Theo Đài quan sát Trung tâm khoa học SCOB (Singapore), hiện tượng này có thể được quan sát từ 23 giờ 30 đêm 24.7 (giờ Singapore) tức 22 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Mặt trăng và sao Thổ sẽ ở vị trí gần nhau nhất vào lúc 4 giờ 31 sáng 25.7 (giờ Singapore) từ 3 giờ 31 phút (giờ Việt Nam).
"Điều này xảy ra là do vị trí của sao Thổ và mặt trăng trên quỹ đạo tương ứng của chúng quanh trái đất và mặt trời", Channel News Asia dẫn thông tin từ SCOB.
Nói về sự kiện này, Space.com thông tin vì mặt trăng có khoảng cách gần trái đất, vị trí biểu kiến của nó so với các ngôi sao và hành tinh sẽ thay đổi tùy thuộc vào nơi bạn ở.
Từ Bắc Mỹ và châu Âu, mặt trăng khuyết sẽ lại gần sao Thổ vào đêm nay (24.7), mọc sau nửa đêm. Tuy nhiên, ở nhiều nước ở châu Phi và châu Á, trong đó có Việt Nam mặt trăng sẽ xuất hiện và che khuất sao Thổ khỏi tầm nhìn chúng ta trong vài giờ.
Theo NASA, hiện tượng này được gọi là sự giao hội, thường xảy ra khi mặt trăng, một hành tinh hoặc một ngôi sao xuất hiện gần nhau trên bầu trời đêm của trái đất. Trong những lần giao hội như vậy, các vật thể trên bầu trời có thể xuất hiện gần nhau theo góc nhìn của người quan sát trên trái đất, tuy nhiên chúng chưa chắc gần nhau về mặt vật lý, theo SCOB.
Trước đó vào ngày 23.7, vào khoảng nửa đêm theo giờ địa phương mỗi quốc gia, trăng khuyết xuất hiện ở phía đông đông nam cùng với sao Thổ sáng ở cấp sao +0,8.
“Cả hai được nhìn thấy trong suốt phần còn lại của đêm, mờ dần ở phía tây khi bình minh ló dạng. Bạn sẽ không nhìn thấy vành đai của sao Thổ chỉ bằng mắt thường mà sẽ cần kính thiên văn cho việc này", chuyên gia thông tin.
Là người yêu thiên văn, anh Thiện (26 tuổi, ngụ Đắk Lắk) cho biết sẽ không thể bỏ qua hiện tượng này. Nhà ở xa trung tâm thành phố, không bị ô nhiễm ánh sáng, anh nói sẽ thuận lợi để quan sát nếu thời tiết ủng hộ.
Bình luận (0)