Đây là thời điểm vàng để quan sát bởi nếu bỏ lỡ, chúng ta phải chờ tới 71 năm sau mới gặp lại "sao chổi quỷ" nổi tiếng này.
Cách ngắm
Theo space.com, tất cả những gì bạn cần để xem sao chổi 12P/Pons-Brooks vào thời điểm nó sáng nhất, ngoài thời tiết đẹp và một chút may mắn là ống nhòm tốt hoặc kính viễn vọng. Kèm theo đó, là bản đồ bầu trời để giúp hướng dẫn bạn đến nơi mà thiên thể lang thang này sẽ xuất hiện.
Thời điểm này, sao chổi đang đạt tới điểm cận nhật, điểm gần mặt trời nhất. Do đó, 12P/Pons-Brooks sẽ đạt độ sáng cao nhất, khi nó chiếu sáng trong chòm sao Kim Ngưu ngay sau khi mặt trời lặn.
Nó có thể được nhìn thấy bằng mắt thường trong vùng tối, nhưng ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ sẽ có thể giúp bạn tìm thấy nó, theo space.com.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết sau khi 12P/Pons-Brooks quay trở lại không gian, nó sẽ mất thêm 71 năm nữa để hoàn thành một vòng quanh mặt trời nữa. Đối với hầu hết chúng ta, sự xuất hiện năm nay sẽ là lần duy nhất chúng ta được nhìn thấy nó.
Theo Livescience, tháng 7.2023, các nhà thiên văn học đã chứng kiến 12P/Pons-Brooks phun trào vật chất lần đầu tiên sau gần 70 năm và kể từ đó, nó phun trào khá thường xuyên.
Trong những lần phun trào đầu tiên của sao chổi, hình dạng bất thường của đám mây khí khiến sao chổi này có hình thù kỳ lạ, giống như mọc ra một cặp sừng quỷ. Đó cũng nguồn gốc "biệt danh" của sao chổi này.
Tuy nhiên, sau những vụ phun trào sau đó, những chiếc sừng dường như đã biến mất vĩnh viễn. Những bức ảnh mới hơn về sao chổi cũng cho thấy nó đã phát triển ánh sáng màu xanh lục.
Có thể là lần cuối nhìn thấy nó
12P/Pons-Brooks sẽ đạt điểm cận nhật vào ngày 21.4, sau đó, vào ngày 2.6, nó sẽ đi qua gần trái đất nhất. Sau khi tiếp cận gần trái đất vào năm 2024, sao chổi 12P/Pons-Brooks sẽ không quay trở lại bên trong hệ mặt trời trong 71 năm nữa.
Trước đó, một số người hy vọng “sao chổi quỷ” bừng sáng đủ để con người có thể nhìn thấy trong sự kiện nhật thực toàn phần hôm 8.4, nhưng đáng tiếc chúng ta vẫn chưa thể quan sát thấy nó bằng mắt thường vào sự kiện hôm đó.
Là một người yêu thích thiên văn, anh Nguyễn Tấn (25 tuổi) cho biết đã sẵn sàng ống nhòm, dành thời gian lên sân thượng chung cư nhà mình vào lúc chạng vạng để quan sát.
Anh cho biết mình thường xuyên theo dõi tin tức về sao chổi này từ năm ngoái. Điều thú vị nhất với anh chính là sự hiếm gặp của nó, khi tận 7 thập kỷ sau mới có thể gặp lại. "Có thể trong cuộc đời tôi chỉ có thể gặp được nó lần này. Nếu bỏ lỡ, chắc chắn tôi sẽ hối hận. Thời tiết TP.HCM những ngày này trời trong, hy vọng tôi có thể săn được", anh nói.
Bình luận (0)