Tôi có ý kiến: Mất vệ sinh thì chỉ có... chết

12/12/2015 05:05 GMT+7

Ăn là để sống, còn bây giờ ăn ở các điểm mua bán mất vệ sinh thì chỉ có chết. Các cơ quan chức năng sao không vào cuộc là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Nhắm mắt mà ăn hàng rong trên Thanh Niên số ra ngày 11.12.

Ăn là để sống, còn bây giờ ăn ở các điểm mua bán mất vệ sinh thì chỉ có chết. 
Các cơ quan chức năng sao không vào cuộc là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Nhắm mắt mà ăn hàng rong trên Thanh Niên số ra ngày 11.12.

Hàng quán di động tràn lan khắp đường phố Sài Gòn - Ảnh: Diệp Đức MinhHàng quán di động tràn lan khắp đường phố Sài Gòn - Ảnh: Diệp Đức Minh
Vấn đề ở khâu quản lý
Một khi công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo thì ăn ở đâu cũng có nguy cơ ngộ độc, nhiễm bệnh cao. Nói ra thì có vẻ cao xa, phi thực tế nhưng tôi ước sao cơ quan chức năng có thể quản lý được cả bà bán bánh mì, bán khoai mì. Muốn bán cái gì để con người ăn vào đều phải đăng ký, phải qua kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Được như thế thì mới biết chắc người bán, bán cái gì, quy trình chế biến ra làm sao, nguồn gốc thức ăn ấy từ đâu. Hơn thế, lỡ thức ăn gây ngộ độc cho người ăn thì còn biết người bán ấy ở đâu, tên gì để mà còn “nắm tóc”.
Lê Thị Ngọc Lan
(P.9, Q.3, TP.HCM)
Tự cứu mình
Trừ lúc phải đi công tác các tỉnh là tôi đành chịu thua, còn đi làm bình thường, tôi hay chuẩn bị thức ăn mang theo, tuy có dậy sớm chút xíu, nhưng ăn không lo ngại gì. Chỉ cần mua thực phẩm rõ nguồn gốc, chịu khó là tôi và gia đình có những bữa cơm an toàn. Rất nhiều người cũng làm như tôi, và họ đều nói rằng, ăn thế rất đảm bảo vệ sinh.
Khánh Hoàn
(Q.Gò Vấp. TP.HCM)
Quản lý nguồn cung
Tôi được biết hiện nay có rất nhiều người tổ chức chế biến rồi giao hàng cho các quán cóc, quán lề đường để bán. Ví dụ, muốn bán bún bò, đơn vị cung cấp sẽ cung cấp gần như toàn bộ, từ nước lèo, thịt, chả, rau… Người bán chỉ cần dọn hàng ra, mọi thứ đã có nhà cung cấp. Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải quản được những đơn vị cung cấp này để buộc họ phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cao Thị Lệ Hằng
 (P.6, Q.4, TP.HCM)
Cầu mong sự may mắn
Tôi cũng là dân văn phòng, cũng có kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng sợ ngộ độc, sợ vi trùng... Thế nhưng, mỗi trưa chúng tôi vẫn phải ăn cơm lề đường bởi khu vực cơ quan trú đóng là trung tâm thành phố, nơi rất ít quán ăn giá rẻ, hợp túi tiền. Và khi ăn uống, chúng tôi chỉ mong người bán có lương tâm, chế biến thức ăn và giữ gìn vệ sinh để chúng tôi không bị đau bụng, tiêu chảy là được.
Huỳnh Văn Đức
(Hồ Học Lãm, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Tiền nào của nấy
Các món ăn, thức uống ở các gánh hàng rong khó mà đảm bảo vệ sinh bởi hàng rong được đẩy đi dạo cả ngày ngoài đường. Những đồ ăn, thức uống đó khó tránh khỏi bụi bẩn, ruồi bọ bám vào, ấy là chưa kể đến trường hợp đồ bán không hết trong ngày hôm trước được đem ra bán tiếp vào hôm sau. Quan trọng hơn, để bán với giá rẻ như vậy, người bán thường bỏ quên các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vậy mới có câu tiền nào của nấy. Tiền nhiều thì vào quán ăn sạch sẽ, sang trọng. Ít tiền phải ăn hàng rong thì đành chấp nhận, chuyện bệnh, ung thư là lâu dài, tính sau, miễn no cái bụng trước đã.
Hồ Văn Lâm
(Bà Hạt, Q.10, TP.HCM)
Quy hoạch khu ăn uống
Nếu nhà nước quan tâm đến người có thu nhập thấp thì nên chăng ở mỗi khu vực đông dân cư nên quy hoạch khu ẩm thực giá rẻ. Tại khu vực này khuyến khích, ưu đãi mọi người đầu tư kinh doanh cửa hàng ăn uống với giá tốt để phục vụ người dân hoặc tập trung các hàng rong, quán cóc vào đây. Việc quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh chắc chắn sẽ thực hiện tốt. Được thế thì cả người bán và người mua đều yên lòng.
Trần Vinh
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Nguyễn Đức Hoan
Báo Thanh Niên gần đây tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm là lời cảnh báo rất cần thiết cho xã hội. Tôi mong các chuyên gia, người dân tham gia các giải pháp nhằm giúp việc an toàn vệ sinh thực phẩm được nâng cao, tránh cho người dân nguy cơ bệnh tật, ung thư.
Nguyễn Đức Hoan 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Nguyễn Phi Bằng
Nhìn hàng rong bày bán ở vỉa hè, lề đường với đầy rẫy khói, bụi, ruồi... mà thấy ớn lạnh. Không biết người bán nghĩ gì mà trưng thức ăn lồ lộ ra như vậy và không hiểu sao người ăn vẫn đủ can đảm để... nuốt. Bây giờ chỉ ăn ở nhà là tốt nhất!
Nguyễn Phi Bằng 
(H.Hóc Môn, TP.HCM)
T.T - Duy Khang 
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.