Đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước đầy đủ, đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 30.1 đăng bài Được gì từ Uber?
Kinh doanh phải đóng thuế Uber dù là lớn cỡ nào nhưng nếu đến VN làm ăn, kinh doanh thì cần phải tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thuế… của mình. Theo tôi, cơ quan thuế phải tìm hiểu thêm và có cơ chế cụ thể để thu được thuế của Uber. Nếu không thì buộc phải ngưng hoạt động, đồng thời, người tiêu dùng cũng nên sử dụng quyền tẩy chay.
Trần Minh Khánh (Q.12, TP.HCM)
Thu thuế là phù hợp
Về lý thuyết, Uber là một mô hình kinh tế chia sẻ, có nghĩa là chia sẻ việc dùng xe từ những người có xe nhưng
ít sử dụng, hoặc thường sử dụng xe nhưng tiện đường nên cho người khác đi cùng có tính phí, không nhằm mục đích kinh doanh, mọi người đều có lợi. Tuy nhiên, khi về VN thì nó lại biến thành một mô hình kinh doanh, nhiều người sắm xe hoặc có xe rồi gia nhập với mục đích chính là kiếm tiền. Tuy nhiên, dịch vụ này tiềm ẩn rủi ro cao vì không có sự chuyên nghiệp, giá thành không được đăng ký cố định và đặc biệt do mô hình khá mới nên quy định pháp luật chưa đủ để quản lý, dẫn đến lách luật và trốn tránh trách nhiệm. Theo tôi, vì đây là một loại hình kinh doanh nên việc thu thuế là hoàn toàn phù hợp.
Nguyễn Ngọc Hồ (Q.7, TP.HCM)
Lách luật
Những thông tin vừa qua cho thấy Uber đang cố lách luật để không phải đóng thuế, vì vậy cơ quan thuế nên có biện pháp để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu vẫn cố tình không đóng thì nên có biện pháp mạnh hơn. Về phía người dân thì thường không quan tâm đến việc doanh nghiệp có đóng thuế hay không, cứ rẻ là họ sử dụng. Tuy vậy, cũng nên cẩn thận vì vẫn còn nhiều hệ lụy do Uber không đăng ký kinh doanh vận tải, rủi ro cho khách hàng là cao, nếu xảy ra tranh chấp thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. Theo tôi cần phải có cơ chế để quản lý nghiêm ngặt hơn các loại dịch vụ này.
Nguyễn Sang (phamminhtrung263@gmail.com)
Trần Ngọc Điệp (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Dù Uber thời gian qua có cung cấp được nhiều dịch vụ thuận tiện cho người dân nhưng không vì thế mà chấp nhận cho họ muốn làm gì thì làm, bất chấp pháp luật như vậy. Không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp nước ngoài vào VN kinh doanh mà chỉ "đem đi" chứ không đóng góp gì, thậm chí còn làm thiệt hại doanh nghiệp trong nước. Nếu pháp luật chưa dự liệu trước được, chưa có quy định cụ thể thì cũng có thể sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa.
Nguyễn Cường (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
An Phong - Hải Nam (thực hiện)
|
Bình luận (0)