Nhớ có lần vào cuối năm 1972, đang nằm ở xã Nhị Quý, H.Cai Lậy (Tiền Giang), nam lộ Bốn, chợt nghe một câu chuyện về cù lao Ngũ Hiệp giữa sông Tiền, tôi thích quá nên xung phong làm một chuyến vượt sông Tiền ra cù lao Ngũ Hiệp, mong viết được bài báo hay bài thơ gì đó về cồn đất này. Nói là đi luôn.
Tôi một mình ăn mặc giống như một thanh niên địa phương, "đi phượt" từ lộ Bốn Cai Lậy ra cù lao Ngũ Hiệp. Phải đi xuồng máy trên sông Tiền mênh mang có nhiều tàu tuần tiễu của đối phương thường xuyên khống chế, tôi lận lưng khẩu K54 mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có lúc sử dụng, đội nón lá và mặc áo sơ mi may bằng vải "pô-ly", giống như một trai làng bình thường của vùng Cai Lậy. Chuyến ấy tôi đi ra rất trót lọt. Tàu tuần duyên đối phương vẫn chạy hà rầm trên sông, còn chiếc xuồng máy chở tôi vẫn bình thản chạy ngang dòng sông Tiền, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Xuồng cập cù lao Ngũ Hiệp, tôi được dẫn tới một địa hình nhỏ. Ở đó, tôi được gặp anh Ba Tốt, một cán bộ ban ngày bám trụ trong địa hình, ban đêm tìm đường đến với bà con trong ấp chiến lược trên cồn. Anh Ba Tốt là thương binh bị mất một chân, phải chống nạng. Vậy mà anh di chuyển thoăn thoắt, cứ như không có bất cứ trở ngại nào. Đó là một người anh hơn tuổi tôi. Hình ảnh người thương binh này đã găm ngay vào trí nhớ của tôi.
Anh Ba nói với tôi: "Nếu tối nay êm, mình sẽ ra gặp bà con trong ấp chiến lược. Bây giờ anh em mình phải kiếm cái gì ăn đã. Vào gặp bà con trong ấp chưa chắc đã có gì ăn".
Tôi răm rắp nghe theo anh Ba. Trong lòng tự nhiên cảm thấy rất an ổn. Gặp được một người cán bộ bám trụ thông thạo địa hình và tốt bụng như thế, thật may mắn cho kẻ từ xa tới là mình.
Nhưng vào buổi tối, ở đây đã không êm.
Phía mũi cồn, chợt ran lên tiếng súng nổ.
Anh Ba Tốt nói với tôi, hình như đã xảy ra tao ngộ chiến. Đúng như thế thật. Một nhóm du kích bất ngờ bị một nhóm quân biệt kích Sài Gòn phục kích. Cuộc đụng độ không ngang sức đã xảy ra.
Kết quả rất đau buồn: Ba chiến sĩ du kích hy sinh trên một cồn đất có 6.000 dân và tương đối yên bình cho đến lúc ấy. Đó là một sự kiện lớn. Tôi đã tình cờ chứng kiến sự kiện đau buồn này. Đêm ấy, tôi nằm hầm trong địa hình với anh Ba Tốt, anh em chuyện trò với nhau về cù lao Ngũ Hiệp, cái "cồn đất hình hột xoài" như đang trôi trên sông Tiền.
Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt trực tiếp với chiến tranh, bắt đầu từ một cuộc đụng độ trên một cồn đất nhỏ. Nằm bên anh Ba Tốt, tôi có cảm giác rất yên tâm, cái yên tâm thật cần thiết với một người lính mới. Anh Ba lại kể tiếp tôi nghe những chuyện trên cồn đất này, những khốn khổ của bà con khi bị dồn vào ấp chiến lược. Những du kích hoạt động trên cồn Ngũ Hiệp cũng rất khó khăn và nguy hiểm, vì cồn đất nhỏ, kẻ địch lại chốt chặn những cửa ngõ hiểm yếu; còn trên sông, tàu tuần duyên địch tắt máy thả trôi không ngừng suốt đêm.
Tôi nằm trong địa hình với anh Ba Tốt hai đêm nữa. Cồn đất lại êm, như không có gì xảy ra, như chiến tranh đã chuyển hướng sang những vùng đất khác dọc sông Tiền.
Thật sự không hề là như vậy.
Ngày thứ ba, thuyền máy của giao liên cải trang thành thuyền dân, đến đón tôi. Tạm biệt anh Ba Tốt, cứ nghĩ rồi có lúc anh em gặp lại nhau. Nhưng đã không còn cơ hội ấy cho tôi. Chiến tranh mà.
Mãi năm 1973, khi vượt Đồng Tháp về lại chiến khu, tôi đã viết được bài thơ Đêm trên cồn. Bài thơ tôi đã thai nghén từ mấy đêm sống cùng anh Ba Tốt trên cồn Ngũ Hiệp. Đây có lẽ là một trong những bài thơ đậm không khí chiến tranh trực tiếp nhất của tôi. Dĩ nhiên, tôi lang thang qua chiến tranh, nhưng không hề là người vô cảm. Thậm chí, với vị trí đặc biệt này, tôi còn nhiều cảm xúc hơn là nếu tự mình tham gia vào cuộc chiến như một người lính thực thụ.
ĐÊM TRÊN CỒN
Tiếng súng nổ chát tai ngoài ấp Tân Sơn
Chúng tôi nghe đứng ngồi như lửa đốt
Đó là giờ tụi ác ôn bung ra lùng sục
Và các đồng chí mình về bám đất bám dân
Cồn đất hình hột xoài lênh đênh trên sông
Chở khẳm hơn sáu ngàn số phận
Sóng lưỡi búa quằn trong đêm nước lớn
Tàu giặc thả trôi lờ lững, chập chờn…
Con tôm co mình dưới hũng rêu trơn
Con đom đóm vặn nhỏ đèn, đi ngủ
Đám lá về khuya hun hút gió…
Còn những bóng xuồng len lỏi men sông
Những mái chèo khuấy trầm, ngược nước
Ngày mai cồn đất phải về đâu
Trán người lái xuồng mồ hôi đổ hột
Bót chợ giữa cồn chốc chốc bắn vu vơ
Lũ ác đêm nay đứa nào ngủ được
Cuộc vật lộn đang ở hồi gay gắt
Nghe sông Tiền dồn dập thở trong đêm
Hiện ngang trời những ngôi sao sáng quắc
Soi lượn sóng như cánh tay trần cuồn cuộn xoắn lên
Những đóm nhang trên bàn thờ không chớp
Cháy đỏ mắt một niềm dò hỏi đêm sâu
Ngày mai cồn đất phải về đâu?
Khuya ấy chúng tôi chở vô địa hình xác ba đồng chí
Trong cuộc chạm súng đầu hôm ngã xuống ở mũi cồn
Tưởng chưa đêm nào gió lồng ghê gớm thế
Đám lá đã dạn dày cứ giật thắt từng cơn
Thôi các anh nằm cho chúng tôi vuốt mắt
Mình sẽ thức bên nhau tới lúc bật ánh ngày
Sống cồn đất, chết chôn trên cồn đất
Ôi làm sao bỏ được nơi này!
Làm sao bỏ hơn sáu ngàn số phận
Với những rào gai nghẹn quấn thân người
Làm sao bỏ những bãi bần sóng lấn
Còn chập chờn bóng tàu giặc thả trôi
Làm sao bỏ mẹ già kiếm mồ con thất thếu
Ngồi tựa dưới gốc dừa gió xõa trắng màu tang
Hốc mắt khô hai mươi năm cồn đất
Lục bình trôi những kiếp sống lỡ làng
Làm sao bỏ cháu ta vừa biết lật
Tai đã phải nghe tanh tưởi những giọng cười
Lũ "bình định" nhậu bên xác người chúng giết
Bầy quạ đen kêu rợn tối ba mươi
…Gà gáy canh tư
Sắp tới giờ tụi chi khu nã pháo
Cả chúng tôi không ai nói một lời
Phút im lặng tụ giữa quầng mắt bão
Thấy cồn đất rùng lên băng về hướng mặt trời
1973
Năm 1974, khi có điều kiện liên lạc với Hà Nội, tôi đã gửi bài thơ này ra cho nhà thơ Trúc Thông bạn tôi. Anh Trúc Thông đã đọc và rất thích bài thơ Đêm trên cồn.
Sau hòa bình năm 1975, được ra Hà Nội về nhà thầy má mình, tôi gặp lại Trúc Thông. Hai anh em lại thủ thỉ với nhau về những chuyến tôi "lang thang qua chiến tranh" ở chiến trường Nam bộ. Và bài thơ nhỏ của tôi lại được bạn tôi rất khen. Kể, vào chiến trường 5 năm như tôi cũng không hẳn là vô ích.
Quảng Ngãi, ngày giải phóng 24.3.1975 - 24.3.2024
Bình luận (0)