Tôi làm 'người nhện': Sợi dây sinh tử

02/01/2018 12:14 GMT+7

Khi chấp nhận đánh cược tính mạng, đu người lên sợi dây để lau kính các tòa nhà, cao ốc, người làm nghề đều hiểu sợi dây ấy chính là 'lằn ranh' giữa sự sống và cái chết.

Thót tim
Sau nửa tháng dần quen với công việc, Thiên nhận xét tôi học nghề khá nhanh và tin tưởng giao nhiệm vụ.
Từ nay đến cuối năm là giai đoạn Léman Luxury Apartments bàn giao căn hộ cho khách. Khi biết khách sắp sửa nhận căn hộ nào là chúng tôi tất bật với việc lau kính mặt ngoài căn hộ đó. Đó là lý do chúng tôi không lau kính từ tầng cao nhất xuống tầng thấp nhất như cách thường làm của những “người nhện” ở các tòa nhà, mà chỉ lau ở những căn hộ sắp sửa được bàn giao.

Nói thiệt, nghề này không phải nguy hiểm, mà là... quá nguy hiểm

Công nhân lau kính Nguyễn Hải Tùng

Hơn nửa tháng sau sự cố đầu tiên giúp tôi có thêm những kinh nghiệm: biết cách ngồi để không mỏi, cách để vật dụng không bị rơi, cách điều khiển các móc khóa sao cho dây trượt từ tầng cao xuống tầng thấp… Tôi tự tin mình có thể hoàn thành tốt công việc.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Chiều 18.11, tôi lau kính ở một căn hộ tầng 8. Khi đang căng mình phơi lưng lau kính dưới cái nắng như đổ lửa thì gió bắt đầu thổi, càng lúc càng mạnh hơn. Cái ghế ngồi chao đảo. Trong tích tắc, mưa đến thật bất ngờ.
Tôi luống cuống không biết xử lý tình huống này như thế nào. Hoảng loạn và lo sợ. Hai sợi dây đong đưa, cả người tôi lủng lẳng…
Từ tầng 11, Thiên nói vọng xuống: “Cứ bình tĩnh. Lấy dụng cụ hít kính gắn chặt vô kính, móc chân vào đó là sẽ cố định được vị trí, không bị đong đưa nữa. Rồi mở khóa, tuột nhẹ nhàng, từ từ xuống thôi, không sao đâu”.
Hên là tôi làm được!
Những sự cố này tôi gặp liên tục, nhất là thời gian này Sài Gòn hay mưa buổi chiều. Có khi trời đang nắng chang chang, nhưng mây mù kéo đến thật nhanh, thế là phải bình tĩnh tìm cách tuột dây xuống để bảo vệ an toàn cho bản thân.
Vì quen với nghề, nên trưa 3.12, Thiên bảo tôi lau giúp căn hộ penthouse ở tầng 23. “Chỉ có một căn này thôi. Mình neo dây kỹ lưỡng rồi leo ra ngoài cửa, chứ không phải trèo lên tuột xuống gì cả, không nguy hiểm lắm đâu”.
Tôi đồng ý. Treo dây vào người. Gắn chặt những móc khóa. Đem theo những dụng cụ vệ sinh, nhoài người bước qua cửa kính của căn hộ tầng 23. Cái nắng hắt ra từ kính làm nóng ran mặt. Lau được nửa cánh cửa, tôi bất chợt nhìn xuống. Những căn nhà dọc đường Nguyễn Đình Chiểu và Trương Định trông thật nhỏ bé. Dòng người lưu thông trên đường nhỏ như đàn kiến. Tôi biết mình đang ở vị trí cách mặt đất khoảng hơn 70 m. Có cảm giác ép tim, khó thở. Lồng ngực như muốn vỡ tung. Tôi bám tay vào thành cửa, dùng hết lực để kéo người lên. Giây phút bước được cả hai chân qua khỏi cửa để vào bên trong, tôi thở phào nhẹ nhõm…
Cheo leo trên độ cao hơn 260 m
Tòa nhà số 5 trong khu Vinhomes Tân Cảng (hay còn gọi Vinhomes Central Park, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh) cao 46 tầng. Đứng dưới đất nhìn lên phải ngả người hết cỡ mới thấy được tầng cao nhất. Vậy mà những ngày này, có những người thả mình theo những sợi dây từ trên tầng cao nhất ấy, từ từ tuột xuống để “rửa mặt” cho những lớp kính còn dính đầy bụi bẩn.
Sau 6 tiếng đồng hồ, hai thợ đu dây lau kính là Nguyễn Văn Đức (41 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, làm nghề được 18 năm) và Nguyễn Duy Quang (29 tuổi, Q.2, TP.HCM, 7 năm đu dây lau kính) mới hoàn thành việc lau một “line” từ tầng 46 xuống tầng 1. “Tiếp đất” an toàn, Đức thở dốc, vừa lau mồ hôi vừa kể: “Mệt quá mệt. Nó là cái nghề nguy hiểm nhất thế giới. Càng xuống dưới thì càng đỡ, chứ lúc treo mình ở trên cao, gió thổi, thấy ghê vô cùng”.
Đu dây lau kính các tòa nhà cao tầng được xem là nghề rất nguy hiểm

Quang cũng rùng mình kể: “Ngồi ở “trển” mà nhìn xuống dưới thì chẳng thấy gì rõ cả, sâu hun hút. Vì ở vị trí cao chắc hơn 130 m so với mặt đất”.
Nhưng độ cao ấy chẳng “thấm tháp” gì so với những tòa nhà khổng lồ mà Quang và Đức đã từng chinh phục: Saigon One Tower (42 tầng, 195 m), Bitexco (68 tầng, 262 m), Saigon Center 2 (42 tầng, 193 m), Vietcombank Tower (35 tầng, 206 m)…
“Chỉ nhìn số lượng tầng và độ cao như thế cũng đủ thấy cái độ nguy hiểm rồi. Mà làm nghề này, cả thân người chỉ bám vô cái dây thôi. Sống hay chết, mọi sự đều do cái dây quyết định”, Đức tâm sự.
Không có cơ hội sửa sai
Nhìn Nguyễn Hải Tùng (28 tuổi, Cà Mau) treo người lủng lẳng ở tòa nhà Pandora Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) để “rửa mặt” cho tòa nhà, người viết cảm thấy thót tim. Bởi lẽ anh vừa đu dây, rồi “bay qua, bay lại”, với tay để lau kính ở những vị trí xa nhất.
Tùng kể: “Hôm nào làm xong cũng mỏi và ê ẩm cả người. Rồi gặp hoài những chuyện hoa mắt, ù tai, choáng váng, cơ thể chao đảo, cổ họng luôn khô khốc… Nói thiệt, nghề này không phải nguy hiểm, mà là… quá nguy hiểm. Tôi chẳng dám nghĩ về những điều xấu nhất”.
Tùng nhớ lại, trong suốt quá trình làm nghề đã từng chứng kiến nhiều tai nạn. Một đồng nghiệp khi đang đu dây lau kính tại một tòa nhà ở Q.2 đã bị gió thổi khiến cả thân người chới với trên không trung và rơi xuống đất, bị chấn thương cột sống.
Nhiều người trong nghề cũng thú thật, đã có nhiều đồng nghiệp gặp sự cố: đứt dây, bị gió thổi… “Có người mạng lớn, có người không… Nhưng dù mạng lớn thì cũng chỉ giữ được mạng chứ không cứu nổi cơ thể tàn tật cả đời”, Trần Bảo Lâm (37 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) kể lại với ánh mắt buồn thiu.
Lâm buồn bã khi nhớ lại vào một buổi chiều năm 2016, khi một đồng nghiệp của anh, từng chung đội đu dây lau kính, đã vĩnh viễn ra đi. “Buổi trưa còn nhường cho nhau miếng trứng chiên, nhưng đến chiều thì anh ấy trượt dây té khi đang lau kính trên tầng cao của một khách sạn ở Q.1 và không sống nổi”, Lâm kể.
Sinh mạng người làm nghề đu dây lau kính phụ thuộc vào sợi dây đu
Mình về đến nhà, vợ con mới yên tâm
Cứ mỗi lần lau kính xong, tiếp đất an toàn, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi là Đức lại nhắn tin cho vợ: “Anh vừa làm xong, an toàn”. Đức nói: “Vợ ở nhà lo lắm. Chỉ khi thấy mình chạy xe về tới nhà, thì vợ với 3 đứa con mới an tâm. Ngày nào mà thấy quá giờ làm, mình không nhắn tin, hoặc vợ gọi không liên lạc được vì mình hết pin điện thoại là lòng vợ như lửa đốt”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (50 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tâm sự: “Chiều mình về đến nhà thì vợ con mới yên tâm. Bởi làm cái nghề này đâu biết được “ra đi” lúc nào”.
Quang kể, chẳng thể đếm được bao nhiêu lần vợ anh khuyên ngăn rồi năn nỉ: “Bỏ cái nghề này đi chồng, kiếm nghề nào khác mà làm”. “Nhưng chắc cái nghề này nó “vận” vào người mình thì phải. Mình dứt bỏ không được, để rồi cứ mải miết làm. Cũng thấy tội vợ con thật. Cứ chiều chiều lại ngóng trông mình về. Thấy mình là vợ ôm, con sà vào lòng”, Quang trải lòng.
Cũng vì hiểu được tính chất nguy hiểm của cái nghề mà bản thân đánh cược mạng sống để mưu sinh, nên mỗi ngày trước khi đi làm, Đức hay Quang đều thắp nén nhang cầu nguyện, mong ngày làm việc suôn sẻ, bình an.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.