Ngày 14.7, Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị |
gia hân |
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai cho biết, tới nay đã có 32/63 bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương. Mục tiêu tới cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII sẽ cơ bản hoàn thành bố trí bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương.
“Tôi làm tổ chức nhận được 2 câu hỏi: Bí thư là người địa phương có phải tốt hơn bí thư không phải người địa phương không? Câu hỏi thứ 2 là bí thư làm chủ tịch UBND tốt hơn hay làm chủ tịch HĐND tốt hơn?”, bà Mai chia sẻ.
Trả lời 2 câu hỏi này, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết về cơ bản, bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương sẽ tốt hơn. Bà Mai phân tích khi không phải người địa phương thì có thể cần có thời gian để tiếp cận, tìm hiểu về địa phương song có điều chắc chắn là anh phải giữ gìn.
“Cán bộ, đảng viên, nhân dân ở đó họ sẽ nhìn anh, người ta soi anh, anh phải giữ gìn hơn. Anh phải khẳng định mình trưởng thành, làm việc có hiệu quả”, bà Mai nói, và cho rằng tất nhiên người địa phương thì không phải không tốt song nếu bí thư tỉnh ủy là người địa phương khác tới sẽ có động lực khác so với người địa phương.
“Còn nếu bí thư là người địa phương, trưởng thành ở đó, lớn lên ở đó nhưng cũng có thể có những khó khăn như anh cũng ỉ lại, sống lâu lên lão làng…”, Trưởng ban Tổ chức T.Ư nêu.
Cũng theo bà Mai, việc bố trí bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương cũng không máy móc. Chẳng hạn, một số cán bộ là người dân tộc thiểu số thì người đó phải là đại diện tốt nhất cho cộng đồng tại địa bàn và nên làm bí thư.
“Nếu đồng chí đó mà qua địa phương khác, không có cộng đồng dân tộc đó thì có khi không phù hợp”, bà Mai chia sẻ quan điểm.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng khẳng định bí thư không phải người địa phương “không phải tất cả đều tốt”. “Nó còn tùy vào con người đó phẩm chất, năng lực, uy tín thế nào. Song nhìn chung là như vậy”, bà Mai nói.
Về câu hỏi thứ 2, bà Mai cho hay hiện nay mô hình bí thư tỉnh ủy là chủ tịch HĐND đang được phổ biến.
“Thực ra bí thư làm chủ tịch HĐND làm giám sát tốt hơn là phó bí thư làm chủ tịch HĐND; cũng là một trong những cơ chế kiểm soát quyền lực”, bà Mai nói.
Ngoài 2 mô hình nói trên, theo bà Mai, hiện nay trên cả nước cũng đang thí điểm nhiều mô hình khác và đạt tỷ lệ nhất định.
Cụ thể, bí thư huyện ủy là chủ tịch HĐND cấp huyện đạt 46,4%; bí thư là chủ tịch HĐND cấp xã đạt hơn 59%; bí thư là chủ tịch UBND cấp huyện đạt 5,23% và bí thư là chủ tịch UBND cấp xã đạt 9,64%.
“Đến thời điểm này những nơi quy mô nhỏ mô hình này thích hợp như đảo Lý Sơn, Phú Quý, một số nơi khác. Mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cũng gọn gàng, tập trung nhưng cũng đang là thí điểm”, bà Mai nói.
Ngoài ra, theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, hiện cả nước cũng đang triển khai một số mô hình kiêm nhiệm như kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tổ chức, hợp nhất cơ quan tham mưu giúp việc với cơ quan chuyên môn, trưởng ban Dân vận đồng thời là chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn của ủy ban, văn phòng cấp ủy…
“Một số mô hình có thể đi vào cuộc sống được. Mô hình nào không phù hợp có thể tạm dừng”, Trưởng ban Tổ chức T.Ư thông tin.
Bình luận (0)