(TNO) Chuyến đi lần này của tôi là một hành trình hoàn toàn khác, hành trình không hướng ra ngoài mà hướng vào nội tâm. Một hành trình tìm hiểu và học yêu thương bản thân một cách trung thực và trọn vẹn.
>> Tôi bước vào thế giới hippie - Kỳ 4: Châu Phi của tôi
>> Tôi bước vào thế giới hippie - Kỳ 3: Ấn Độ huyền bí
>> Tôi bước vào thế giới hippie - Kỳ 2: Bob Marley là ai vậy ?
>> Tôi bước vào thế giới hippie - Kỳ 1: Cuồn cuộn trong lặng thầm
Lớp học tại Thiền viện Kopan, Kathmandu, Nepal
|
Cuối 2013, tôi quay lại sống ở Việt Nam sau nhiều năm “lang thang” thế giới. Tôi không biết mình sẽ làm gì, tôi không biết mình có thể hòa nhập được với cuộc sống ở đây không. Sự thật là nó không hề đơn giản, một năm sau tôi lại sắp xếp đồ đạc “lang thang” tiếp vì tôi chưa sẵn sàng dừng lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tôi bắt đầu đọc nhiều về thế giới “tâm linh”, và học được vô vàn bài học quý giá. Chuyến đi lần này của tôi không chỉ là sự di chuyển từ nơi này sang nơi khác, không chỉ là bắt chuyện làm quen với bạn bè mới từ khắp nơi, không chỉ là thử thách mình có thể đi bộ bao xa với ba lô nặng 15 ký, có thể chịu tắm nước lạnh cóng bao lâu, nhìn ngắm phân tích bao nhiêu về xã hội và văn hóa vùng miền… 3 năm lang thang trước đây đã cho tôi tất cả những điều đó. Và chuyến đi lần này là một hành trình hoàn toàn khác, hành trình không hướng ra ngoài mà hướng vào nội tâm. Một hành trình tìm hiểu và học yêu thương bản thân một cách trung thực và trọn vẹn.
Một lối sống - tư duy mới
Tôi không hề bàn về thế giới tâm linh của ma quỷ và thần thánh. Khái niệm spirituality tôi cảm thấy còn khá xa lạ với người Việt Nam, mặc dù thực ra lối sống của đa phần người Việt Nam lại rất gần gũi với khái niệm này. Giới trẻ tiên tiến ở nhiều nước dần xa rời lối sống vật chất, vì họ nhận ra nó không thật sự đem lại bình an và hạnh phúc bền lâu. Họ tìm đến spirituality - nơi họ tiếp nhận cách sống và tư duy khác. Spirituality là một cuộc chiến lâu dài chống lại lối suy nghĩ "ca ngợi bản thân” (self-cherishing thoughts), không chạy theo phục vụ danh lợi hay hạnh phúc cá nhân, mà đề cao sự thay đổi bản thân để hòa nhập và bình an trong cộng đồng (bạn có thể đọc thêm bài viết Văn hóa Hippie- dòng chảy thầm lặng). Ví dụ, một ai đó làm bạn tức giận. Bình thường, theo thói quen, bạn sẽ đánh giá người đó làm cái này hay cái kia sai, và vì thế bạn có lý do và quyền phản ứng một cách tiêu cực (tức giận, chỉ trích, xa lánh …).
Tuy nhiên, spirituality hướng bạn đánh giá bản thân chứ không đánh giá người khác. Vì sao bạn tức giận với họ? Bạn nghĩ bạn có thể làm việc đó tốt hơn người ta? Bạn nghĩ người ta không tôn trọng, hiểu hay thông cảm cho bạn? Người ta làm bạn đau, người ta làm bạn tổn thương? Dù là lý do gì đi chăng nữa, bạn sẽ luôn thấy suy nghĩ “ca ngợi bản thân” ở trong đó. Dường như với mỗi người chúng ta, bản thân ta là quan trọng nhất. Dường như tất cả mọi hành động và suy nghĩ chúng ta có đều hướng về lợi ích cho bản thân. Ở một mức độ cao hơn và “nghệ thuật” hơn, bạn yêu quý và quan tâm đến bạn bè và gia đình của mình, vì họ là hạnh phúc của bạn. Bạn không hẳn quan tâm đến hạnh phúc của người khác nếu họ không liên quan gì đến bạn… Bằng cách nhìn nhận và đánh giá bản thân này, dần bạn sẽ thấy mình rất ích kỷ và vụ lợi. Dần bạn thấy bạn tức giận người khác là lỗi của bạn chứ không phải vì người ta sai. Mục đích của cuộc sống dần trở thành để giữ hòa khí và giúp đỡ người khác khi cần, loại bỏ “ca ngợi cá nhân” và học ca ngợi người khác, loại bỏ cái khung sợ hãi “tôi bị thiệt, tôi không thể hạnh phúc nếu thiếu A B C” và học để thỏa mãn và hạnh phúc trong bất cứ trường hợp nào.
Tháng 11.2014 tôi sống ở Thiền viện Kopan, Kathmandu (Nepal) một tháng, học đạo Phật nguyên thủy Tibet. Mỗi tháng 11 hằng năm, Thiền viện Kopan tổ chức khóa học này cho người nước ngoài học về Phật giáo Tibet. Ngày càng nhiều người từ Úc, Canada, Mỹ, Nga, Châu Âu, Israel… đến học, độ tuổi từ 18 đến 60, cả nam và nữ. Tôi không theo đạo, và spirituality không phải là và cũng không đi theo một đạo nào. Tôi đi học Phật giáo Tibet để mở rộng hiểu biết và học những cách mới để loại bỏ suy nghĩ “ca ngợi cá nhân” của mình. Một trong những lời khuyên tôi thích từ Phật giáo là, dù trong hoàn cảnh nào, dù người khác làm gì, bạn cũng nên luôn tin rằng người ta đã cố gắng hết sức và làm chính xác điều người ta cần và có thể làm. Lời khuyên đơn giản nhưng vô cùng khó thực hiện, đặc biệt là khi bạn cảm thấy hành động hay lời nói của người kia ảnh hưởng lợi ích và hạnh phúc của bạn (nhưng đừng quên, bài học số 1 là không ai quyết định hạnh phúc của bạn ngoại trừ bản thân bạn). Chúng ta không biết về cuộc sống của nhau, dù là vợ chồng hay bạn thân hay cha mẹ con cái, chúng ta không ai có thể sống thay nhau hay nhìn thấu suy nghĩ của nhau. Tôi cho rằng ai cũng cố gắng sống theo cách họ hiểu là tốt nhất, là đem lại hạnh phúc. Dù họ có gây hại thế nào, đó cũng là cách họ hiểu để sống, phụ thuộc vào quá khứ tuổi thơ, gia đình, bạn bè, xã hội, học vấn, trình độ, hoàn cảnh hiện tại… Nếu bạn là họ, bạn cũng sẽ làm như vậy. Vì bạn không phải là họ, và bạn dựa theo một số quy tắc đạo đức nhất định (vì bạn có điều kiện học, hiểu, và áp dụng chúng) không có nghĩa bạn có quyền chỉ trích, coi thường và phản ứng tiêu cực với họ.
Tôi đã đặt câu hỏi “Nếu người ta phạm tội ác thì sao?”. Rõ ràng tôi có thể can thiệp. Nhưng lối suy nghĩ mới sẽ giúp tôi can thiệp theo kiểu khác. Không tách riêng tôi và người phạm tội, không phải tôi tốt hơn và bạn sai nên bạn phải nghe tôi, bạn phải chịu hình phạt. Tôi nhận thấy người làm điều “sai”, điều “xấu” xuất phát từ những suy nghĩ sai và hiểu lầm của họ (mà họ tin là đúng), và họ cũng phải chịu không kém dằn vặt, suy nghĩ, khổ sở… Với cách hiểu này tôi sẽ không có suy nghĩ “ca ngợi cá nhân”, tôi can thiệp vì tôi hiểu và cảm thông và thật sự muốn giúp đỡ.
Bình luận (0)