Để ký âm lại bài Dạ cổ hoài lang, năm 1999, tôi đề nghị thạc sĩ Vưu Long Vỹ - Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu - ca cho tôi ghi âm vào băng cassette bài này. Ông Vưu Long Vỹ đã ca mộc (không dùng tới dàn nhạc) nhưng vẫn bảo đảm tiết tấu. Sau đó, tôi thu thêm tiếng ca mộc của năm nghệ nhân ở Bạc Liêu.
Tính dị bản quá lớn
Tôi qua bảo tàng tỉnh xin được xem bài ca chép tay của bác Cao Văn Lầu. Tôi thấy bác ghi như thế này:
Từ, từ phu tướng.
Hò là hò xang cống.
Từ, từ phu tướng có bốn tên nốt - gọi là chữ đờn, đi theo phía dưới, tưởng không có chi phải bàn cãi nữa. Thế nhưng trong cách ca, người ca bắt buộc phải luyến giọng từ chữ phu sang chữ tướng. Nói theo thanh nhạc Tây phương thì phải luyến từ quãng 4 sang quãng 6. Cái nốt luyến được “hiểu ngầm” ấy phải là quãng 5. Nghĩa là người đờn cổ nhạc phải có thêm một chữ đờn khác lót vào giữa thì người ca mới luyến được.
|
Điểm thứ hai là ngay trong bốn chữ đờn, bác Sáu Lầu lại dùng một từ (Là) thay cho chữ đờn. Như vậy muốn diễn tả từ Là đó thì cả thầy đờn và người ca phải ca thêm một chữ đờn nữa. Vậy chữ ấy tương ứng với cao độ của nốt nào? Tôi thật sự hơi lo khi thấy trong những văn bản chép tay của bác Sáu Lầu có những chữ bị xóa, ca từ của bản này có một vài từ khác so với bản kia.
Ngay trong nội dung ca của ông Vưu Long Vỹ và năm nghệ nhân ở Bạc Liêu thì ca từ của sáu người cũng khác nhau. Về thanh nhạc, sự khác biệt lại càng cao hơn. Như đã trình bày, nếu ký âm Dạ cổ hoài lang ra thanh nhạc Tây phương cung Mi mineur, thì ông Vưu Long Vỹ ca câu đầu tiên:
Từ là từ phu (luyến) tướng.
Mi Si Mi La-Si Do#.
Năm nghệ nhân còn lại ca:
Mi Mi Mi La-Si Do#.
Cao độ nốt thứ nhì Si (quãng 4) của ông Vỹ ca và cao độ nốt thứ nhì Mi (chủ âm, quãng 1) của năm giọng ca còn lại cách nhau một trời một vực, trong đó thanh nhạc của câu ông Vỹ ca đẹp hơn.
Mong ngành văn hóa Bạc Liêu chính thức có được một bài ca Dạ cổ hoài lang, công bố nó như một giá trị văn hóa phi vật thể quý giá của tỉnh mà chỉ Bạc Liêu mới có được |
||
Sau khi nghe sáu bản ca, đối chiếu với những bản ca khác của các nghệ sĩ cải lương đã được thu thanh, tôi ký âm lại Dạ cổ hoài lang theo solfège của thanh nhạc Tây phương. Tôi chọn chủ âm là cung Mi mineur, tương đương với cao độ giọng đào hát bài vọng cổ, nhịp của bản nhạc là 2/4. Tôi thăng quãng 6 lên một bán âm, tất cả nốt Do đều thăng lên thành Do dièse (Do#). Đầu bản nhạc, tôi đề: “Dạ cổ hoài lang. Sáng tác: Cao Văn Lầu. Ký âm lại: Vũ Đức Sao Biển”.
Bản nhạc ký âm xong, tôi đưa cho ca sĩ Hương Lan hát với hòa âm của nhạc sĩ Đức Trí; ca sĩ Hạnh Nguyên hát với hòa âm của nhạc sĩ Quốc Dũng. Hai nhạc sĩ hòa âm rất hay, sử dụng nhạc cụ định âm của Tây phương nhưng nhạc nền nghe ra vẫn rất... cổ nhạc Nam Bộ. Cả hai ca sĩ hát đều tốt, thu thanh cũng tốt mà ra biểu diễn ở Hà Nội cũng được người yêu nhạc khen ngợi.
Những tranh biện về "Dạ cổ hoài lang"
Năm 2009, ngành văn hóa tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo về bài Dạ cổ hoài lang tại trường Nghệ thuật sân khấu TP.HCM. Trong hội thảo này, giáo sư Trần Văn Khê phát biểu nên “chuẩn hóa” lại ngôn ngữ trong ca từ bài Dạ cổ hoài lang giúp người xưa. Ông ví dụ khái niệm “báu kiếm” mà người ta hay ca. Ông lý luận cách dùng từ ngữ như vậy là nửa Hán nửa Nôm, không đúng với quy chuẩn ngôn ngữ Việt Nam. Nếu thuần Việt thì nó là “kiếm báu”; nếu Hán Việt thì nó là “bảo kiếm”. Hoặc ta ca theo thuần Việt “Kiếm báu sắc...”; hoặc ta ca theo từ Hán Việt “Bảo kiếm sắc...”...
Trong phần tham luận của tôi, tôi mong phục hiện Dạ cổ hoài lang về cả ca từ và thanh nhạc. Bởi lẽ một khi đã nói đến bài ca, bản nhạc (chanson) thì phải có nhạc chuẩn; yêu cầu người ca, người biểu diễn phải ca (hát) đúng cao độ, trường độ, cường độ. Người ca hát có “hoa lá” đến đâu thì cũng chỉ được phép hoa lá trong quy ước của âm nhạc. Tôi đưa thí dụ một nữ ca sĩ tân nhạc hát bài do tôi ký âm lại thu đĩa. Trong câu “Em luống trông tin chàng”, tôi ký âm chữ chàng với nốt Si. Nhạc sĩ hòa âm nhạc nền cũng chuyển qua ngũ trình át âm cung Si bicarre thứ. Ấy vậy mà chị vẫn hát chữ chàng với nốt Là - tứ trình át âm, nghe chẳng ra làm sao cả.
Năm 2010, một buổi hội thảo về Dạ cổ hoài lang diễn ra tại Văn phòng 2 Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Bên nhạc sĩ tân nhạc cũng chỉ có mình tôi. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến phải chuẩn hóa Dạ cổ hoài lang về thanh nhạc lẫn ca từ. Tôi nghĩ xa hơn, mong ngành văn hóa Bạc Liêu chính thức có được một bài ca Dạ cổ hoài lang, công bố nó như một giá trị văn hóa phi vật thể quý giá của tỉnh mà chỉ Bạc Liêu mới có được. Có ý kiến phản biện của một soạn giả viết bài vọng cổ, cho rằng việc ký âm Dạ cổ hoài lang của tôi qua solfège Tây phương sợ làm mất tính dân tộc của bài ca. Tôi đã trình bày với hội thảo rằng các nhạc sĩ tân nhạc đã ký âm cả ngàn bài dân ca, bài ca cổ cho các nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn. Chẳng bài nào mất tính dân tộc cả. Trong tình hình sân khấu cải lương và bài ca vọng cổ ít được bạn trẻ quan tâm thưởng thức thì việc cố gắng gìn giữ, bảo tồn và phát triển Dạ cổ hoài lang là cần thiết.
Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)