Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Rớt “oan” vì phần mềm xét tuyển trên Thanh Niên ngày 27.8.
Lợi bất cập hại
Phần mềm xét tuyển chỉ là máy móc, trục trặc máy móc là chuyện đương nhiên nhưng Bộ GD-ĐT lại không dự tính hết các tình huống này để xảy ra cớ sự. Bộ cần phải ra tay giải quyết để bảo đảm quyền lợi của các thí sinh (TS) bị rớt “oan”.
TRẦN THỊ THANH PHƯƠNG (tranthithanhphuong@gmail.com)
Đừng để mất niềm tin
Số TS bị sự cố không nhiều, vì vậy các trường có đủ lý do, bằng chứng để xin thêm chỉ tiêu giúp các TS này được đến đúng giảng đường mình mong muốn. Đừng vì lý do kỹ thuật hay “bóng đổ hình, hình đổ bóng” mà cướp mất cơ hội vào đại học của các em. Nếu quyền lợi của các em không được giải quyết thấu đáo, chẳng những các em mất lòng tin vào nhà trường, sở và Bộ GD-ĐT mà còn vào cả xã hội.
TÔ VĂN HÙNG (tohung54@yahoo.com)
Quá nguy hại
Qua những gì bài báo phản ánh cho thấy TS thay đổi nguyện vọng, rút - nộp hồ sơ nhiều lần chỉ cốt làm sao vào được đại học chứ không phải vào được ngành mình yêu thích. Cái nguy hại nhất của việc xét tuyển năm nay là đây. Nó sẽ cho ra đời một thế hệ thiếu mất đam mê nghề nghiệp do chọn trường theo điểm. Sẽ khó có những người thầy thật sự xuất sắc (do những em điểm cao đã chọn vào trường điểm cao, không phải là sư phạm) hay những kỹ sư có tố chất hơn người.
NGUYỄN THỤY KHA (thuykha@yahoo.com)
Vào đại học là bước ngoặt lớn, quyết định nghề nghiệp của cả đời người. Bộ GD-ĐT đừng “thử nghiệm” trên số phận của hàng ngàn con người nữa.
NGUYỄN ĐỨC HOAN (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
TRẦN TRỌNG NGHĨA (Q.1, TP.HCM)
T.T - D.Khang (thực hiện)
|
Bình luận (0)