Tội phạm mua bán người gia tăng, thủ đoạn tinh vi
* Sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/05/2023 08:13 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi.

Sáng 8.5, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Đối tượng nạn nhân cũng mở rộng, không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng... Đáng lưu ý, phát hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người trong nước để ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động gây bất an, lo lắng trong nhân dân.

Tội phạm mua bán người gia tăng, thủ đoạn tinh vi - Ảnh 1.

PV Thanh Niên trong một lần vào vai người lao động, lên ô tô để tài xế chở lên cửa khẩu Mộc Bài qua Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”

THANH NIÊN

Báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp do Phó chủ nhiệm Ủy ban Mai Thị Phương Hoa trình bày tại phiên giải trình cũng đánh giá, hành vi phạm tội mua bán người thời gian qua có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp... Xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế.

Đồng tình với đánh giá của Ủy ban Tư pháp, nhiều đại biểu QH tại phiên giải trình đề nghị các cơ quan hữu quan báo cáo các giải pháp nhằm ngăn chặn các đối tượng lợi dụng sự phát triển công nghệ, nhất là mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội.

Giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho hay, thời gian qua, việc thực hiện xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại đã góp phần làm chuyển biến tình hình ngăn ngừa tội phạm, bao gồm cả tội phạm mua bán người. Vừa qua, với sự tích cực của Bộ TT-TT, đã phát hiện 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ và không ít trong đó tiềm ẩn việc tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Cũng theo ông Ngọc, sắp tới, Bộ Công an sẽ bàn với Ngân hàng Nhà nước tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. "Như vậy, chúng ta sẽ tiếp cận và hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức SIM điện thoại hay thanh toán tài khoản, tiền", ông Ngọc nói.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết sắp tới, luật Viễn thông sửa đổi trình QH sẽ bổ sung việc quản lý các dịch vụ OTT viễn thông cả trong và ngoài nước. Nếu các nền tảng này không đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ ngăn chặn, từ đó phòng ngừa hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, cuối năm 2023, Bộ TT-TT sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Theo đó, sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội cả trong và ngoài nước như Facebook, YouTube, TikTok… phải thực hiện việc định danh. "Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau", ông Lâm nhấn mạnh.

Cho ý kiến luật Đất đai sau khi lấy ý kiến nhân dân

Hôm nay (9.5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 23. Tại phiên họp kéo dài 4 ngày, UBTVQH sẽ cho ý kiến về nhiều dự án luật, gồm: dự án luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; dự án luật Đất đai sửa đổi; dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết mới về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề nghị xây dựng dự án luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu QH Nguyễn Anh Trí. Cũng tại phiên họp, UBTVQH xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.

Về công tác giám sát, UBTVQH sẽ cho ý kiến báo cáo bổ sung KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo tài chính nhà nước năm 2021.

UBTVQH cũng sẽ tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 QH khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của QH tháng 4.2023; cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.