Tôi học đại học - Kỳ 2: Cơ cực thời sinh viên

27/09/2013 00:05 GMT+7

Ở đâu có sinh viên, ở đó có chuyện đói và ghẻ. Nhiều người còn khái quát thành công thức: SINH VIÊN = ĐÓI + GHẺ.

>> Tôi học đại học - Tìm cách tự lo cho mình

Tôi học đại học - Kỳ 2: Cơ cực thời sinh viên
Thầy giáo Ký 43 năm viết cuốn tự truyện bằng chân - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngày 23.3.1967

Với tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu mà mỗi tháng chỉ được bao cấp 13 cân gạo, nhiều đợt gạo không có, phải thay bằng bột mì chế bánh bao, mì sợi; có khi thay bằng ngô răng ngựa, bằng hạt bo bo, bằng sắn luộc, sắn nấu canh, chuyện đói với mỗi sinh viên chúng tôi thời gian này là tất yếu. Nhiều bạn nói vui: “Giá đừng ăn còn hơn. Vì càng ăn càng thấy đói”.

Một lần gặp lũ lớn, đường tới nhà bếp lấy cơm những ngày mới nhập trường phải lội qua con suối nhỏ, bình thường cạn khô nước, nhưng khi lũ tới, lội qua cũng không phải dễ. Tốp đi lấy cơm cho khu tập thể hôm ấy gặp sự cố: khi bạn gánh cơm vừa tới giữa suối thì trượt chân, gánh cơm chao đảo thế là nước trào qua, đổ sụp.

Cả khu tập thể khi hay tin ai cũng chưng hửng. Thế là mạnh ai nấy lo. Tốp thì rủ nhau xuống làng ăn ké các gia đình thân quen. Tốp đi mua gạo về nấu cơm. Tốp ít tiền mua sắn về luộc. Có tốp không tiền, đắp chăn ngủ vùi cho qua cơn đói. Có tốp vào rừng đào củ mài, tìm rau tàu bay về ăn trừ bữa.

Nào ngờ ngay tối ấy, Sơn Cao, rồi Long, rồi Nguyên Hương bị xây xẩm, nằm vật vã trên giường, bọt mép sùi ra. Cả khu tập thể túm đông túm đỏ lo sợ cho 3 bạn không biết vì bệnh gì. Hỏi ra mới vỡ lẽ vì cả 3 ăn quá nhiều rau tàu bay. Từ đó không ai còn dám ăn nhiều rau tàu bay như trước nữa.

Để tự cứu mình, nhiều bạn tìm cách xoay trở góp phần không chỉ chống đói mà còn để chi dùng tiêu pha cho nhiều yêu cầu khác. Nhân ngày nghỉ chủ nhật, có bạn rủ nhau vào rừng chặt nứa về kết gianh, bán cho dân lợp nhà. Có bạn giúp dân đi làm rẫy làm nương. Có bạn còn bí mật ra chợ Ký Phú, Đại Từ mua chè đặc sản Thái Nguyên về Hà Nội tiêu thụ rồi mua những thứ từ Hà thành về đây đổ cho các quán tạp hóa nhỏ ngoài chợ Ký Phú...

 (...) Trưa hôm sau, tôi và Đức Long lại có dịp gặp nhau cùng với Sơn Cao khi hai bạn ngẫu hứng rủ tôi lên Vai Xay tắm chung. Gợi chuyện bài thơ Ghẻ hôm trước Long đọc lại cho tôi và Sơn Cao cùng nghe, rồi lên giọng hỏi:

- Các ông thấy bài thơ thế nào? Câu nói về hai ông có hiện thực không?

Sơn Cao quê ở Hà Tây với tính thẳng thắn bộc trực lên tiếng ngay:

- Ừ, thằng cha nào viết giỏi đấy! Đúng là ngứa ghẻ hờn ghen. Mình với thằng Nguyên Hương ngứa quá. Có đêm không ngủ được phải dậy gãi đổi công cho nhau ở những chỗ mình khó gãi cho mình. Thế là hai thằng cùng rầm rì “song ca” với nhau đủ chuyện. Chúng tao còn vậy, chắc với Ký thì còn khổ sở đến mức nào?

Không có gì phải giấu giếm, tôi gật đầu chia sẻ trong tiếng cười khá thoải mái:

- Vậy là các ông đã hiểu cho tôi rồi đấy. Mỗi cơn ngứa đến, nhiều chỗ không tự gãi bằng chân được tớ chỉ còn biết nín gan chịu đựng. Cảm giác bứt rứt, khó chịu luôn hành hạ mình nhất là về khuya. Nói thật với các ông không phải nhiều tối như bài thơ đề cập mà là nhiều đêm tôi đã thức trắng vì chuyện ghẻ.

 

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành biểu tượng của ý chí mãnh liệt vượt lên chính mình, trở thành tấm gương sáng ngời về nghị lực. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Hơn 43 năm qua, ông đã bất chấp bệnh tật cùng biết bao gian khổ để hoàn thành xuất sắc cuốn tự truyện Tôi học đại học.

- Thế sao ông không nhờ Bảo Hưng nó gãi giúp? Đáp lại câu hỏi của Long, tôi phân trần:

- Nó cũng ghẻ, cũng ngứa, gãi suốt đêm kém gì tớ đâu. Ốc chưa mang nổi mình ốc sao còn mang cọc cho rêu? Vả lại tính tớ không muốn phiền ai, dù là người thân.

Cao vặn luôn:

- Thế tao hỏi thật, sao chúng nó đồn có lần thấy cái Nhu ngồi khêu ghẻ cho mày, đúng không?

Tôi chống chế:

- Gì có! Chúng nó thêu dệt vậy cho vui đấy thôi! Long liền lên tiếng:

- Có đấy! Ông lại giấu rồi. Bất kỳ ai trong lớp giúp được gì cho cậu đều rất quý, nhất là phái đẹp. Ông cứ khai thật đi. Chúng tớ mừng cho. Nói thật tớ còn biết rõ cả nơi chốn, thời gian Nhu đã khêu ghẻ giúp ông đấy!

Tôi đành thú thật:

- Thực ra duy nhất có một lần. Hôm ấy chủ nhật, Nhu, Trà, Trâm đến thăm mình ở bệnh xá trường khi mình bị ghẻ mủ ở hai bàn tay, hai ống chân. Nhu cầm bàn tay mình lên quan sát và nhận ra rất nhiều những hốc ghẻ cái. Thế là sẵn kim khâu vừa bỏ ra đơm lại chiếc cúc áo của mình đang mặc sắp đứt, Nhu liền tỉ mỉ ngồi khêu ghẻ cho mình một cách tự nhiên ngay trước mặt Trà và Trâm. Những con ghẻ cái kềnh càng được Nhu lôi ra dính trên đầu mũi kim trông thật đáng sợ. Đấy. Chỉ có lần đó thôi!

- Thế những lúc khuya về ngứa quá ông làm thế nào? Chẳng lẽ cứ nằm mà chịu trận mãi sao? - Biết Cao hỏi với giọng đầy cảm thông chia sẻ, tôi đành kể thật:

- Các ông có nhận ra điều gì đặc biệt nơi chiếc phên nứa ngăn cách phòng tôi với phòng Trang và Xuân không?

- Ừ, có đấy! Mình nhớ ra rồi. Hình như một loạt nan nứa ở đấy bị bẻ trống - Cao nói.

- Chắc là Trang, Xuân, hoặc Bảo Hưng lấy để “Nổi lửa lên em” đúng không?” - Long hỏi.

Tôi trả lời:

- Hoàn toàn không! Thủ phạm chính là Ký đấy! Hẳn các ông biết rồi, cái giống ghẻ càng về khuya nó càng hoạt động mạnh. Nhiều đêm 1 giờ khuya, giải quyết xong bài vở, tắt đèn đi nằm rồi, cố nhắm mắt nhưng không sao ngủ được vì ngứa, nhất là ở hai mông. Mình cố hết sức nhưng vẫn không sao co chân lên gãi được. Thế là những nan nứa ở vách liền kề giường lập tức được bí mật bẻ ra không biết bao nhiêu lần để làm công cụ gãi. Đúng là chỉ có mình mới biết rõ chỗ mình đang ngứa. Và khi đã gãi đúng chỗ ngứa rồi thì quả là không còn gì sướng bằng! Thế là nhiều đêm càng sướng càng gãi. Càng gãi càng ngứa, càng muốn gãi thêm. Khi cơn ngứa đã thỏa thì cái cảm giác ran rát ở mông cũng xuất hiện. Mình hoảng hốt nhận ra hai mông đã rớm máu từ lúc nào. Đúng là cái gì cũng có điểm dừng. Nếu bước qua nó tự ta làm hại chính ta là vậy… (Còn tiếp)

Nguyễn Ngọc Ký

Bản quyền và thực hiện: First News - Trí Việt
(*) Tít do Thanh Niên đặt

>> Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký gặp gỡ cán bộ thư viện 64 tỉnh, thành
>> Thầy Nguyễn Ngọc Ký
>> Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa
>> Trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký: Sự cảm phục chính là điểm tựa của tình yêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.