Tôi có ý kiến: Đừng để người Việt thêm xấu xí

07/03/2016 05:13 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên đăng tải bài viết Truy trách nhiệm công dân và Làm mất thể diện quốc gia trên số báo ra ngày 6.3.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên đăng tải bài viết Truy trách nhiệm công dânLàm mất thể diện quốc gia trên số báo ra ngày 6.3.

Người đi bộ tùy tiện băng qua đường - Ảnh: Phạm HữuNgười đi bộ tùy tiện băng qua đường - Ảnh: Phạm Hữu
Lỗi tại chúng ta
Người VN ra nước ngoài bị nhiều chuyện “bẽ mặt” lắm. Nếu là “hai lúa” trước những thứ hiện đại, văn minh thì dễ chấp nhận. Ở đây, người Việt luôn ồn ào, bát nháo, lộn xộn ở những nơi công cộng, các siêu thị, trung tâm mua sắm. Đừng thắc mắc vì sao người nước ngoài họ kỳ thị, ác cảm với người Việt. Nếu chúng ta có văn hóa, lịch sự, dễ thương thì dù mình còn nghèo người ta vẫn tôn trọng và chào đón nồng nhiệt. Lỗi là tại chúng ta.
Huỳnh Thị Yến Thi (P.4, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Nên truy trách nhiệm
Tôi đồng tình với việc truy trách nhiệm công dân. Mỗi công dân phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình mình và toàn xã hội. Trách nhiệm đó thể hiện ở việc tự hoàn thiện bản thân, ứng xử có văn hóa trong gia đình và ngoài xã hội. Một đất nước mà mỗi công dân đều tự ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội, đất nước… thì đất nước đó mới giàu và mạnh, được thế giới tôn trọng, quý mến. Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc là những đất nước đã làm được điều đó.
Trần Đức Tài (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM)
Hãy bắt đầu từ giáo dục
Hãy nhìn nền giáo dục của chúng ta từ sau năm 1975 đến nay sẽ thấy rất thiếu vắng việc dạy kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử xã hội cho công dân. 40 năm qua, đã bao thế hệ không được dạy phải xếp hàng, phải đi lại có trật tự, phải có văn hóa, thể hiện được văn hóa nơi công cộng… Như vậy thì làm sao hôm nay các bậc cha mẹ có thể dạy con họ không vứt rác bừa bãi, không chen lấn, xô đẩy… khi chính họ xem những chuyện đó là bình thường? Hãy bắt đầu từ giáo dục trong nhà trường, từ mẫu giáo để con cái sẽ “chỉnh” lại ba mẹ, cô chú…
Nguyễn Thị Kim Yến (TP.Phan Thiết, Bình Thuận)
Tuyên truyền mạnh mẽ
Đã đến lúc nhà nước, toàn xã hội cùng chung tay để tuyên truyền việc ứng xử có văn hóa, văn minh nơi công cộng, trên đường đi… Tình trạng lộn xộn trên đường phố, bát nháo, vô văn hóa nơi công cộng diễn ra ngày càng nhiều và có chiều hướng xấu một cách rõ rệt. Nếu không sớm phát động phong trào, tuyên truyền phổ biến để người dân nâng cao ý thức ứng xử nơi công cộng thì hình ảnh VN chúng ta sẽ ngày càng xấu hơn trong mắt bạn bè quốc tế, và lẽ dĩ nhiên, người VN sẽ càng ít được coi trọng ở các nước khác.
Nguyễn Thị Bích Thục (P.6, Q.8, TP.HCM)
Pháp luật phải nghiêm
Không phải luật pháp VN không có những quy định xử phạt hành vi tiểu tiện, vứt rác… nơi công cộng cũng như các hành vi thiếu văn hóa khác. Đã có quy định, nhưng không có lực lượng thực thi, kiểm tra, giám sát, từ đó dẫn đến việc luật có cũng như không. Theo tôi, nhà nước cần tổ chức các lực lượng để giữ gìn vệ sinh, văn hóa nơi công cộng. Lực lượng này khi phát hiện có quyền giữ người vi phạm để cơ quan chức năng tiến hành xử phạt. Một khi làm được như thế thì thói quen bừa bãi của người Việt mới dần thay đổi.
Đinh Thị Phú (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Sự lộn xộn, thiếu trật tự, không nhường nhịn nhau nơi công cộng là nguyên nhân chính dẫn đến những xô xát, thậm chí đánh giết nhau. Nếu ai cũng biết nhường nhịn trên đường, biết vì người khác một chút thì xã hội ta đã rất khác, rất đẹp, rất đúng với bản sắc của người Việt là đùm bọc, yêu thương nhau.
Huỳnh Minh Đạt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Nhờ tuyên truyền, nhờ báo chí lên tiếng phê phán nhiều mà thời gian gần đây ở các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM và Hà Nội đã xuất hiện những hàng người trật tự để mua hàng hóa, vào rạp xem phim... Đó là tín hiệu rất đáng mừng. Như thế không có nghĩa là chúng ta không thể làm được những điều bình thường mà thế giới đã làm. Vấn đề là chúng ta có biết cách để làm cho mỗi công dân phải ứng xử phù hợp nơi công cộng hay không. Điều này phụ thuộc vào chính sách, phương pháp của nhà nước, của xã hội.
Nguyễn Thị Ngọc Giao (An Khê, Gia Lai)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.