"Tôi đã tận mắt chứng kiến những thay đổi lớn lao của đất nước"

02/02/2004 09:42 GMT+7

Những ngày ở Việt Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên phó tổng thống chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, đã thăm viếng nhiều nơi. Ngay sau chuyến về thăm Sơn Tây (ngày 29/1/2004) nơi ông đã sinh ra và lớn lên, ông Nguyễn Cao Kỳ đã nói lên những cảm nhận của mình với chuyến trở về Việt Nam lần này.

- Khi ở Hoa Kỳ, ông thường nhận được tin tức về Việt Nam qua những kênh nào?

- Tôi thường đọc báo chí Mỹ viết về Việt Nam qua những người vừa từ Việt Nam trở về Mỹ và qua chuyện trò với những người bạn của tôi và con cháu trong gia đình đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

- Sau khi về Việt Nam và đi thăm nhiều nơi, ông có thấy khác nhiều so với những gì mà ông hình dung trước đó không?

Đọc chữ Nho trên chiếc khánh chùa Thầy - ảnh Lưu Quang Phổ. 

- Khác nhiều chứ. Khi ở Mỹ tôi cũng đã hình dung là Việt Nam đã thay đổi nhiều nhưng nhưcác cụ ta nói: ''Trăm nghe không bằng một thấy''. Về nước, được tận mắt chứng kiến mới thấy hết những thay đổi lớn lao của đất nước. Nhiều công trình, nhà cao tầng mọc lên. Cơ sở hạ tầng khá tốt. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nói là những ngày ở Việt Nam, tôi được đối xử chân tình, chu đáo.

- Vừa qua, ông và gia đình về thăm lại SơnTây, nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Ông cũng đã đi vãn cảnh một số ngôi chùa như chùa Mía, chùa Tây Phương... Ông là người ''mê" đạo Phật?

- Từ bé tôi đã được nghe về đạo Phật. Tôi cũng biết rằng theo đạo Phật có ''ông Thiện'' nhưng lại cũng có cả ''ông Ác''. Ai làm thiện thì ''ông Thiện'' cho hướng thiện, ai ác thì ''ông Ác''... chặt đầu (cười to)

- Dường như ông rời Sơn Tây khi còn rất nhỏ?

- Tôi rời Sơn Tây khi còn nhỏ. Tuy nhiên, khoảng năm 1945-1946 gì đó, khi nhiều người bỏ Hà Nội lên rừng thì tôi có về và sống tại thị xã Sơn Tây.

- Ông rút ra được điều gì sau chuyến về thămViệt Nam lần này?

- Tôi đã tuổi 75, đã từng ngao du khắp năm châu bốn biển, tưởng rằng cái gì cũng biết nhưng về quê hương, đi thăm thú nơi này, nơi kia mới hiểu rằng còn nhiều thứ chưa biết lắm. Về quê mới biết thêm được những cái mà ngày xưa mình mới chỉ được đọc trên sách, báo thôi.

- Ông có dự định làm một cái gì đấy cho nơi mà ông đã sinh ra và lớn lên không?

- Tôi đã 75 tuổi rồi. Tuy vậy, tôi và những người Việt Nam như tôi ở hải ngoại luôn mong được đóng góp cho quê hương. Ngoài ra, tôi cũng quen biết nhiều nhà tư bản nước ngoài nên tôi cũngcó thể nói với họ để họ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

- Còn cụ thể cho Sơn Tây thì sao, thưa ông

Ngồi quán nước ăn một gói lạc rang - ảnh Lưu Quang Phổ. 
- Ở hải ngoại, tôi quen biết rất nhiều người gốc Sơn Tây. Có thể chúng tôi sẽ thành lập Hội ái hữu Sơn Tây để bàn cách đóng góp xây dựng quê hương. Ở bên đó, các hội ái hữu hàng năm thường tụ họp nhau để chúc tụng, hội hè, ăn uống nay thay vì bù khú ăn uống thì bàn việc đóng góp xây dựng quê hương,chỉ cần mỗi người 1.000 USD. Đó là số tiền không lớn đối với mỗi gia đình nhưng mỗi năm cũng có thể huy động được vài trăm ngàn USD. Số tiền đó sẽ được đem về đầu tư trực tiếp cho địa phương: Xây trường học, bệnh viện, làm đường, làm giếng nước sạch... Ngoài ra, tôi còn quen biết rất nhiều người ở hải ngoại gốc Nha Trang, Hà Nội, Sài Gòn... và vì vậy cũng có thể xây dựng Hội ái hữu Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội, Hội ái hữu học trò trường Bưởi...

- Sau khi trở lại Hoa Kỳ, ông sẽ nói gì với cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại?

- Tôi sẽ nói rằng tôi đã tận mắt chứng kiến những thay đổi lớn lao của đất nước. Nói để cho họ hiểu rằng đừng có ngoái cổ mà nhìn lại quá khứ nữa. Cũng đừng có cay cú, cay đắng, chua chát mà làm gì, hãy xóa đi dị biệt hướng tới tương đồng để mà cùng nhau xây dựng đất nước. Tuy nhiên chắc là cũng không thể thuyết phục hết tất cả bởi vì vẫn còn có một số người, dù là rất ít thôi hiện vẫn cứ rêu rao bố lếu bố láo, cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ nói năng lung tung, để ý làm gì. Những người này chẳng làm nên trò trống gì đâu

- Ông nhận xét thế nào về thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay?

- Anh em trẻ năng động lắm. Hôm qua tôi tình cờ gặp một số anh em ở độ tuổi 30-40, ăn mặc lịch sự, trông mặt mũi anh nào cũng sáng sủa, ăn nói chững chạc, có trình độ. Nói chung, tôi thấy thế hệ trẻ Việt Nam không những trong nước mà ở ngoài nước đều rất giỏi. Chúng ta có thể yên tâm rằng thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay lãnh được trách nhiệm xây dựng đất nước.

- Đây là chuyến trở về thứ nhất. Vậy bao giờ sẽ là chuyến thứ hai?

- Một thời gian nữa tôi sẽ xin trở lại Việt Nam và nếu được Nhà nước cho phép, rất có thể tôi sẽ về sống lâu dài tại Việt Nam.

- Thưa ông, ông muốn nói thêm điều gì?

- Đất nước mình đổi mới như thế là tốt rồi nhưng các nước trong khu vực cũng đã tiến khá xa rồi. Tôi tin Việt Nam chúng ta sẽ phát triển vì con người Việt Nam chúng ta có kém ai đâu.

Xin cám ơn ông!

L.Đ.S(Pháp Luật)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.