngày ngồi hút cỏ, nghe nhạc, nói chuyện tầm phào và luôn “phẫn nộ” trước xã hội nhưng không làm được gì khác; sự thật là hippie trẻ càng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng, họ tìm hiểu văn hóa lối sống và tình cảm của mọi người để dung hòa và giúp đỡ khi gặp khó khăn, họ tham gia nhiệt tình và tổ chức nhiều hoạt động xã hội lớn. Trước một thế giới đa phần vẫn nặng vật chất và nhiều mâu thuẫn, nhiều luật lệ, văn hóa hippie thật sự giúp giải phóng tinh thần và tư duy của nhiều người, giúp họ sống thật hơn, đơn giản mà hạnh phúc hơn.
Boom festival - lễ hội âm nhạc psytrance lớn nhất thế giới
|
Tất nhiên không phải ai cũng sẵn sàng hoặc phù hợp với lối sống hippie. Nếu bạn là một người thích chia sẻ yêu thương, quan tâm đến mọi người, yêu và gần gũi với thiên nhiên, thích cười và hay cười, bạn là một hippie. Cái gì trở thành xu hướng cũng có điểm hay và điểm dở, hippie cũng vậy. Nhiều người coi trọng mặc quần áo thế nào, đầu tóc thế nào, cư xử thế nào cho giống hippie nhưng bản thân họ chưa hiểu và chưa sẵn sàng cho lối sống này. Điều đó cũng không có gì xấu, mỗi người chọn cho mình một cách sống riêng. Quan trọng là, như “tuyên ngôn” của người hippie, bạn sống không để thể hiện hay biểu diễn cho ai, mà sống để thật sự hiểu, để thật sự vui, thật sự chia sẻ và trân trọng cuộc sống này với tất cả mọi người, động vật, và cây cỏ xung quanh bạn.
Từ một cô gái trường làng, tôi đã bước vào thế giới hippie có phần tình cờ theo sau khóa thực tập ở New York. Tiếp theo tôi sẽ kể những trải nghiệm của mình, những đổi thay trong lối sống, trong tư duy khi từng bước dấn thân vào một thế giới mà ban đầu bản thân tôi chưa mấy hiểu biết. (còn tiếp)
Bình luận (0)