Siêu trăng (supermoon) xảy ra khi mặt trăng đi vào điểm cận địa (điểm gần trái đất nhất trên quỹ đạo của elip của nó quanh trái đất) vào đúng hoặc lân cận thời điểm trăng tròn hoặc không trăng. Với người quan sát trên trái đất, thời điểm không trăng không thể quan sát được, chỉ có thể quan sát sự trùng hợp này vào thời điểm trăng tròn.
Siêu trăng cuối cùng trong năm
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), thời điểm xảy ra siêu trăng, mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của trái đất so với mặt trời và mặt của nó sẽ được chiếu sáng đầy đủ. Đây là siêu trăng cuối cùng trong 4 siêu trăng của năm 2024.
Lúc này, mặt trăng sẽ ở gần điểm tiếp xúc gần nhất với trái đất, có thể trông lớn và sáng hơn một chút so với bình thường.
Trang Space.com cho biết siêu trăng cuối cùng của năm diễn ra đúng lúc cho những ai muốn ngắm bầu trời vào cuối tuần. Siêu trăng xuất hiện vào thứ sáu 15.11, nhưng mặt trăng sẽ tròn đối với hầu hết người quan sát trong một hoặc hai ngày trước thời điểm trăng tròn chính xác.
"Trăng tròn tháng 11 sẽ xuất hiện cạnh cụm sao Pleiades xinh đẹp. Chỉ cần lưu ý rằng độ sáng của trăng tròn sẽ khiến việc quan sát hầu hết các ngôi sao của cụm sao này trở nên khó khăn", chuyên gia lưu ý.
Siêu Trăng Hải Ly
Các nhà nghiên cứu cho biết nguồn gốc của cái tên này ngày nay thường được giải thích là vào thời điểm này trong năm loài hải ly đến mùa xây đập - mà thực tế là những cái tổ giữa dòng nước, được làm bằng lá, cành cây và đôi khi cả đất đá, giúp chúng tích trữ thức ăn trong mùa đông và tránh sự tấn công của các loài săn mồi như gấu và chó sói.
Cũng có nguồn khác giải thích rằng trăng tròn tháng 11 được gọi như vậy vì vào thời điểm này trong năm là lúc người bản địa châu Mỹ thường đặt bẫy hải ly.
Một số nơi khác trăng tròn tháng 11 được gọi là Trăng Sương Giá, vì đây là thời điểm mùa đông đang tới gần và ở nhiều khu vực có sương rất lạnh. Có nơi gọi trăng tròn tháng 11 là Trăng Tang, coi đó là thời điểm gần hết năm và người ta sẽ tưởng nhớ những người đã khuất.
Siêu trăng đầu tiên diễn ra vào ngày 19.8, còn gọi là Trăng Cá Tầm. Thú vị khi thời điểm xảy ra siêu trăng này trùng với Trăng Xanh. Siêu trăng thứ 2 trong năm 2024 diễn ra vào ngày 18.9, còn gọi là Trăng Thu Hoạch.
Tuy nhiên, thời điểm siêu trăng này lại trùng với lúc diễn ra hiện tượng nguyệt thực một phần, khi mặt trời, trái đất và mặt trăng nằm trên đường gần thẳng hàng, khiến mặt trăng khuyết một phần khi quan sát từ trái đất. Sự kiện nguyệt thực này dễ dàng quan sát tại châu Mỹ, châu Phi và châu Âu.
Siêu trăng vào ngày 17.10 là một trong những siêu trăng đáng chú ý của năm 2024, còn được gọi là Trăng Thợ Săn. Sau đó hơn 1 tháng, ngày 15.11 cũng là thời điểm diễn ra siêu trăng cuối cùng của năm 2024, còn gọi là Trăng Hải Ly.
Bình luận (0)