Hà sung sướng gật đầu. Đứa trẻ nào chẳng háo hức tiệc sinh nhật. Kể ra, từ cái hồi tổ chức thôi nôi cho Hà có vẻ hoành tráng xíu, thì mẹ Hà cũng có năm mời ông bà cậu dì đến nhà hoặc quán, ăn một bữa tiệc. Nhưng chưa lần nào Hà được rủ bạn bè trang lứa, đúng nghĩa là sinh nhật của con bé bao giờ.
Tinh thần chủ đạo của Hà từ thời điểm ấy tới giờ G, đương nhiên là sinh nhật. Đứa nào mình thích thì được mời. Hôm sau, cũng đứa bạn đấy, nhưng đã hết ưa, thì đây chính là cơ hội để nó khỏi hiểu nhầm, là ta không ghét nó. Quà tặng sẽ là những thứ gì, trang trí ra sao, đón khách thế nào… Đủ thứ linh tinh, bắng nhắng loạn xị cả lên. Mẹ Hà vài lần phát cáu, nạt con bằng một câu kinh điển “coi chừng mẹ không làm sinh nhật cho nữa bây giờ, lắm chuyện quá!”. Nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự hăng hái của Hà. Con bé thừa hiểu, mẹ nó chỉ dọa suông vậy thôi. Trẻ con học lớp bốn nhưng đã biết lên mạng bằng điện thoại hoặc máy tính nhoay nhoáy, tìm hiểu xem các thủ tục của một tiệc sinh nhật thế nào. Công nghệ tiệc cưới, ồ quên, tiệc sinh nhật chứ, ra sao. Rồi tự lên kế hoạch ì xèo, nhức cả đầu óc.
Mẹ Hà năm ấy ba mươi sáu tuổi, trong hồ sơ học sinh của Hà, chỗ nghề nghiệp được ghi là “công nhân viên”, tương tự như ba của Hà. Giữa cái thời buổi ăn gì cũng sợ, không ăn thì đói, chết còn nhanh hơn, thà chọn cái chết từ từ không thấy rõ, mẹ Hà cực kỳ quan tâm tới an toàn thực phẩm. Cụ thể, rau đặt một cô nàng mang từ quê lên. Cá, gà, thịt heo cũng thế. Nên mẹ Hà nghĩ tới các món cho tiệc sinh nhật của con gái cũng theo tiêu chí lành mạnh, bổ béo. Toàn là nhà làm. Không thể mua các thức ăn nhanh bên ngoài về cho sẵn tiện được. Cũng không vì mục tiêu lợi nhuận, à nhầm, làm gì có khái niệm lời lỗ ở đây, để cẩu thả. Tỉ mẩn từng chút, bạn bè của con thì cũng như con cái trong nhà, chẳng thể cho chúng nó ăn uống mấy thứ độc địa. Lương tâm người đàn bà làm mẹ không cho phép như thế.
Buổi chiều hôm sinh nhật, mẹ Hà bứt người ra khỏi mớ xoong nồi chén đĩa thức ăn ngồn ngộn, giao lại cho bà giúp việc, để đi tắm. Trút bỏ bộ đồ mặc nhà dính đầy dầu mỡ, mẹ Hà diện một cái quần soọc jeans với áo thun, niềm nở tiếp các vị khách nhí.
Bé Linh dúi vào tay Hà cái túi xốp đựng sáu quả xoài xanh ngắt, làm quà sinh nhật. Cả nhà Hà bu quanh vị khách đầu tiên ấy, vừa tò mò vừa buồn cười. Mẹ Hà không kìm được, hỏi:
- Xoài này mẹ con mua hả Linh?
- Dạ, nhà con có sẵn.
- Ôi, giữa thành phố này mà nhà con có cây xoài trái to vậy ư?
- Mẹ con bán trái cây mà!
Hóa ra là “của nhà trồng được”. Bé Linh hồn nhiên nói tiếp:
- Mẹ con bảo, cái này là đúng một trăm ngàn đồng đấy!
Cả nhà Hà bật cười trong vẻ ngơ ngác không hiểu lý do của bọn nhóc. Đúng là trẻ con, cái gì chúng cũng thật thà. Ngay cả khi chúng thẳng thừng thắc mắc “Sao không có gà rán khoai tây chiên hả cô?” hoặc “Sao không có nước ngọt mà lại uống nước tắc muối hả cô?”, “Sao cô không mua xúc xích, cá viên hả cô?”… Mỗi cái “hả cô”, mẹ Hà lại chịu khó giải thích rằng, mấy thứ bán sẵn ấy nhiều hóa chất lắm, nước ngọt toàn là đường hóa học và phẩm màu thôi, các con dùng thử súp cua này đi, ăn trái cây chín tự nhiên đi, ăn bánh canh nhà làm đi, ăn rau câu không hàn the cô tự nấu tự đổ khuôn đi…
Dù không thèm che giấu sự thất vọng, nhưng rồi bọn trẻ cũng thanh toán gần hết các món được dọn ra. Mẹ Hà tuy cực nhưng vui, cười suốt, thấy mình như trẻ ra khi hào hứng giơ hai ngón tay lên chụp hình với bạn bè con. Dù cũng có lúc mẹ Hà hơi áy náy và bối rối khi nhận ra mình quên dặn con mời mấy đứa trẻ hàng xóm. Chúng bu ngoài cửa để xem sự kiện ồn ào trong hẻm, có đứa còn bé, mũi dãi ròng ròng đu trên cửa sổ ngó vào. Mẹ Hà cầm một ít bánh kẹo ra chia cho bọn nhóc, nhẹ nhàng nhắc chúng đi chơi đi, đừng tụ tập ở đây nữa, nghen các con…
Đến tối mịt thì tới tiết mục trả khách. Mẹ Hà kiên nhẫn chờ vị phụ huynh cuối cùng ghé đón con, niềm nở cám ơn lẫn nhau, trong sự bịn rịn của bọn con nít, cứ như thể chúng lâu lắm mới gặp gỡ, và phải vài năm nữa mới gặp lại, chứ không phải chỉ qua một giấc ngủ say dúi dụi là chúng đã tí tởn cùng nhau ở trường ở lớp rồi.
Bé Hà vừa săm soi mớ quà, vừa kể tên vanh vách chủ nhân của chúng, trong khi những thành viên còn lại trong nhà tất bật dọn dẹp hậu sinh nhật. Mẹ Hà thủng thẳng nói với con:
- Cái nào chưa dùng tới thì đưa mẹ cất đi, đừng hoang phí. Đồ chơi cũng vậy, không khui hết một lúc được đâu…
Cuối cùng thì giai đoạn thương lượng xem món đồ hàng hay bộ trang trí búp bê nào được quyền xài liền cũng xong. Mẹ Hà đứ đừ bảo, khi nào con mười lăm, mẹ lại làm sinh nhật cho con. Vì đấy là lứa tuổi đáng nhớ. Rồi mười tám. Tuổi ấy cũng thật nên tổ chức sinh nhật. Ờ, mười bảy cũng vậy. Nhưng còn xa lắm, từ từ gần tới thì tính tiếp. Thống nhất thế nhé. Đừng đòi hỏi, bon chen đua đòi nghen con. Hà “dạ” rất ngoan. Nét mặt nó tràn trề hạnh phúc trong ngày sinh nhật.
Văn vẻ, rằng thời gian thấm thoát thoi đưa. Sinh nhật bé Hà không còn là cột mốc hiếm hoi diễn ra trong lớp nữa, mà lâu lâu, Hà đã có bạn học mời sinh nhật. Những bộ đồ chơi, gấu bông, hộp bút này nọ còn cất trong tủ, lần lượt được trưng dụng làm quà cho bạn khác. Con gái mình có sẵn tính ham chơi trong máu, mẹ Hà âm thầm kết luận, khi thấy đám nào mời, con bé cũng òn ỉ muốn đi. Không biết từ chối cũng là một cái tội, mẹ Hà chưa nỡ nói với con câu ấy, thì đã nghe Hà thủ thỉ xin, mẹ cho con làm sinh nhật năm nay nữa, nghen mẹ? Sao thế, thỏa thuận giữa chúng ta đâu rồi? Tại năm nay là cuối cấp rồi, con muốn có một dịp vui chơi cùng với bạn, sang năm vô cấp hai, chắc gì còn học chung đông vui như này nữa…
Lời lẽ nghe cũng hợp lý. Những cuộc chia ly vụn vặt của trẻ con, đôi khi cũng đủ khiến người lớn chạnh lòng. Mẹ Hà vốn ủy mị, không cưỡng lại được sự nằn nì của con gái. Thôi thì lỡ năm nay đấy nhé, mai mốt không đòi hỏi nữa nghen con.
Tháng “lập thành tích chào mừng sinh nhật” được bắt đầu bằng… sinh nhật của một bạn gái khác. Nhà Thy sao xa vậy, địa chỉ lạ hoắc, phải vừa đi vừa gọi mấy lần mới tới. Mẹ Hà thắc mắc với mẹ Thy, lúc đứng xớ rớ ở đầu hẻm, gửi gắm hai đứa con mình ở lại ăn tiệc. Lúc về, mẹ Hà hỏi, nhà bạn đẹp không? Con gái mười một tuổi nhưng vẫn còn ngây thơ, trả lời vô tư: “Xấu hoắc”. Hỏi xấu sao, thì không giải thích được. Hỏi, đẹp bằng nhà bạn Linh bạn Tuyết không, thì vẫn so sánh là xấu hơn nhiều lắm. Căn cứ vào mức độ của mỗi nhà bạn mà mẹ Hà đã từng tới, có thể biết được mức độ tiện nghi, hoành tráng của mỗi nhà, không cần phải nghĩ… Trường làng, ở một quận vùng ven thành phố, tuy nhà mình ngước lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống, chắc cũng thuộc hàng tươm tất rồi…
Suy nghĩ ấy được xác nhận, khi vào sinh nhật năm nay của Hà, mẹ Thy lặn lội chở con gái mình đi “đáp lễ”, trầm trồ khen nhà chị đẹp quá. Mẹ Hà hài lòng, miệng khiêm tốn nói, dạ cũng thường thôi ạ, nhưng bụng vui râm ran. Mẹ Thy thuộc mẫu phụ nữ dễ mến, khen tiếp: “Chị ở nhà mà mặc đẹp chưa!”. Mẹ Hà cười tươi, một hai rủ mẹ Thy vô nhà chơi, ăn cái đùi gà rồi hãy về. Mẹ Thy tất nhiên là không dám, xin kiếu từ, hẹn tối qua đón con. Mẹ Hà nhìn theo chiếc xa cà tàng mẹ Thy đang chạy, thầm nghĩ: Bây giờ mấy ai còn đi cái xe số đời đó ra đường nữa đâu trời?
Nói về tiệc sinh nhật, mới nhớ, mẹ Hà năm nay mang sợi dây kinh nghiệm ra rút một cách sâu sắc. Không bày biện nấu nướng vất vả nữa. Gà rán khoai tây chiên mua đúng thương hiệu đang thịnh hành của bọn trẻ. Pizza mua một tặng một, giao hàng tận nơi, tiện và lợi. Nước ngọt chai nhựa khổng lồ, lấy từ tiệm tạp hóa phía sau nhà, kèm theo ly chén dùng một lần rồi bỏ. Các thể loại ăn vặt đang hot cũng có mặt, không thiếu thức gì. Vừa tiện vừa nhanh vừa đỡ mệt mỏi, lại được lòng tụi trẻ con thời công nghệ hiện nay.
Quà tặng năm nay cũng đã khác năm trước, không được chu đáo hồn nhiên rộng rãi nữa. Ý nghĩ ấy thoáng qua đầu mẹ Hà, lúc sờ tay vào vài cái bao lì xì mỏng tanh tờ năm chục hoặc một trăm trong túi. Mẹ nhỏ Nhàn thật không biết chuyện, mới tuần trước bé Hà còn đi hai trăm, mà nay lại quả một trăm ngàn, coi sao được! Nhưng hôm ấy bé Hà dắt theo cu Bin, xét ra cũng là hai miệng ăn. Nhưng đãi ở nhà chứ có phải nhà hàng đâu, mà tính “hai chỗ” cơ chứ! Thằng Bin còn nhỏ xíu, nó quậy là chủ yếu chứ ăn uống bao nhiêu đâu…
Vừa nghĩ tới chữ “quậy” thì đã nghe bọn nhóc ầm ầm, dùng kem trên bánh sinh nhật trét vào mặt mũi đầu tóc nhau. Chẳng còn ra thể thống gì. Nhoe nhoét, dính dấp tùm lum hết. Mẹ Hà vừa ôn tồn can ngăn cơn cuồng phá phách của chúng, vừa dịu dàng giải thích rằng: “Bánh là để ăn, chứ không nên vứt bỏ như vậy các con à. Bao nhiêu bạn khác còn đói khổ lắm”. Câu kinh điển ấy chưa kịp nói xong, đã nghe phân bua rằng, ở nhà bạn nào sinh nhật, tụi con cũng chơi như thế mà, có ai la đâu! Mẹ Hà lúng túng, thật không biết nên nói gì thêm nữa.
Loáng thoáng đâu đó có tiếng một cậu trai, rằng bà sướng thật đó Hà, năm nào cũng được làm sinh nhật. Tớ từ bé đến giờ còn chưa được tổ chức lần nào. Mẹ Hà nhìn quanh để xác định chủ nhân của câu nói, nhận ra đám nhóc hàng xóm năm nay đã được mời đủ mặt, đang ngồi chễm chệ quanh một cái bàn tròn, đánh chén khí thế. Có đứa, lúc đứng thập thò ở cửa nhà, còn hỏi một câu rất… thực dụng: “Con không có quà, có vô dự được không cô?”. Hà nhận ra những đứa con gái mười một tuổi thời nay đã kịp trổ mã, cao lớn vượt trội so với các cậu bạn học nhỏ thó, gầy nhom. Có đứa tự nhiên vin đầu một thằng nhóc khác xuống, lau bánh kem dính trên đầu cho nó, nhìn chẳng khác gì hai mẹ con là mấy. Mẹ Hà bật cười với ý tưởng kỳ cục đó của mình. Một đứa con gái lạ mặt mặc chiếc đầm hai dây khá rộng cổ, cứ chực chờ tuột xuống, để lộ bờ vai trắng ngần cùng khuôn ngực nhu nhú của gái mới lớn, khiến mẹ Hà ái ngại, nửa muốn nhắc nửa thấy kỳ. Thêm một đứa khác diện áo ống màu đen, bên ngoài khoác thêm một món trang phục hầu như được xẻ rỗng cả hai bên, lồ lộ. Ai mua đồ cho con mặc vậy bé? Mẹ con đó. Mẹ con làm gì nè? Mẹ con bán bánh ướt. Ba con làm hồ. Nó trả lời gọn bâng. Mẹ Hà thôi thắc mắc.
Nhưng Hà thì tối hôm ấy có nhiều thắc mắc lắm. Nó hỏi, vì sao mẹ cản con đừng khui quà, tiết mục ấy rất vui mà, bạn nào cũng ngóng chờ hết. Mẹ Hà tần ngần, chẳng biết có nên nói với một đứa trẻ mới học lớp năm rằng, nếu con chưa từng được làm sinh nhật và ít khi được nhận quà, thì trước một núi các gói lớn gói nhỏ, chắc lòng con ao ước lắm. Nhưng nó cũng còn đỡ hơn là con tận mắt thấy trong các món quà đẹp đẽ ấy là hộp đồ chơi, cái đồng hồ, chiếc vòng tay, bộ màu nước, xấp giấy vẽ… mà con đang thèm muốn, nhưng lại chẳng thuộc sở hữu của mình. Mà nó thuộc về đứa bạn cùng lớp, nhà chắc giàu có và được cưng chiều dữ lắm, nên năm nào cũng được làm sinh nhật. Đứa bạn ấy đang có rất nhiều thứ, cùng một lúc. Thật bất công làm sao…
Mẹ Hà phân vân, sau đó chọn giải pháp im lặng. Bé Hà tiếp tục hỏi, sao mẹ lại dặn con hạn chế chơi với bạn Mai, bạn Cúc, hai đứa mà mẹ hỏi han về quần áo đấy? Cả bạn Nhàn nữa, bộ nhà bạn kinh doanh khách sạn và bạn mau lớn quá, cái gì cũng biết thì không tốt hả mẹ?
Mẹ Hà bí đường, ngó qua ba Hà cầu cứu. Thì vừa ngay, Hà quay sang ba mình, thắc mắc: “Làm hồ là làm gì vậy ba, có giống nghề nghiệp của ba hay không vậy?”. Ba Hà nhất thời ú ớ, nói: “Khác, khác chứ”. Mẹ Hà bực mình, chuyển sang đề tài khác:
- Hà chia cho em Bin một cái hồ cá đồ chơi nghen con.
- Sao con lại phải cho nó, hở mẹ?
- Thì con làm chị, phải nhường em chứ. Huống gì em Bin sáng nay đã đập heo đất mua quà cho con, là gì!
- Ngộ thật, tại sao làm chị thì phải nhường em, mẹ nhỉ?
Mẹ Hà kết thúc màn lục vấn bằng câu quát: “Mẹ dạy thì phải biết nghe. Đi ngủ hết, muộn, mệt quá chừng!”.
Câu chuyện sinh nhật đến đây là kết thúc rồi. Lãng xẹt và trẻ con quá, phải không nào!
Bình luận (0)